Đi tìm cái đẹp thuần túy của “ta” để đối chọi với cái lai căng

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 79 - 84)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.1.Đi tìm cái đẹp thuần túy của “ta” để đối chọi với cái lai căng

Thời kì 1930 - 1945 là thời kì “nước sôi lửa bỏng” của lịch sử dân tộc. Do chính sách ngu dân và đầu độc của bọn thống trị, mọi điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người đều bị đảo lộn. Những cái lai căng, những cảnh sống trụy lạc và sa đọa nhanh chóng xâm nhập vào xã hội Việt Nam. Những giá trị được gọi là chuẩn mực đạo đức của dân tộc có nguy cơ bị băng hoại. Trước thực tế đó, có nhiều nhà văn đã đứng hẳn về phía dân tộc và truyền thống, bảo vệ cái đẹp thuần túy của “ta” để đối chọi với cái lai căng. Những tác phẩm về văn hóa khoa cử như Bút nghiên, Nhà nho của Chu Thiên,

Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân đã làm sống lại nét đẹp của đời sống khoa cử một thời, cái đẹp đã thuộc về quá khứ, một thời đã xa và đã khuất. Các nhà văn đã tiếp cận văn hóa khoa cử để chuyển vị cảm giác thẩm mỹ. Thực ra đây là một cách tiếp cận nhằm “đổi gió”, thay đổi khẩu vị cho độc giả. Đó là việc nhà văn quay về với những chuyện xưa, tìm kiếm cái đẹp trong quá khứ và ca ngợi cốt cách nhà nho, những con người đã từng được đào tạo qua con đường học hành, thi cử.

Đọc những tác phẩm ấy, ta càng khâm phục vốn sống phong phú của các nhà văn về sinh hoạt Nho học thời xưa cũng như vốn kiến thức lịch sử uyên thâm của họ. Cái đáng quý mà các tác phẩm để lại không chỉ cung cấp

cho người đọc kiến thức về lối sống, sinh hoạt của Nho gia mà còn thức tỉnh những tâm hồn dân tộc đã ngủ quên trong lòng một số đông người đang sống trong vòng nô lệ của thực dân Pháp.

Như cái nhan đề của tác phẩm, Bút nghiên, Nhà nho viết về đời sống học hành và thi cử của các nhà nho. Giữa cái ồn ào, nhốn nháo của những cái lai căng đang tấn công mạnh mẽ vào xã hội, Chu Thiên lặng lẽ trở về thời quá khứ vàng son của dân tộc, khảo cứu về chuyện học hành, thi cử của cha ông ta thuở trước. Những cái đẹp của đời sống coi trọng văn chương, chữ nghĩa, cái đẹp trong văn hóa ứng xử của nhà nho đối với vợ chồng, cha mẹ, làng nước, thầy trò,... đều được phản ánh sinh động trong tác phẩm. Những vẻ đẹp thuần túy Việt Nam, mang bản sắc dân tộc Việt Nam ấy luôn luôn được nhà văn khẳng định và ngợi ca trong tiểu thuyết.

Cũng chọn con đường trở về với quá khứ nhưng nhà văn tài hoa có cá tính độc đáo Nguyễn Tuân lại tìm cho mình một cách thể hiện riêng. Nhà văn đã phục dựng những vẻ đẹp truyền thống đã qua và đang mất dần nhằm bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Kể từ lúc Vang bóng một thời ra đời, đã gây được sự chú ý của bạn đọc và nhiều nhà phê bình, nghiên cứu và từ đó người ta mới biết đến tên tuổi của Nguyễn Tuân. Vũ Ngọc Phan trong cuốn

Nhà văn hiện đại đã có những nhận xét rất tinh tế về sáng tác đầu tay của Nguyễn Tuân. Ông viết: “Như cái nhan đề quyển sách, tác giả chỉ định dùng những nét đơn giản để ghi lại mấy cảnh xưa có những tính cách đặc Việt Nam. Cái tiếng vang của thời đã qua, cái bóng của thời đã qua, mà ngày nay người ta tưởng như còn văng vẳng và thấp thoáng, đó là tất cả cái thê lương nó khởi đầu những mẩu chuyện cổ thời” [45, 428]. Tác phẩm này đã tái hiện một “không gian kí vãng” tươi đẹp của dân tộc, đem lại một “hương vị” thẩm mỹ mới cho độc giả lúc bấy giờ. Những câu chuyện ngày xưa cùng với người xưa được Nguyễn Tuân say sưa kể bằng giọng thán phục xen niềm nuối tiếc,

bởi tất cả những nhân vật ấy cùng những thú chơi tao nhã, lịch lãm nay chỉ còn là “vang bóng”.

