Phục sinh lớp từ cổ

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 112 - 114)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Phục sinh lớp từ cổ

Viết về văn hóa khoa cử, một đề tài thuộc về một thời quá vãng xa xôi là một thử thách đối với mỗi nhà văn. Bởi họ phải viết như thế nào cho đúng thần thái của thời đã qua, phục dựng cho chính xác, sinh động ngôn ngữ, cử chỉ của người xưa để cuốn hút người đọc trở về với không khí cổ kính ấy. Và họ đã vượt qua rào cản khó khăn ấy bằng cách sử dụng đắc địa lớp từ cổ. Lớp từ này rất phù hợp với việc mô tả những phong tục, tập quán và sinh hoạt cổ, những đối tượng cổ.

Đọc Bút nghiên, Nhà nho hay Lều chõng, ta thấy mật độ sử dụng hệ thống từ cổ chỉ quan hệ thân tộc, ngôn ngữ xưng hô và ngôn ngữ chuyên biệt của khoa cử rất dày đặc. Chúng tôi xin liệt kê và phân loại một số nhóm từ hay sử dụng trong các tác phẩm.

- Nhóm từ chỉ quan hệ thân tộc: thày, đẻ (Lều chõng).

- Nhóm từ xưng hô: huynh, huynh ông, đệ, chàng, thày, cố bà, cố ông (cha mẹ của những bậc đỗ từ cử nhân trở lên) trong Lều chõng; bỉ phu, tiện nữ, hạt dân, bản chức, tiên sinh, vãn sinh, thần đẳng, thần, hạ ti, cụ lớn, thầy, chư huynh, đại huynh, tôn huynh, đệ (Bút nghiên).

- Nhóm từ chỉ chức danh những người tham gia khoa cử: Quan Huấn đạo, Đốc học, ngự sử, phân khảo, giám khảo, chánh chủ khảo, phó chủ khảo, đề điệu, quan ngoại trường, quan bộ Lễ, quan Giám thí Đại thần, quan Thư, quan Kinh, lại phòng, cống sĩ, sĩ tử, danh sĩ, quý sĩ,...

- Nhóm từ chỉ quan chức: lý trưởng, cai tổng, phó lý, lý dịch,...

- Nhóm từ liên quan đến văn hóa khoa cử: Bài thi (chế, chiếu, biểu, thơ phú, văn sách); chữ viết (chữ thảo, chữ phóng, chữ buông, viết tháu); lời phê trong bài thi (ưu, bình, thứ, mác, liệt, bất cập); ngày ôn thi (y sóc kỳ, y vọng kỳ); các loại dấu thí sinh phải đóng ở bài thi (dấu nhật trung, dấu giáp phùng); các cửa trường thi (vi giáp, vi ất, vi tả, vi hữu); các nghi lễ khoa cử (yết bảng, xướng danh, truyền lô, ban yến, vinh quy bái tổ); các luật lệ trường quy (phạm húy, trọng húy, khinh húy, cổ húy, khiếm trang, khiếm đài, khiếm tỵ, bạch tự, thiệp tích, tì ố, bất túc, ra bảng con,...); tên các kì thi, khoa thi (Kì Đệ nhất, kì Đệ nhị, kì Đệ tam thi Hương, thi Hội, thi Đình),...

Đọc Bút nghiên của Chu Thiên, ta còn thấy xuất hiện rất nhiều từ cổ mà nay ít dùng như: kính chượng (tiếng chào các bậc bề trên), thiết trường (đặt màn dạy học), lưỡng cước (viết nhỏ hai lần), lãn canh (lười quen), giời (trời), nhớn (lớn), bà Chánh (bà chủ nhà). Đặc biệt, trong các tiểu thuyết nêu trên của Chu Thiên, Ngô Tất Tố, ta thấy xuất hiện rất nhiều từ xưng hô lấy chức danh của khoa cử để chỉ người hoặc gắn với tên người: cụ Nghè Phạm Xá, cụ Cử Mai Đình, bà lý Tưởng, ông lý Tưởng, ông Tú Mỹ Lương,... (Bút nghiên), cụ Bảng, cụ Đồ, bà Đồ, cậu Khóa, bà Tiến sĩ, bà Nghè, bà Cống Đào Nguyên, ông Đồ Vân Trình,... (Lều chõng). Đây là lối gọi của những người theo nghiệp khoa cử mà người xưa vẫn quen gọi.

Với Vang bóng một thời, như tên tác phẩm, Nguyễn Tuân cũng gợi về một thời kí vãng nay chỉ còn là “vang bóng”. Bởi vậy, nhà văn đã sử dụng hệ thống từ cổ, từ Hán Việt một cách đắc địa ở tất cả các truyện. Những lớp từ cổ

này đã mang lại thành công cho nhà văn khi “phục chế” những bức tranh cổ “khơi đống tro tàn của dĩ vãng để bày lại trước mắt những cái ta đã biết hay chưa biết rõ” (Vũ Ngọc Phan). Nó góp phần tạo nên sắc thái vừa trang trọng, cổ kính vừa u hoài cho tác phẩm.

Những chiếc ấm đất có cái không khí cổ kính, tĩnh lặng nhờ việc nhà văn sử dụng rất nhiều từ Hán Việt cổ, trong đó có nhiều từ dành riêng cho nhà chùa như: trai phòng, nón tu lờ, tăng xá, phả khuyến, thụ lộc, thỉnh chuông, nghiệp chướng,... Ngoài ra có nhiều từ cổ chỉ lũ ấm chén quý của cụ Sáu như: chén tống, chén quân, ấm quần tử, ấm Thế Đức màu gan gà, ấm đồng cò bay, kim hỏa. Chữ người tử tù: Tác giả sử dụng tần số Hán Việt cổ rất cao (39 từ). Đó là: phiến trát, Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, thơ lại, ngục tốt, án thư, bức trung đường, đồng tiền kẽm, lạc khoản, thoi mực, bái lĩnh, tên thập, bát phẩm, thiên lương,… Khoa thi cuối cùng có nhiều từ cổ: trường thi, lọng vàng, mùi nghi vệ, bạch lạp, gia sáo, toán pháp, ốp đồng, kiêu kỵ, tết trùng thập,... Số lượng từ cổ được thể hiện nhiều ở tác phẩm Trên đỉnh non Tản: thạch ấn, gia quyến, thạch khí, kỳ táng, kỳ đài, đồ thán, trượng, nhỡn tuyến, mã đao, lộ hầu,...

Viết về những nét văn hóa xưa không có gì phù hợp hơn việc sử dụng lớp từ cổ. Bằng sự hiểu biết ở nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, xã hội, các nhà văn đã phục sinh hệ thống từ cổ, giúp người đọc thời sau biết được vốn ngôn ngữ mà cha ông ta đã từng dùng trong quá khứ.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 112 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w