Ca ngợi những nhân cách kẻ sĩ

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 57 - 61)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.3. Ca ngợi những nhân cách kẻ sĩ

Nhắc đến văn hóa khoa cử thời trung đại, người ta liên tưởng ngay đến những kẻ sĩ vốn là môn đệ, tín đồ của Khổng giáo. Là tầng lớp có học, được thấm nhuần lẽ “xuất xử”, “hành tàng” theo nguyên tắc trung dung tùy thời của nhà Nho nên phần đa họ là những người quân tử có nhân cách cao quý, được cả cộng đồng xã hội nể trọng. Dưới góc độ tiếp cận “xem văn hóa khoa cử như một truyền thống tốt đẹp phải giữ gìn”, ta thấy trong các tác phẩm về phong tục văn hóa quá khứ, các nhà văn thường đề cao khoa bảng và đặc biệt

là dành nhiều thiện cảm đối với các nho sinh, nho sĩ có nhân cách cao đẹp. Họ là những nho sinh tài hoa như Vân Hạc (Lều chõng), Hồ Xuân Hương, Đờm Thận Trung (Trong rừng nho), Nguyễn Đức Tâm (Bút nghiên) hay những ông thầy học rất mực mô phạm, dìu dắt bao thế hệ trẻ như những cụ Bảng Tiên Kiều, cụ cử Mai Đình (Lều chõng), ông cử Tri, cụ Nghè Phạm Xá (Bút nghiên). Họ còn là những ông Nghè, ông Cử, ông Tú sống nhàn tản với những thú vui phiêu lưu cầu kì trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân,...

Trong Lều chõng, ta thấy bên cạnh các thư sinh mà Ngô Tất Tố có cảm tình như Bùi Đốc Cung, Nguyễn Khắc Mẫn thì Đào Vân Hạc là nhân vật được ưu ái nhất. Anh là một thanh niên học rất giỏi lại rất tài hoa. Vốn thông minh từ nhỏ, Vân Hạc lại ngoan ngoãn, chăm chỉ đèn sách nên được thầy học là cụ Bảng Tiên Kiều tin yêu. Trong cáí “lò rèn đúc nhân tài” gần ba trăm người của cụ Bảng Tiên Kiều, Vân Hạc là học trò xuất sắc nhất. Văn của anh luôn được thầy phê “ưu” và trong các buổi bình văn, bài của Vân Hạc trở thành văn mẫu cho các bạn đồng môn “tất cả học trò đều giở một tập giấy bản đặt lên đầu gối. Tai nghe văn, tay thì viết lia lịa. Văn đọc đến đâu, họ phải cố viết cho kịp đến đấy” [68. 65]. Cái tài hoa của Vân Hạc đến thầy dạy cũng phải nể phục. Trong khi hỏi vợ cho học trò, thầy giáo đã nói với ông Đồ Vân Đình: “Nếu như hai bác muốn cho con cháu được làm cô Thám, cô Bảng, thì ngoài hắn ra, chắc không có người nào hơn. Tôi nói thế, không phải tôi quá khen học trò của tôi. Kể ra, cái tài thám, bảng, thiên hạ vẫn không thiếu gì, nhưng phần nhiều họ đã cao tuổi, hoặc là họ quen cố chấp câu nệ, không ai được hoạt bát như hắn” [68, 54].

Học rất giỏi, lại nổi tiếng tài hoa, phóng túng nhưng chế độ phong kiến đã làm cho anh mãi long đong trong trường thi cử, trở thành kẻ bất đắc chí, ngao ngán với con đường cử nghiệp, với cái mộng công danh mà bao hàn nho thời ấy đang cố sức chạy theo. Ngô Tất Tố đã dành mọi thiện cảm của mình vào những người như Vân Hạc.

Cũng như tiểu thuyết phóng sự Lều chõng, Trong rừng nho phản ánh tấn bi hài kịch của cả một thế hệ nhà nho phong kiến. Bên cạnh việc phê phán những nhà nho giả hiệu “chỉ làm nhục nhà nho” như những ông nghè: nghè Đăng, nghè Hoàng, ông nghè Hưng Hóa, ông cống Tuyên Quang; như bọn nho sinh dốt nát và đạo đức giả, ở một mặt khác, Ngô Tất Tố cũng đồng cảm với những nhà nho chân chính, tài hoa như nhân vật Thận Trung, một nhà nho “khoáng đạt, hào hoa, không câu nệ, giả dối”, như nhân vật cụ Chiêu Bảy, cụ Chiêu Tám và đặc biệt là nữ sĩ tài hoa, sắc sảo, đầy bản lĩnh nhưng cũng rất phong tình Hồ Xuân Hương. Nàng là con người có cá tính độc đáo, dám đứng lên chống lại những mặt thối nát của Nho giáo.