Vang bóng một thời gồm có mười hai truyện ngắn, trong đó chỉ có một truyện là Báo oán (có bản in là Khoa thi cuối cùng) trực tiếp nói về đề tài khoa cử. Những truyện còn lại tuy không viết về khoa cử nhưng ta thấy nhân vật trung tâm trong tác phẩm là các nhà nho, những con người thấm nhuần đạo nghĩa Thánh hiền. Nguyễn Tuân đã trìu mến gọi tên nhân vật của mình theo cách gọi của những con người theo nghiệp khoa cử, của kẻ sĩ trong xã hội xưa như cụ Ấm, cụ Kép, cô Tú, cậu Chiêu, ông Nghè, cụ Phủ, cụ Thượng, ông Đầu Xứ Anh, ông Đầu Xứ Em, cụ Cử Hai,... Nhưng khác hẳn với đám nho sĩ trong Lều chõng của Ngô Tất Tố, những nhân vật trong Vang bóng một thời là các nhà nho đã luống tuổi, có người đã về hưu như cụ Ấm trong Chén trà trong sương sớm, cụ Thượng Nam Ninh trong Một cảnh thu muộn, cụ Kép làng Mọc trong Hương cuội,..., là những người tài hoa, tài tử bất đắc chí, không đủ sức thay đổi thời cuộc, đành theo đạo sống của riêng mình. Họ đã từng là cụ Thượng, cụ Phủ, ông Nghè có tài nhưng đều cáo quan “về ở một vùng xứ quê buồn tẻ”, “làm một ông đồ già ngồi dạy trẻ”, là cô Tú “một thiếu nữ con quan mà cái tài làm thơ phú theo một gia sáo vững vàng, mà cái hạnh về môn nữ công đủ làm vinh dự cho một gia thế” rất hiếu thảo với cha già, lấy việc nuôi tằm, nội trợ và phụng dưỡng cha làm niềm vui (Thả thơ), là ông Cử Hai “người có hoa tay” lại “thêm được chút tâm hồn lãng tử” nên “sống cuộc đời cũng như người ta chơi chơi vậy thôi. Người ấy thật là người không có lấy một giây phút trịnh trọng với nhân sinh. Ông ta sinh ra để mà đùa với cuộc sống và bắt đầu từ việc đem ngay cái tài hoa của mình ra mà đùa nhả với sự nghiệp thân thế mình” (Một cảnh thu muộn). Những nhân vật ấy là hạng người biết sống thanh cao, ưa nhàn hạ và đặc biệt là biết hưởng thụ cuộc đời trong những thú phong lưu tao nhã, cầu kì.

Cụ Kép làng Mọc trong Hương cuội là một con người “nguyện đem cả quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý”. Lòng yêu hoa, xót hoa của cụ Kép thật đặc biệt “mỗi lần có người động mạnh vào giò lan đen, cụ Kép lại xuýt xoa như có người châm kim vào da thịt mình”. Hình ảnh cụ Kép trong truyện gợi cho người đọc liên tưởng đến những nhà nho có lối sống ẩn dật, tìm niềm vui trong thú điền viên, lấy việc chăm chút mấy chậu hoa lan làm niềm vui tuổi già. Con người ấy qua cách miêu tả của Nguyễn Tuân hiện lên thật đẹp: “Trong cái vườn cây nhỏ, trong đám cỏ cây xanh rờn, những buổi sớm tinh mơ và những buổi chiều tàn nắng, người ta thường thấy một ông già lông mày bạc, tóc bạc mặc áo lông trắng lom khom tỉa những lá úa vàng trong đám lá xanh” [72, 87].

