Các phương thức kết hợp

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 100 - 104)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.3. Các phương thức kết hợp

Để làm sống lại trên nhiều trang viết của mình cái không khí xã hội thời xưa trong các kì thi cử, các cây bút văn xuôi 1930 - 1945 phải có một vốn

sống phong phú kết hợp với óc quan sát tinh vi về những phong tục, tập quán xưa, tìm hiểu kĩ lưỡng những lời ăn, tiếng nói, cử chỉ và tác phong của những con người thời xưa để vẽ lại những chuyện cũ, người cũ. Vừa làm công việc của một nhà khảo cứu, vừa thể hiện tâm hồn của một người nghệ sĩ tài hoa, khi viết về văn hóa khoa cử, các nhà văn đã biết kết hợp trí tưởng tượng phong phú và một tinh thần khảo cứu công phu.

Để cho việc khảo cứu đạt hiệu quả cao, các tác giả đã tạo ra một tình huống nào đó hoặc dựng lại một câu chuyện nào đó để diễn đạt điều mình muốn nói. Chẳng hạn khi muốn khảo cứu về bài văn sách và những lề lối làm bài, tác giả Bút nghiên đã dựng nên cảnh thầy đồ dặn dò học trò trước khi dự thi ở làng Mỹ Lương: “Trước hôm đi thi, ông đồ cẩn thận dặn dò những điều cần thiết, nhất là về bài văn sách. Ông nói:

- Bài văn sách nào cũng chỉ có hai phần như chúng bây đã biết: phần cổ văn và phần kim văn.

Phần cổ văn người ta ra về các điển tích đã học ở ngũ kinh, tứ thư và sử, mình cứ việc nhớ lại và thích rộng ra một ít. Về kim văn, người ta hỏi đến tình thế bây giờ đem so với đời trước thế nào. Điều cần nhất là mình cứ khen đời nay thái bình sung sướng quân minh, thần lương... còn dở hay ở đời mình kệ xác, đừng động đến... Bắt đầu bài văn có chữ “Đối, sĩ văn”, chữ phải viết nhỏ ra một bên. Quyển thi cũng cần phải chú ý, sai một tí là phạm trường qui

đấy. Mỗi giang giấy phải viết sáu dòng. Giang đầu đề phải viết họ tên và quán sở. Họ tên đề chữ thường ở dòng thứ năm giằng thẳng với lề, không được cao lên quá hay thấp xuống quá. Quán sở viết chữ nhỏ hơn dưới ngay chữ tên. Nếu viết nguyên tên làng, thì phải lui xuống ngay với đoạn lề dưới. Giang sau viết đến bài. Đầu giấy phải để chừa, cách ba khuôn chữ. Gặp chữ “Thiên địa”, “Giáo miếu”, phải viết đài lên trên cùng, chữ “Hoàng thượng”, ở cách thứ hai, chữ “Quốc gia”, “Triều đình” ở cách thứ ba. Đến cuối bài, sau câu

“Sĩ dã, hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn trường, quản kiến ư tư, vị tri khả phủ, nguyện chấp sự kì trạch nhi tiến chi, sĩ cẩn đối” phải viết thêm ba chữ

“cộng quyển nội” rồi đếm “đồ” (bỏ đi) mấy chữ, di (bỏ sót) mấy chữ, “câu” (móc lên) mấy chỗ, “cải” (chữa lại) mấy chỗ, rồi viết lưỡng cước cả xuống dưới ba chữ ấy.

- Bẩm thầy thi Hương cũng vậy!

- Ừ thi nào cũng lề lối ấy, tương tự như vậy. Chỉ khác, ở thi Hội, được dùng chữ “sinh”, thi Đình chữ “thần” (tôi), thay cho chữ sĩ, sinh đối, sinh văn, thần đối, thần văn, thần cẩn đời.. [62, 85-86].

Khoa cử không chỉ đơn thuần thi văn chương mà kì thi văn sách hỏi về thuật trị nước mới là kì thi trọng yếu. Chu Thiên và Ngô Tất Tố khi khảo về lối thi cử đã nhắc nhiều đến kì thi này. Tuy nhiên họ không diễn đạt bằng lời lẽ khô cứng mà tưởng tượng ra tình huống “có vấn đề” (thầy đồ căn dặn học trò trong Bút nghiên hay là Vân Hạc nói với Đức Chinh ở trường thi trong Lều chõng). Sự hư cấu của nhà văn giúp người đọc có thêm những cứ liệu quan trọng về kì thi văn sách cũng như những quy định chặt chẽ, khắt khe của trường quy.

