Phục dựng chế độ tuyển chọn hiền tài khắt khe, quy củ

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 50 - 57)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Phục dựng chế độ tuyển chọn hiền tài khắt khe, quy củ

Ngày xưa, khoa cử do triều đại phong kiến đứng ra tổ chức, là công cụ “cầu hiền tài” chọn người để sử dụng trong hàng ngũ quan lại. Theo tìm hiểu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Chân Quỳnh trong Khoa cử Việt Nam, tập hạ, kể từ nhà Lý khai khoa (1075) đến nhà Nguyễn bãi khoa cử (1918), nước ta đã tổ chức:

Trước thời Nguyễn: 149 đại khoa, lấy đỗ 2413 Tiến sĩ Thời nhà Nguyễn: 39 đại khoa, lấy đỗ 557 Tiến sĩ Tổng cộng là 188 đại khoa và 2990 Tiến sĩ

Từ việc tìm hiểu các tài liệu lịch sử hiện còn và những công trình khảo cứu về lịch sử, ta thấy trong các khoa thi, người thi rất nhiều mà người đỗ rất ít. Điều đó đủ thấy việc tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài của cha ông ta

rất nghiêm ngặt. Đọc các sáng tác văn xuôi nghệ thuật 1930 - 1945, chúng ta càng có điều kiện hiểu thêm những lề luật khoa cử ngày xưa, đặc biệt là Lều chõng của Ngô Tất Tố.

Lều chõng - như tên tác phẩm, chủ yếu nói đến chuyện các sĩ tử học hành và lều chõng đi thi. Nhà văn đã miêu tả rất tỉ mỉ, chi tiết từ lớp sơ học đến lớp đại học và những cảnh thi hương, thi hội, thi đình thời phong kiến. “Viết tập Lều chõng, Ngô Tất Tố đã xướng lên vấn đề: Hồi xưa, ở nước ta, khoa cử là một cách độc nhất để lựa chọn nhân tài,vậy cách lựa chọn ấy đã diễn ra như thế nào? Rồi Ngô Tất Tố để ý vào sự lựa chọn ấy hơn cả. Người như thế nào, học như thế nào thì được lựa chọn; và trái lại người như thế nào và học như thế nào thì không được lựa chọn” [45, 375]. Thi cử đời trước nghiêm ngặt với những luật lệ mà không những thí sinh mà cả đến quan trường cũng phải răm rắp tuân theo, nếu không sẽ bị “tội đồ” với những hình phạt rất nặng nề. Từ chính trải nghiệm cuộc đời của một ông đầu xứ, tác giả

Lều chõng “đã làm sống lại trên nhiều trang viết của mình, cả không khí xã hội thời xưa trong những kì thi cử” (Nguyễn Đăng Mạnh).

Ngày xưa, đối với những người đi học, muốn nên danh phận thì đi thi là một việc đại sự trong đời người. Việc học hành cũng khắt khe, từ tuổi vỡ lòng học trò phải học Tam tự kinh, rồi Sơ học vấn tân, Minh đạo gia huấn, rồi đến Ấu học ngũ ngôn thi, Hiếu kinh và cả Luận ngữ chính văn. Học lên có thêm Bắc sử, Nam sử. Kinh nghĩa, chiếu, chế, biểu, thơ, phú và văn sách là những môn bắt buộc trong các khoa thi. Việc thi cử chính thức là thi Hương, thi Hội. Triều đình còn tổ chức những khoa thi bất thường nếu cần thiết. Luật lệ quy định các kì thi rất chặt chẽ, khắt khe, từ lúc thí sinh vào trường, làm bài, đến việc giám sát, canh phòng trong quá trình thi, chấm thi, yết bảng và xướng danh,... Lều chõng đã phục dựng sống động những cảnh đó.

Theo sử sách ghi chép, trước khi dự thi Hương, học trò phải qua kì thi Hạch hay thi khảo khoán. Đây là kì thi ở tỉnh được tổ chức mỗi năm một lần.

Những người đỗ kì thi này mới được dự kì thi Hương. Những người đỗ thi Hạch gọi là khóa sinh, người đỗ đầu gọi là Đầu xứ. Ai đỗ Tú tài trong một khoa thi Hương trước thì được miễn Hạch.