Cùng với việc ca ngợi những nho sinh tài hoa, có nhân cách như Vân Hạc, Đờm Thận Trung, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đức Tâm,..., các nhà văn còn đề cao những tấm gương những thầy đồ dạy học, những nhà nho mẫu mực trong cách sống và cách ứng xử. Đó là cụ Bảng Tiên Kiều, cụ cử Mai Đình, cụ Nghè Quỳnh Lâm trong Lều chõng. Cũng như Vân Hạc, cụ Bảng Tiên Kiều là nhân vật chiếm được nhiều cảm tình của Ngô Tất Tố. Là một thầy giáo dạy giỏi nên trường của cụ Bảng thu hút được nhiều học trò nhất trong các lò “rèn đúc nhân tài” bấy giờ. Chỉ có hai lớp đại tập và trung tập mà học trò trong trường đã tới gần ba trăm người. Học trò đông nhưng vào giờ học, họ chăm chú nghe như nuốt từng lời thầy giảng. “Mỗi khi đọc hết bài cái, bài bàn của một chương nào trong sách, cả trường im lặng như tờ. Mấy trăm con mắt đều chăm chỉ ngó vào cuốn sách của mình. Mấy trăm lỗ tai đều bình tĩnh đợi nghe lời giảng của thầy. Bằng cái giọng sang sảng như tiếng chuông đồng, cụ Bảng giảng rất rành mạch từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa gần đến nghĩa xa, cụ chỉ rõ ràng lời bàn nào là phải, lời bàn nào là quấy. Cụ nói như rót vào tai học trò” [68, 60]. Cụ có những tư tưởng tiến bộ trong dạy học. Nhớ hết những câu lục bát trong Tứ thư, Ngũ kinh nhưng đồng thời cụ không

cho rằng những câu thơ lục bát của dân tộc ta có nguồn gốc từ Tứ thư, Ngũ kinh. “...có người cho rằng lối văn trên sáu dưới tám của ta gốc ở Kinh, Truyện và Sử mà ra. Nhưng theo ý ta thì nói như vậy có lẽ cũng quá khiên cưỡng. Trời đã sinh ra mỗi nước có một thứ tiếng, thì tất nhiên mỗi nước cũng có một điệu hát. Nếu bảo điệu lục bát gốc ở Kinh, Truyện và Sử, thì sao ở Tàu lại không có cái thể văn ấy?” [68, 62]. Là một người tôn thờ triết lí đạo Khổng, có những suy nghĩ như cụ quả là tiến bộ. Trong Lều chõng, nhà văn đã có những thiện cảm đặc biệt đối với các thầy đồ như cụ.

Cũng như những người thầy lấy đức làm trọng như cụ nghè Phạm Xá, ông đồ Tri trong Bút nghiên hay cụ Bảng Tiên Kiều trong Lều chõng, quan Hoàng Giáp Nguyễn Đức Tâm trong Nhà nho là một hình mẫu đẹp của nhân cách kẻ sĩ trong xã hội xưa. Từ một cậu bé thông minh, chăm chỉ học hành, hiếu nghĩa với cha mẹ, Tâm được thầy đồ Tri và cụ nghè Phạm Xá dạy dỗ nên người và con đường khoa cử để đến với công danh của Tâm rất suôn sẻ, thi đỗ Hoàng Giáp (Bút nghiên). Trong tiểu thuyết Nhà nho, lúc đầu quan Hoàng Giáp Nguyễn được bổ làm tuần phủ Hưng Yên, sau làm đốc học rồi Án sát. Học trò của ngài nhiều người thành đạt và nổi danh trong triều. Khi đương quyền, quan Án làm việc rất công minh và vì quyền lợi của người dân. Bởi thế, mọi người kính trọng đức độ và nhân cách của ngài. Quan Án không chỉ là một người con hiếu kính với cha mẹ, rất mực thương yêu vợ con mà còn là một người thầy mẫu mực. Đọc tiểu thuyết Nhà nho, chắc chúng ta không thể quên được cảnh quan Hoàng Giáp Nguyễn cùng một số học trò lớn tuổi đích thân đến nhà nghè Tiến là học trò đã đỗ Tiến sĩ, muốn bỏ vợ cũ, lấy vợ mới. Nghè Tiến đã lạy thầy cũ và xin tha tội. Thầy không nhận mà còn ra lệnh cho anh Bảng Tuân, học trò đi cùng đánh trò Tiến:

“Anh Bảng Tuân đâu, anh lấy danh nghĩa nhà nho nọc anh Tiến ra tạm đánh cho tôi ba roi, roi thứ nhất bảo anh ấy nhớ đạo Thánh Hiền, roi thứ nhì

gỡ thanh danh cho trường ta. Roi thứ ba rửa nhục cho khoa giáp. Xong việc ta về” [31, 1048].

Nghè Tiến cuối cùng phải nằm sấp chịu đòn của bạn theo lệnh thầy. Đoạn văn trên là một minh chứng cho cách ứng xử đẹp của nhà nho trong xã hội Việt Nam xưa. Quan Án Tâm sống một cuộc đời thanh bạch, liêm khiết, làm sáng danh đạo Thánh hiền. Đến khi hấp hối trên giường bệnh, ngài vẫn căn dặn học trò và con cái phải cố sức học hành và đỗ đạt, giữ gìn nhân cách trong sạch để giúp đời, xứng đáng với danh nghĩa Nho gia. Con cháu của quan Án sống theo đức sáng, nghĩa cả và lòng trung hiếu của cha.

Là những tín đồ của Khổng giáo, được thấm nhuần chữ nghĩa Thánh hiền nên nhà nho là người tài đức vẹn toàn, biết xử sự thế nào cho phải đạo, ra vào lễ phép, ăn nói nhẹ nhàng. Bởi thế kẻ sĩ xưa được cả xã hội tôn vinh, được đứng đầu trong bảng xếp hạng tứ dân. Xét từ góc độ xem văn hóa khoa cử như một truyền thống tốt đẹp phải giữ gìn, trong tác phẩm của mình, các nhà nho luôn ca ngợi nhân cách kẻ sĩ và cũng kín đáo gửi gắm một phần tâm sự của chính mình, của tầng lớp mình trước hiện thực đất nước lúc bấy giờ.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w