Do tính chất phóng sự, nhà văn phải dành nhiều trang trình bày tài liệu tỉ mỉ về phong tục thi cử ngày xưa. Đọc Lều chõng, Bút nghiên, ta có thêm rất nhiều kiến thức bổ ích về khoa cử. Các tác giả đã kết hợp việc khảo cứu và trí tưởng tượng của mình bằng nhiều cách. Kết hợp những nội dung cần khảo cứu qua lời nói của nhân vật cũng là một phương thức họ hay làm. Nhà văn để cho nhân vật nói dài, cũng giống như nhân vật trong kịch. Ở nhiều đoạn trong tác phẩm, ta thấy các sự kiện, tình huống truyện chỉ là cái cớ để nhà văn trình bày các tài liệu về thi cử. Chẳng hạn như đoạn Vân Hạc văn cho Đức Chinh ở trường thi. Vì Trần Đức Chinh là một nho sinh học dốt, phải thuê người thi để được cái tiếng là con nhà giàu biết chữ. Hắn dốt đến nỗi không biết gì về trường quy. Mỗi lần Đức Chinh viết sai là mỗi lần tác giả để cho

Vân Hạc cắt nghĩa tỉ mỉ cho Đức Chinh (và cũng là cho độc giả) biết thế nào là phép làm bài thi văn sách, giải thích thế nào là những chữ trọng húy, khinh húy, những chữ “đồ, di, câu, cải”, lỗi “thiệp tích”, lỗi “bạch tự” trong bài văn,... Lời đối thoại giữa các nhân vật cũng không nằm ngoài mục đích cung cấp tài liệu. Tuy nhiên đoạn này nhà văn để cho nhân vật nói quá tỉ mỉ, dài dòng về các phép tắc trường quy (trong khi Vân Hạc phải làm bài cho cả Đức Chinh) là không hợp với tình huống truyện. Đây là nhược điểm của Ngô Tất Tố mà nhiều nhà phê bình đã chỉ ra.

Trong tiểu thuyết Lều chõng, nhà nho Ngô Tất Tố còn chỉ ra khoa cử là con đường độc nhất để ra làm quan. Cho nên tâm lí quan trường luôn ám ảnh tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Bằng trí tưởng tượng phong phú, tác giả đã dựng nên cả một câu chuyện dài để phê phán tâm lí háo danh của con người lúc bấy giờ. Cô Ngọc là người phụ nữ suốt cả đời luôn có khát vọng được làm “bà nghè, bà thám”. Cô đã ngất đi khi chứng kiến cảnh nghè Long vinh quy bái tổ, bởi nếu tình duyên không đứt gánh giữa đường thì cô đã là bà nghè rồi. Cô buồn chán nằm trên giường bệnh bói Kiều xem số mình sau có được như cô Thúy, vợ nghè Long không. Khi lấy Vân Hạc, một người tài hoa nổi tiếng thì cái khát vọng được võng đào áo thắm vẫn đeo đuổi cô. Cô chăm chỉ làm việc ngày đêm nuôi chồng ăn học. Nhưng trải bao phen lao đao nơi trường ốc, cuối cùng Vân Hạc bị hỏng thi, suýt bị cầm tù vì phạm húy. Cô đã ân hận vì không đối xử tốt với chồng. Người phụ nữ đó quá say mê cái danh cuối cùng cũng phải tỉnh ngộ. Nhà văn lột tả tâm lí chuộng công danh của con người không chỉ bằng lời nói mà thông qua câu chuyện của vợ chồng Vân Hạc. Những sự kiện, nhân vật hiện lên sinh động từ cử chỉ, lời nói, thần thái, tác phong khiến người đọc cứ ngỡ là đang được chứng kiến một câu chuyện có thực, với những con người bằng xương bằng thịt. Nhờ vậy mà người đọc hiểu sâu bản chất của vấn đề mà nhà văn muốn gửi gắm.

Thời đại “lều chõng”, “bút nghiên” đã qua rồi nhưng những trang văn về văn hóa khóa khoa cử đã giúp ta hiểu tường tận bản chất của ngày qua trên tinh thần khảo cứu công phu, nghiêm túc của các nhà văn. Những đóng góp đáng quý của những người xuất thân Nho học khi ghi lại tỉ mỉ, trung thực cái không khí xã hội xưa qua các kì thi cử đã tạo nên những tiểu thuyết phóng sự có giá trị cho đời.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 100 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w