Đối với học trò ngày trước, trước khi đi thi phải tự lo liệu lều, chõng và một cái tráp để đựng bút, giấy, nghiên, mực, cơm, nước và không quên dao, kéo, dùi để đóng quyển (phòng trường hợp bị cánh quyển) và một ống quyển để đựng quyển thi. Ngoài ra thí sinh không được mang bất cứ thứ gì khác vào trường thi. Khi mở cửa trường thi, tiếng loa gọi đầu tiên là mời các oan hồn vào trường thi để báo oán, báo ân, và thí sinh mới được vào sau cùng:

Báo oán giả tiên nhập! Báo ân giả thứ nhập! Sĩ tử thứ thứ nhập!”. Từ nửa đêm hôm trước, các sĩ tử đã tập trung đầy đủ ở cửa trường, các khảo quan ăn mặc chỉnh tề lên ghế tréo trước cổng các vi để chứng kiến lễ điểm danh và coi bọn lính Thể sát khám xét không cho thí sinh mang tài liệu vào trường thi. Khi tiếng loa gọi tên từng người vừa dứt, học trò “dạ” to một tiếng và cố lách qua làn người để mang đồ đạc kềnh càng đến khu đất trước ghế tréo của quan Chủ khảo. Toán lính thể sát mặt lạnh như tiền bắt đầu làm việc. “Họ tung cái nón lên, họ giở cuộn áo lều, họ nhòm những mộng chõng, kheo chõng, chân chõng; nghi ngờ, họ tháo cả hai chân trước ra. Họ ghé mắt vào ống quyển, lấy que khuấy vào bầu nước. Họ lần dải lưng, thọc tay vào túi, vuốt các gấu áo, gấu quần. Họ cởi tung cả bộ gọng lều. Sau cùng soát đến cái tráp sơn. Này một thoi mực, một cái nghiên, và cái bút, một cái dùi vở, một tập giấy trắng để cánh quyển. Này mấy cái bánh lá, hai cặp bánh dầy, một nắm cơm, một khúc giò nạc và một gói muối vừng với năm trăm vàng hoa. Ngoài ra không còn gì nữa. Tâm được phép lĩnh quyển” [62, 226]. Đọc Lều chõng, Trong rừng nho của Ngô Tất Tố hay Bút nghiên của Chu Thiên, ta đều thấy cảnh khám xét thí sinh như thế.

Theo sách Đại Nam thực lục ghi lại, từ khoa thi Hương của nhà Nguyễn (1807) đã có lệnh cấm thí sinh không được mang tài liệu, sách vở vào trường,

không được nhờ người thi thay hay tự mình làm bài thay, không được dời lều để hỏi bài. Nếu ai vi phạm đều bị tội. Trước 1826, người đi thi phạm tội này bị đóng gông, đánh trượng rồi đuổi ra. Từ năm 1831 mới quy định ai phạm tội bị gông một tháng, mãn hạn đánh một trăm trượng rồi tha. Những người đã đỗ Tú tài, Cử nhân, Giám sinh đều bị xóa tên trong sổ, trở thành bạch đinh, vĩnh viễn không được làm ở các nha môn.

Khi làm bài thi, thí sinh phải tuân thủ nhiều luật lệ trường quy rất chặt chẽ. Họ phải trình bày cho chính xác, đúng cách viết tên họ, niên canh, quán chỉ bản thân và “cung khai tam đại” (cung khai ba đời), bởi các triều đại xưa có luật cấm nhiều hạng người đi thi như trộm cướp, làm phản làm giặc, xướng ca vô loài, có đại tang, phụ nữ, quân nhân, giáo dân. Những người có cha ông mắc tội trộm cướp, làm giặc, dù có học giỏi muốn đi thi cũng bị liệt vào sổ “tam đại bất đắc ứng thí” (ba đời không được dự thi).

Sau khi chép xong đề thi, làm bài đến khoảng trưa, thí sinh phải đi lấy dấu “nhật trung” để chứng tỏ bài làm được viết trong ngày, ở ngay trường thi. Gặp dấu “nhật trung” phải bỏ trống, không được viết đè lên. Trong quyển thi đã có dấu “giáp phùng” do quan ngoại trường đề điệu đóng sẵn ở giữa khe trang 2 và 3 trước khi phát quyển cho thí sinh để cấm việc tháo ra, đánh tráo những tờ viết làm bài sẵn từ trước. Thí sinh phải thuộc trường qui “Chung quanh dấu giáp phùng cũng như chung quanh dấu nhật trung và các hàng đầu hàng vĩ, không được đồ (xóa), di (sót), câu (móc), cải (chữa) một chữ nào. Nếu ai đồ, di, câu, cải vào những chỗ đó, tức là thiệp tích” [68, 109-110]. Nếu quyển thi bị ố bẩn hay mắc nhiều lỗi quá thì thí sinh được phép “cánh quyển” nhưng phải lên nhà Thập đạo xin lại dấu “giáp phùng” và “nhật trung”.

