Những tính cách dân tộc được nhận thức

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 29 - 33)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Những tính cách dân tộc được nhận thức

Trong thời gian thống trị Việt Nam, thực dân Pháp đã bằng mọi cách du nhập vào nước ta những nhân tố tiêu cực của văn hóa tư sản và đế quốc Pháp. Trước tình hình đó, Đảng ta luôn chú trọng nguyên tắc “dân tộc hóa” trong văn hóa, văn học, giúp cho tầng lớp trí thức (trong đó có văn nghệ sĩ) có ý thức trách nhiệm cao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những tính cách dân tộc qua các sáng văn học giai đoạn này được hiện lên một cách rõ nét.

Khi nói đến tính cách dân tộc trong văn học, ta nghĩ đến đặc điểm của con người Việt Nam. Đó là tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do, anh dũng trong chiến đấu chống ngoại xâm, là tình thương người, đùm bọc lẫn nhau, là sự tinh tế trong cách ứng xử, trong việc thưởng thức cái đẹp, là những thú chơi văn hóa tao nhã. Tuy cuộc sống lao động khó khăn, vất vả nhưng người Việt có tinh thần chịu khó, chăm chỉ và luôn lạc quan, yêu đời. Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn trước Cách mạng tháng Tám của Ngô Tất Tố, của Nguyên Hồng, của Nam Cao, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, truyện của Bùi Hiển, Kim Lân, Tô Hoài,... người đọc cảm nhận rõ vẻ đẹp của con người Việt Nam.

Nhắc đến tiểu thuyết hiện thực xuất sắc viết về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, ta không thể không nhắc đến Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Từ lúc ra đời (1939), tác phẩm này đã được dư luận trên báo chí đánh giá rất cao. Trong lời giới thiệu tác phẩm đăng trên báo Thời vụ số ra ngày 31/1/1939, Vũ Trọng Phụng viết: “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác...”. Tác phẩm này không chỉ là “một bản cáo trạng chế độ thuế thân và nạn quan lại địa chủ, cường hào tham nhũng độc ác” (Phan Cự Đệ) mà còn tập trung ca ngợi bản chất tốt đẹp của người nông dân. Nhà văn đã xây dựng thành công hình ảnh chân thật của người phụ nữ nông thôn Việt Nam. Số phận cuộc đời chị Dậu bị thắt buộc trong tối tăm và oan khổ. Từ khi lấy chồng, cuộc đời chị càng thêm khổ cực. Con đông không đủ ăn đủ mặc, chồng ốm yếu quanh năm, lại thêm khoản đóng sưu thuế cho chồng, cho người em chồng đã mất,... Chị đã đứt từng khúc ruột khi đến bước đường cùng phải bán đứa con gái bảy tuổi để có hai đồng bạc nộp sưu cho chồng. Người phụ nữ ấy rất đảm đang, tháo vát, một lòng thủy chung với chồng, thương con hết mực, giàu đức hi sinh, sống trọn tình nghĩa với xóm làng. Nhưng con người hiền lành ấy khi đứng trước bọn thống trị phá hoại hạnh phúc gia đình mình thì sẵn sàng chống trả quyết liệt. Chị Dậu là điển hình cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. “Trong lịch sử văn học Việt Nam, kể từ thời kì Mặt trận dân chủ trở về trước, chị Dậu là một trong những người phụ nữ đẹp đẽ nhất, mạnh khỏe nhất” [58, 71].

Cũng nhìn thấy vẻ đẹp lấp lánh trong tâm hồn con người nhưng tác phẩm của Nguyên Hồng lại đặc biệt quan tâm đến những con người dưới đáy xã hội, những người bị tha hóa. Là nhà văn có cuộc đời nhiều khổ đau, tủi nhục, Nguyên Hồng rất hiểu nỗi đau khổ của con người. Toát lên trong tác phẩm của ông là tình yêu thương con người vô bờ bến. Xuất phát từ quan

niệm “con người bị tha hóa vẫn hướng về bản chất người”, cảm hứng chủ đạo của ông không phải nghiêng về phía phê phán mà nghiêng về phía thánh thiện, ngợi ca. Trong những tác phẩm trước Cách mạng tháng Tám như Bỉ vỏ

