Biểu hiện của sự kết hợp

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 93 - 97)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Biểu hiện của sự kết hợp

Văn hóa khoa cử thời trung đại không chỉ là một đề tài có sức hấp dẫn đối với những nhà nghiên cứu, biên khảo lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn đối với một số cây bút văn xuôi tự sự 1930 - 1945. Cả một nền học vấn, giáo dục Nho học từng gắn bó mật thiết với vận mệnh quốc gia, sự hưng vong của dân tộc trong thời phong kiến đã qua rồi nhưng đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người đã từng thấm sâu nền văn hóa cũ đó, cái dư âm của một thời tàn vẫn còn là một nỗi ám ảnh và luôn thôi thúc họ sáng tác. Họ viết trước hết như một niềm đam mê nhưng mục đích cao nhất là được góp sức mình vào việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa dân tộc.

Chế độ giáo dục và khoa cử phong kiến đã lùi vào dĩ vãng, nhờ óc tưởng tượng phong phú, các nhà văn đã dựng lại một cách sống động thời gian và không gian của những ngày đã qua, những phong cách sinh hoạt, những phong tục phong kiến cho đến ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của người dân xưa. Đây là kết quả của sự hiểu biết rất sâu bản chất văn hóa khoa cử của các tác giả. Bởi bản thân họ là những người đã từng xuất thân từ nền văn chương cử tử và học vấn của nhà nho. Người trực tiếp dấn thân vào con đường cử nghiệp nên họ có vốn sống thực tế để làm sống lại cái không khí của ngày xưa là điều dễ hiểu. Mặt khác, biết tất cả những gì liên quan đến văn hóa khoa cử sẽ phôi pha theo thời gian cho nên họ kiên trì tìm kiếm tài liệu và ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Nhờ trí tưởng tượng phong phú, các tác giả đã phục hiện ngày qua một cách nghiêm túc và công phu.

Đọc Bút nghiên, Nhà nho của Chu Thiên hay Lều chõng, Trong rừng nho của Ngô Tất Tố, ta thấy đầy ắp những tư liệu về truyền thống hiếu học, coi trọng văn chương chữ nghĩa, về quá trình học hành, thi cử cũng như cách lựa chọn nhân tài của nhà nước phong kiến. Các nhà văn đã mô tả một cách tỉ mỉ quá trình học hành từ lớp sơ học đến lớp đại học và các kì thi từ khảo hạch đến các kì của thi Hương, thi Hội, thi Đình. Cái hay của Bút nghiên được tác giả Nhà văn hiện đại đánh giá ở những đoạn khảo cứu về cách học hành của cha ông ta ngày xưa. Chẳng hạn như cảnh Tâm học vỡ lòng tại nhà ông cựu Mẫn trong làng. Lớp học của những đứa trẻ con lần đầu biết đến bút nghiên nên chuyện học đối với chúng còn rất nhiều bỡ ngỡ. Chu Thiên đã tưởng tượng lại cảnh đó và dành gần ba mươi trang sách để viết về việc dạy và học của thầy trò. Đây là một đoạn tiêu biểu: “... Học trò lại bắt đầu học:

Thưa thầy chữ gì đây ạ ?

Bẩm thầy chữ Minh nghĩa là gì ? Ông đồ bảo:

- Minh là sáng. Thông minhthông sáng.

Chúng lại thi nhau hỏi, ông đồ lại mỏi mồm bảo. Trong trường lại ồn ào như chim vỡ tổ.

Tâm cũng cố học, nhận lấy bài mới. - Thượng đại nhân, thánh ất dĩ...

Tâm chợt nhớ hôm rằm tháng giêng vừa rồi đi xem hát chèo, bọn phường chèo cũng hát bài như thế, mà sao chúng học vần vần là kia, Tâm hãy còn nhớ. À phải rồi hay là chúng học cả nghĩa. Tâm cũng thuận mồm học theo:

- Rước vua đi trước là Thượng đại nhân, quần thần theo sau là thánh ất , hai bên thủ thỉ là nhĩ tiểu sinh, quan viên tế đình là khả tri lễ dã.

Mọi học trò và cả ông đồ đều phá ra cười. Ông đồ hỏi Tâm:

- Ai bảo mày thế ? Tâm sợ tái mặt lại thưa: - Bẩm thầy, con học nghĩa. - Nhưng ai dạy mày ?

- Bẩm thầy, con học phường chèo!

Lại một chập cười nữa, một tiếng roi đập mạnh xuống giường, hết thẩy đều im. Ông đồ nghiêm trang dõng dạc nói:

- Từ đây hễ chữ nào không biết phải hỏi. Không được học láo. Hễ học sai là mười roi này, nghe chưa ?

Tâm run run thưa:

- Lạy thầy vâng ạ ! [62, 19-20].

Nhà văn đã giúp người đọc hình dung ra cảnh học hành của người xưa từ thuở còn để chỏm qua cái lối học của Tâm từ lúc lên sáu. Họ đã phải học những câu chữ Hán trong quyển Tam tự kinhSơ học vấn tân. Các thầy đồ học thuộc nghĩa và giảng lại cho trò, trò phải học thuộc mặt chữ, sau đó phải

học nghĩakể nghĩa. Qua cách dạy học của những ông đồ, trẻ con không chỉ hiểu được ít nhiều chữ nghĩa mà còn được học về đạo đức làm người.