Đi thi, không những cách làm văn điển phạm gò bó, với thể lệ phức tạp, thí sinh còn phải “kiêng khinh húy, trọng húy của nhà vua, mà đến những chữ tên các cung điện, lăng tẩm trong kinh bây giờ, cũng đều không được dùng

dến. Ví như lăng ông Gia Long có tên là Thiên Thụ, thì khi làm văn không được viết chữ Thiên Thụ. Hay ở trong cung có điện Cần Chánh, thì chữ Cần Chánh cũng không được dùng làm văn...” [68, 201-202]. Trước ngày thi, có bảng yết ở cửa các vi những chữ trọng húy thì trong văn bài “cấm ngặt không được dùng”, kể cả khảo quan. Nếu “gặp những chữ ấy trong câu văn không thể bỏ được, phải đổi ra những chữ khác tương tự như vậy” [62, 215].

Không những thế, trong bài làm, thí sinh phải kiêng lỗi khiếm trang

(thiếu kính cẩn đối với vua), khiếm tỵ (mắc tội viết tên các lăng tẩm, cung điện), khiếm cung, khiếm đài, tránh lỗi bất túc, bất cập (viết không đủ quyển, không thành bài), duệ bạch (chỉ viết được vài dòng), bạch tự (những chữ viết thiếu nét hoặc đáng lẽ phải viết kép lại viết như thường), tì ố. Những quyển mắc các lỗi này phần nhiều không được chấm. Khi viết xong bài, người viết phải đếm những chữ xóa, móc,... không quá mười từ và ghi “cộng quyển nội” rồi mới đem nộp quyển ở nhà Thập đạo, có lính đóng dấu vào cuối quyển chứng nhận trước mặt các ông Đề tuyển, rồi bỏ vào hòm đựng quyển. Những quyển nộp sau khi khóa hòm gọi là “ngoại hàm”. Tội ngoại hàm rất nặng, không được chấm nhưng vẫn được đọc kĩ xem có phạm trường quy hay không. Những người mắc các tội “phạm húy, khiếm đài, bất túc và khiếm tỵ phải yết bảng con, còn các tội kia chỉ bị đánh hỏng mà thôi” [68, 233]. “Con nhà cử nghiệp” là phải suy nghĩ chín chắn trước khi làm bài, tránh bị ra bảng con, bởi mắc phải tội này không chỉ là nỗi nhục của sĩ tử mà còn mang tiếng, để lụy cho các thầy đồ dạy học mình nữa. Vì luật thi thời xưa quá nghiêm ngặt như vậy cho nên có nhiều người tài giỏi chỉ vì phạm trường quy không bao giờ đem được cái sở học, tài năng ra giúp đời.

Người xưa đã tìm mọi cách để chống gian lận trong thi cử. Không chỉ thí sinh bị khám xét, canh phòng cẩn mật mà cả đến quan trường cũng bị giám sát gắt gao. Nhà nước chỉ làm nhà tạm trú và chỗ ở cho quan chấm trường.

“...Trong lúc làm trường, người ta đã tính đủ số quan trường, dựng cho mỗi ông một gian nhà lá, trong nhà có bếp, có chuồng xí, có vại chứa nước, có nồi nấu cơm, đủ các đồ lề của một gia đình. Bốn bên đều có phên nứa che kín, gian nọ không được thông với gian kia. Sau khi tiến trường, người ta tống hết các ông sơ khảo, phúc khảo, giám khảo, cho mỗi ông một gian, rồi khóa trái cánh cửa ra ngoài, giao chìa khóa cho ông đề điệu, bao giờ thi xong, ông đề điệu mới mở cửa cho các ông này cùng ra...” [68, 187-188]. Nhà văn rất cảm thông với nỗi khổ cực của quan chấm trường. Bị “giam lỏng” như thế, lại ăn uống quá kham khổ cho nên có người “khi đi, người rất béo tốt. Lúc về mặt mũi xanh xao, chẳng khác gì người ngã nước” [68, 188]. Đến đời Nguyễn, sự đề phòng ở trường ốc cực kì chu đáo. Người ta cắt cử các quan giám thị quan trường và học trò rất chặt chẽ. “Việc lựa chọn hai ông chánh phó chủ khảo và các ông nội trường ngự sử, ngoại trường ngự sử, nội trường đề điệu, ngoại trường đề điệu, thì do ý kiến triều đình. Bấy nhiêu ông đó, mỗi ông mỗi việc, các ông chủ khảo coi việc văn chương, các ông đề điệu giữ việc canh phòng trong trường, các ông ngự sử thì phải giám thị quan trường và học trò. Bao giờ cũng vậy, đến cách kì thi độ chừng mười ngày trở lại, trong triều mới kén khảo quan. Sau khi cắt cử đâu đấy, ông chánh chủ khảo được ban lá cờ khâm sai, ông phó chủ khảo được ban cái biển phụng chỉ. Lập tức hai đội thị vệ rước luôn cờ biển và dẫn ông nào về nhà ông nấy. Mấy ông ngự sử cũng phải theo chân ra liền. Thế rồi các lính thị vệ ở luôn ngoài cổng canh giữ, không cho ai ra ai vào. Mỗi ông ngự sử cũng phải kèm luôn bên cạnh một ông chủ khảo, ông này đi đâu, ông kia đi đấy” [68, 228].