(1937), Những ngày thơ ấu (1938), Bảy Hựu (1940), Hai dòng sữa (1943),... ta thấy Nguyên Hồng đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo khi nhìn nhận các vấn đề của cuộc sống và con người. Nhà văn khẳng định ngay ở những người dưới đáy xã hội, họ vẫn mang bản tính là những con người trong sạch. Bỉ vỏ, tác phẩm đầu tay của Nguyên Hồng đã đoạt giải thưởng phóng sự tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Viết về số phận một người đàn bà lưu manh, Nguyên Hồng tố cáo cái xã hội tàn nhẫn, độc ác đã biến Tám Bính từ một cô gái nhà quê trong trắng, thật thà thành một gái điếm, rồi trở thành một “bỉ vỏ”. Nhưng điều đáng chú ý hơn không phải ở chỗ nhà văn tập trung miêu tả cuộc sống lưu manh mà “ngay ở những tầng lớp cặn bã nhất, chỉ biết có chém giết lừa bịp vẫn ánh lên những tia sáng nhân đạo, vẫn còn lòng thương yêu giúp đỡ nhau, vẫn muốn thoát ra - tuy chỉ là đôi khi - khỏi cuộc đời tội lỗi của mình” [58, 132]. Tám Bính bị cuộc đời xô đẩy vào chốn bùn nhơ, trụy lạc nhưng tâm hồn nàng luôn hướng về cuộc đời trong trắng, lương thiện. Người đàn bà lưu manh này khi rơi vào nhà ngục vẫn một lòng thủy chung với tay trùm anh chị Năm Sài Gòn, người chồng rất mực yêu thương chiều chuộng mình. Cuộc sống đâm chém, cướp giật tưởng như không có tình người ấy vẫn hiện lên bao nét đẹp của tình nghĩa. Nguyên Hồng là nhà văn của dân nghèo thành thị. Họ là những người phu phen, thợ thuyền, những người tiểu tư sản thất nghiệp, sống quằn quại trong sự nghèo khổ (Miếng bánh, Nhà bố Nấu, Hơi thở tàn). Nhưng nhà văn đã nhìn thấy ở họ những đức tính của người nghèo. Chính trong cảnh nghèo khổ người ta lại thương yêu nhau, đùm bọc nhau, thủy chung với nhau, luôn yêu đời và muốn vươn lên một cuộc sống mới.

Tính cách dân tộc trong văn học được thể hiện dưới nhiều màu vẻ khác nhau qua lăng kính riêng của từng nhà văn. Truyện của Bùi Hiển ghi lại một cách trung thực đời sống đầy gian khổ của người dân vùng biển cũng như cuộc sống mòn mỏi, tẻ nhạt của giới viên chức thành thị. Nổi trội hơn cả là mảng truyện viết về cuộc sống những người dân chài miền biển quê ông (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Tập truyện ngắn Nằm vạ (1940), Ma đậu (1940),

Chiều sương (1941) là những tác phẩm hay. Nhà văn không chỉ giúp ta hiểu thấu nỗi vất vả, nhọc nhằn và hiểm nguy của nghề đi biển, mà quan trọng hơn là vẻ đẹp của con người lao động. Họ có tinh thần lao động cần cù, dũng cảm giành lại sự sống từ tay thần chết (Chiều sương). Đó còn là những con người tuy có chút thô lỗ, cộc cằn nhưng luôn hồn hậu, chất phác, yêu đời, sống với nhau trọn vẹn tình làng nghĩa xóm (Ma đậu, Nằm vạ, Thằng Xin). Trong Hồi kí văn học, Bùi Hiển viết: “Do sống kề cạnh những người dân chài, tôi nhận thấy tâm sinh lí họ phần nào khác với những người dân đồng ruộng. Nói chung họ khỏe mạnh, vạm vỡ, nói rất to (ăn sóng nói gió), cười rất lớn. Cuộc đời vật lộn với sóng gió bão táp tạo cho họ một ý chí kiên cường, khung cảnh sống giữa biển khơi khoáng đạt hình như cũng tạo cho họ tính phóng khoáng vô tư, lạc quan, yêu đời (theo kiểu giản đơn, thô lậu của họ)”. Nhìn về người dân quê hương, tác giả nhìn thấy cả mặt tốt và mặt xấu của họ. Nhưng trong họ luôn có khao khát được sống, ao ước hướng thiện, muốn hạnh phúc và vun đắp cho hạnh phúc của người khác. Họ là những chị Đỏ, anh Đỏ trong Nằm vạ, lão Năm Xười, chị Đỏ Câu trong Ma đậu, lão Nhiệm Bình trong Chiều sương,...

Dân tộc Việt Nam không chỉ có tinh thần yêu nước, tinh thần nhân đạo, yêu thương con người mà còn có ý thức thẩm mỹ rất cao. Họ nhạy cảm, biết thưởng thức và sáng tạo cái đẹp. Nếu Kim Lân thường say sưa viết về những thú chơi phong lưu gắn với người thôn quê “thú phong lưu đồng

ruộng” thì Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời lại ca ngợi những phong tục, tập quán đẹp của dân tộc, những thú chơi văn hóa tao nhã của thời xưa. Là một con người chắt chiu cái đẹp đến tận cùng tế bào, Nguyễn Tuân tìm mọi cách để ca ngợi cái đẹp. Quan niệm cái đẹp của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời gắn liền với sự sống của con người. Những trang văn miêu tả thú thưởng trà (Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm), thú uống rượu, thưởng hoa (Hương cuội), tục thả thơ, đánh thơ (Thả thơ, Đánh thơ),... hiện lên thật tinh tế và tài hoa. Ở đó, người đọc được sống lại trong không khí của những thú tiêu khiển cổ xưa vừa lịch lãm vừa tài hoa của ông cha ta.

Trong lúc phong trào Âu hóa và danh lợi đã làm nhiều người Việt Nam mất gốc, những vẻ đẹp truyền thống đang bị kẻ thù đàn áp và đầu độc bằng một thứ văn hóa lạc hậu, phản động, sáng tác của các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Tô Hoài, Kim Lân, Nam Cao, Nguyễn Tuân,... đã góp phần khẳng định vẻ đẹp và tính cách dân tộc Việt Nam, bồi đắp tình yêu và niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc cho người đọc.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w