Tết đến, trong khi mọi người lo chuẩn bị công việc để ăn tết thì cụ Kép lại bận bịu cho công việc sửa soạn một bữa rươụ mạch nha có nhân đá cuội được ủ trong những chậu hoa lan thơm ngát (rượu thạch lan hương). Các bạn già của cụ cũng có lối uống rượu thưởng hoa rất độc đáo. Trong mùi thơm thoang thoảng của hương lan, “mỗi chén rượu ngừng lại một bài thơ ngâm trong trẻo, cứ thế cho tàn hết buổi chiều”. Đúng là những thú tiêu dao nhàn tản của các bậc hiền nhân quân tử! Đọc tập Vang bóng một thời, ta bắt gặp nhiều thú tiêu khiển như thế. Cụ Ấm trong Chén trà trong sương sớm, cụ Sáu trong Những chiếc ấm đất là những người biết thưởng trà và đã nâng việc uống trà thành một thú chơi tao nhã. Họ nâng niu những chiếc ấm đất, gửi vào trong chén trà biết bao nhiêu công phu, tỉ mỉ và nâng lên thành một thứ lễ nghi. “Chưa bao giờ ông cụ già này dám cẩu thả trong thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một chút mùi thơ và một tị triết lí và tâm lí” [72, 133].

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã viết hai truyện ngắn về thú chơi mang đậm chất bác học của người xưa: đánh thơ, thả thơ (Thả thơ, Đánh

thơ). Đây là hai truyện ngắn tiêu biểu đã đề cao, làm sống lại một thú chơi tao nhã đang mất dần trong hiện tại. Đây là lời giảng của cô Tú - con cụ nghè Móm, về hai chữ “Thả thơ” cho lũ học trò nhỏ tuổi của cha mình: “Thầy sẽ viết vào mảnh giấy trắng một câu thơ thất ngôn mà chỉ... có sáu chữ thôi. Còn một chữ thì để trống và thay vào đấy một cái khuyên tròn. Cái khuyên tròn thay chữ đó thường gọi là chữ vòng…” [72, 45]. Rồi theo sự tò mò muốn biết tỉ mỉ về tục thả thơ của tụi trò nhỏ, cô Tú giảng giải cặn kẽ về “luật chơi” ngộ nghĩnh này. Và người đọc có dịp hiểu được cái thú ăn chơi tao nhã của cha ông ta ngày trước. Thả thơ, đánh thơ thực chất là “một cuộc đỏ đen rất trí thức”, một lối đánh bạc bằng văn chương. Nhưng có những người đến cuộc đánh thơ không chỉ vì tiền mà là vì yêu thích văn chương. Đó là những ông Hậu bổ, Thông Phán tỉnh, Kinh Lịch - được hay thua “cũng đều lấy làm thích cả”. Thả thơ cũng có cái thú vị riêng: “Mỗi lúc ngâm lên, cái hay của câu thơ đã làm cho bọn mình lạnh hết cả người” và “Người ta sát phạt nhau bằng tiền, đem cái may rủi cả vào cõi văn thơ và trên mặt nước sông thu, tiếng ngâm một câu thơ được cuộc, tiếng ngâm một câu thơ thua cuộc mất ăn tiền, những tiếng đó đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn chân chính” [72, 48].

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân say sưa nói về những thú vui của người xưa như uống trà, uống rượu, đánh thơ, thả thơ, chơi chữ, làm đèn trung thu,... với một thái độ ngợi ca và nuối tiếc. Chén trà trong sương sớm,

Những chiếc ấm đất, Hương cuội, Chữ người tử tù, Một cảnh thu muộn, Đánh thơ, Thả thơ là những truyện nói về những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Viết về những cái đẹp thuần túy của “ta”, chắc chắn nhà văn muốn đưa ra đối chọi với những cái lai căng, với hạng người trưởng giả cộc cằn, không biết thưởng thức cái đẹp trong xã hội Tây Tàu nhố nhăng lúc bấy giờ. Bởi thế đọc tác phẩm, ta có cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu như “những cảm tưởng trong khi ngắm bức họa cổ” (Vũ Ngọc Phan). Nguyễn Tuân đã đem

đến cho mọi người một “thực đơn” mới cho món ăn tinh thần, nhằm tạo nên một “khoái cảm thẩm mỹ đặc biệt” cho họ. Người ta trân trọng và yêu quý tập truyện, bởi thế mà tác phẩm được tái bản nhiều lần. Năm 1988, Nhà xuất bản Văn học in lại lần thứ sáu, với 30.000 bản.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 79 - 84)