Để tuyển chọn nhân tài ra giúp vua, trị nước có hiệu quả cao, Nhà nước phong kiến tìm mọi cách tăng thêm tính nghiêm minh và qui củ trong việc tổ chức các kì thi. Thi cử nghiêm túc, không mua quan bán tước, giám sát, canh phòng cẩn thận, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, việc chấm thi ngày trước cũng

rất công phu. Trước khi chấm, quyển thi được giao cho quan nội trường đề điệu là quan võ rọc phách để tránh việc sửa chữa văn bài trong quyển. Giám khảo được cắt cử chấm thi cũng phải chấm chéo tỉnh. Quan trường nào có con em hay học trò dự thi ở trường mình chấm thi phải làm “giấy hồi tỵ” (xin cáo không đi chấm).

Vì tôn trọng hiền tài nên chấm thi rất nghiêm ngặt với nhiều công đoạn. “Quyển được giao cho Đề tuyển rọc phách rồi đưa vào nội trường. Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho các ông Sơ khảo chấm trước tiên bằng son ta (mầu gạch), xong đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến Giám khảo duyệt lại lần nữa bằng mầu hồng đơn. Những người chấm thi phải đề rõ tên họ, chức tước, số điểm rồi ký tên lên mặt quyển.

Nội trường chấm xong chuyển qua Đề tuyển đưa ra ngoại trường. Các ông Chánh, Phó Chủ khảo chấm lại những bài được nội trường lấy đỗ. Phân khảo đọc những quyển bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên Chủ khảo. Ngoại trường chấm bằng son tầu mầu đỏ tươi.

(...) Khi chấm xong, xếp đặt cao thấp rồi mới gửi cho Đề tuyển kháp phách, lập danh sách những người trúng cử, đem yết.

Sau mỗi kỳ thi, Chủ khảo và Giám sát mỗi người phải làm một bản phúc trình đệ về kinh, nếu không sẽ bị phạt. Tất cả các quyển thi, đỗ hay hỏng, kể cả ngoại hàm dều được gửi về kinh duyệt lại. Triều đình có thể lấy thêm người này, đánh hỏng người kia, hay thay đổi thứ bực như trường hợp Cao Bá Quát đỗ Á nguyên (thứ nhì) trường Hà Nội 1831, bị bộ Lễ xếp xuống cuối bảng” [48]. Việc chấm thi ngặt như vậy nên các quan trường phải làm việc công minh, nếu lỡ để xẩy ra sai phạm gì đều phải chịu tội, có khi bị giáng chức, cất chức hay tù tôi, tùy theo mức độ nặng nhẹ. “Thí dụ gặp một quyển văn có tội như là “khiếm trang”, “phạm húy”, “phạm trường quy”, “đồ di câu

cải bất phù” chẳng hạn, mà ông sơ khảo không biết, đến ông phúc khảo bới ra, thì ông sơ khảo tức thì phải đuổi ra liền; nếu cả mấy ông sơ khảo, phúc khảo và giám khảo đều không nhận ra, rồi ông chủ khảo xét thấy thì ba ông kia cũng bị “phù xuất” tất cả, nếu ông chủ khảo cũng không xét thấy, nhưng mà quyển đó cũng bị đánh hỏng thì thôi không sao, giả sử quyển ấy được đỗ, khi đệ về triều, hoàng thượng hay các quan triều xét ra, thì từ ông chánh chủ khảo trở xuống đều có tội cả. Bởi vậy trong khi chấm văn, các quan đều phải hết sức tìm bới những chữ phạm tội” [68, 226]. Ngẫm lại chuyện chấm thi ngày trước, các quan trường cũng chẳng sung sướng gì!

Có thể nói, Lều chõng của Ngô Tất Tố như một cuốn phim tư liệu về thi cử đời xưa của ông cha ta. Tất cả những tài liệu về thi Hương, thi Hội, thi Đình; tài liệu về cách thức tổ chức thi cử, về cách làm bài, về trách nhiệm, quyền hạn của ban khảo thí và tất cả những phong tục nghi lễ cổ liên quan đến thi cử được nhà văn phục dựng một cách đầy đủ và sống động. Cùng với các sáng tác về đề tài văn hóa khoa cử, Lều chõng giúp người đọc hiểu rõ chế độ tuyển chọn hiền tài khắt khe, qui củ của các triều đình phong kiến, đặc biệt là triều Nguyễn. Đúng như nhận xét của Phan Huy Chú trong Khoa mục chí: “Học hành văn chương quan hệ rất nhiều đến thế đạo, xem việc thi cử hay hay dở, biết Nhà nước thịnh hay suy” [5, 150].

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 50 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w