Với tiểu thuyết Lều chõng, Ngô Tất Tố lại chú trọng vào vấn đề khoa cử, cách lựa chọn nhân tài và thái độ của cộng đồng đối với những người được đào tạo qua thi cử. Cho nên nhà văn đã miêu tả rất tỉ mỉ những cách giảng dạy, những cảnh trường thi, những mối quan hệ thầy trò, bạn bè, họ hàng, làng xã và cả những kiểu hành lạc của nhà nho. Đặc biệt cảnh trường thi được nói rất nhiều trong tác phẩm. Sau đây là đoạn nhà văn miêu tả cảnh Vân Hạc nhận đề thi kinh nghĩa, vào kì Đệ nhất: “Một hồi trống cái từ trên chòi canh giật giọng đưa xuống. Trong vi tức thì hiện ra cảnh tượng nhốn nháo. Khắc Mẫn nói với sang lều Vân Hạc:

Vân Hạc gật đầu:

- Chớ còn trống gì bây giờ !

Rồi chàng mở tráp lấy bút và hộp mực đen đến cái nhà lợp cót ở gần nhà Thập Đạo.

[...] Hàng nghìn học trò trong vi nhất tề xúm lại trước bảng, kẻ đọc người viết.

Khoa này mới đổi phép thi kì Đệ nhất thi bằng Kinh nghĩa. Hai bài Truyện là:

Luận ngữ: Tắc hà dĩ tai ?

Mạnh Tử: Vị thiên hạ đắc nhân Năm bài Kinh thì:

Kinh Dịch: Bạt mao dĩ kỳ vựng chính cát. Kinh Thư: Dụng nhữ tác châu tiếp.

Kinh Thi: Nam sơn hữu Đài. Kinh Lễ: Tuyển hiền dữ năng.

Kinh Xuân thu: Cập Tề nhân minh vu U.

Vân Hạc không chép, chàng chỉ nhẩm qua một lượt rồi trở về lều. Học trò ở trước nhà bảng dần dần tản mác, ai nấy trở lại chỗ ở của mình với cái dáng bộ lo ngại nhiều hơn vui vẻ [68, 103-104].

Sau khi về lều, “Vân Hạc lúi húi chép các đầu bài vào một mảnh giấy. Rồi chàng bó gối không biết nên làm tất cả bảy bài hay chỉ nên làm hai bài. Bởi vì theo phép, kì kinh nghĩa tuy những bảy cái đầu đề, nhưng chỉ những người kiêm trị mới làm tất cả, còn ai chuyên kinh thì phải làm hai bài: một bài Truyện và một bài Kinh trong bảy bài đó, muốn làm bài nào cũng được. Với học trò, chuyên kinh là lối phổ thông, còn kiêm trị thì là một sự đặc biệt. Người nào đại tài, viết hai bài vẫn còn thừa sức, thì họ viết cả bảy bài cho oai, người nào viết văn tuy nhanh, nhưng lời văn không được xuất sắc, nếu

làm hai bài sợ không đủ phê, thì họ cũng viết bảy bài để trông vào sự rộng rãi của ngòi bút quan trường, là vì những quyển kiêm trị, bao giờ cũng được chấm nới hơn những quyển chuyên kinh một chút. Vân Hạc mọi ngày vẫn chuyên Kinh Thi và một hai khi có làm Kinh Dịch, hôm nay vì thấy mấy bài ở các Kinh kia cũng không khó lắm, ý chàng cũng muốn làm cả. Nhưng lại sợ không đủ thời giờ, nên chàng vẫn còn đắn đo [68, 105]. Và để giúp độc giả hiểu được nội dung của kì thi, nhà văn để cho nhân vật Khắc Mẫn khen đầu đề:

“- Này anh Hạc! Đầu đề khoa này ra khéo nhỉ! Có phải trong bảy bài đó, trừ bài Xuân Thu, sáu bài kia đều có ý nghĩa về việc “dụng nhân” cả không?

Vân Hạc ngồi ở lều mình, nói sang:

- Phải rồi! Tôi cũng nhận thấy như thế. Ừ thì đình nào đám ấy, có thế mới hợp với cảnh thi cử” [68, 106].

Qua những đoạn văn trên, người đọc biết được lối học hành, thi cử của người xưa. Nhưng nội dung đó hiện lên cụ thể qua lời nói, cử chỉ sống động của hình tượng. Một vài dẫn chứng trên chứng tỏ sự hư cấu của nhà văn trên tinh thần khảo cứu công phu, nghiêm túc. Đây là biểu hiện xuyên suốt tác phẩm Lều chõng, còn trong Bút nghiên có nhiều đoạn tác giả tách bạch giữa phần khảo cứu và nghệ thuật viết tiểu thuyết. Điều này làm cho tác phẩm chưa bằng được Lều chõng, xét về phẩm chất nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 93 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w