7. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Tái hiện cái đẹp của đời sống coi trọng chữ
Từ ngàn xưa, người Việt đã có truyền thống hiếu học, coi trọng việc học hành. Người ta nuôi thầy cho con ăn học, trước hết là mong con cái kiếm ít chữ nghĩa thành người, sau là đi thi mong ngày đỗ đạt. Bởi thế tinh thần tôn sư trọng đạo luôn được đề cao trong xã hội.
Viết về phong tục thi cử phong kiến, các nhà văn vốn xuất thân từ cái nôi của nền giáo dục Nho học nên rất tôn trọng văn chương chữ nghĩa. Theo đó, cái đẹp của đời sống coi trọng chữ được hiện lên sinh động trong các trang viết của họ. Với Bút nghiên, Nhà nho, Chu Thiên đã đưa người đọc trở về quá
khứ vàng son của dân tộc, ở đó ta được sống lại trong một chế độ học hành, thi cử đầy lý tưởng của nhà nho. Cuộc đời học hành, thi cử của cậu bé Nguyễn Đức Tâm được tác giả miêu tả tỉ mỉ từ vỡ lòng cho đến lớp đại tập, lần lượt qua các kì thi và cuối cùng đỗ Hoàng giáp, tức tiến sĩ xuất thân, làm vinh hiển cả gia đình, dòng họ, quê hương. Cuộc đời quan Hoàng giáp còn được tiếp tục tái hiện trong tiểu thuyết Nhà nho.
Theo phong tục xưa, cha mẹ tìm thầy cho con học chữ Thánh hiền, học lễ nghĩa và đạo đức làm người (tiên học lễ, hậu học văn). Trước khi cho con đi học với thầy đồ, cha mẹ làm lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên, nguyện cầu tổ tiên phù hộ cho thông minh, học giỏi. Đây là lễ Khai tâm, dạy cho đứa trẻ mở cái tâm cho thông suốt, trong sáng. Lễ này được người ta coi trọng vì nó mở đầu cuộc đời mới của trẻ, cuộc đời của một nho sĩ học đạo Thánh hiền để thành người quân tử. Ở Bút nghiên, khi bé Tâm vừa tròn sáu tuổi, cha mẹ đã tìm được thầy đồ trong làng gửi con đi học. Sáng ngày làm lễ Khai tâm, cậu dậy sớm hơn mọi ngày và rất ngạc nhiên khi nhìn thấy “ở dưới nhà, người ta đồ xôi và làm thịt gà. Trên nhà trần thiết sang trọng như một ngày có giỗ vậy. Thầy Tâm đặt một cái án thư ở giữa nhà, trên bày hai cái ống hương, ba cái đài sơn và một cây đèn dầu nam. Thầy bảo đấy là lập bàn thờ Đức Thánh. Biết vậy! Mâm xôi trắng muốt với con gà béo vàng, ngẩng mỏ ngậm bông hoa hồng đã đặt trên bàn coi rất ngon” [62, 10]. Tâm chăm chú nhìn ông đồ từng ly từng tí. “Ông lễ bốn lễ trước bàn thờ, vái rồi quỳ, chắp tay giơ lên ngang trán miệng lầm rầm khấn. Đoạn ông cầm bút vẽ ngoằn ngoèo bốn cái bùa lên tờ giấy trắng, để lên bàn thờ, quỳ khấn nữa, sau rốt ông lại lễ bốn lễ. Rồi ông đem đốt tờ giấy, lấy than hòa với nước lã đưa cho Tâm uống” [62, 10-11]. Sau đó ông lấy bút viết chữ đỏ lên giấy trắng và bảo Tâm đọc mấy chữ: Thiên tích thông minh (Giời phú cho thông sáng). Thánh phù công dụng
Đức Thánh hiện lên trong không khí trang trọng, thiêng liêng bởi như lời thầy đồ nói với đứa trẻ lên sáu: “Vỡ lòng là làm lễ Đức Thánh Khổng Phu Tử, rồi bắt đầu học, vì chữ là chữ của ngài. Một chữ của Thánh là một gánh vàng, nên đi học là phải trình ngài trước” [62, 13].
“Chữ Thánh, gánh vàng”, đó không phải chỉ là lời của ông đồ mà còn là quan niệm của tất cả mọi người trong xã hội xưa. Với đầu óc non nớt của một cậu bé đang tuổi ăn, tuổi chơi, những ngày đầu Tâm thấy đi học là “vô ích”, là “khổ thân”. Cậu nhất định không chịu đi học. Mẹ Tâm cũng đã lựa lời khuyên con: “Không học rồi chịu khổ suốt đời. Đấy như chú cu Thìn làm thuê cho nhà ta ấy. Chữ nhất là một không biết nên ai người ta cũng bắt nạt được. Vậy cố mà đi học con ạ, cha mẹ không ngại tốn công khó nhọc đâu, chỉ mong cho con ra người hay. Còn học thầy, thì phải giả công thầy chứ. Chữ Thánh những gánh vàng, người ta lấy mỗi năm bốn quan, có thấm vào đâu, con...
Rồi bà đọc luôn bài thơ truyền tụng để khuyên con:
Đen thời dùng mực, đỏ dùng son, Cố học cho hay, con hỡi con! Cái bút, cái nghiên là của báu, Câu kinh, câu sử ấy mùi ngon! Vàng mua chứa để, vàng bay hết, Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn. Nhờ phận một mai nên kẻ cả,
Bõ công cha mẹ mới là khôn! [62, 28-29].
Tâm học với thầy đồ trong làng, rồi phải xa nhà trọ học ở nhà ông đồ Tri, cậu nhớ nhà, khóc suốt. Nhưng vì “sợ phải đòn, sợ luồn khố, sợ xấu hổ”, cậu vẫn chịu khó học và “học giỏi nhất trường Vân Trung”. Lớn lên, Tâm hiểu rằng muốn hiển đạt cần phải học “vạn sự xuất ư nho”, cậu càng quyết tâm học “học rang rảng như cuốc kêu mùa hè, học quên ăn quên ngủ, học mê
man cả người, học như nuốt chửng hết cả chữ sách. Tâm say đắm sự học như bây giờ người ta mê mệt tình nhân” [62, 100]. Tiếng tăm học giỏi của cậu bé ở Thịnh Hậu, Nam Định lan truyền khắp nơi. Những bậc làm cha mẹ thường đưa Tâm ra làm gương mẫu, khuyên răn con cái họ.
Với các gia đình dòng dõi khoa bảng hay những gia đình có con đi học, người ta rất trân trọng, nâng niu những nghi lễ liên quan đến việc học hành, thi cử. Là một người xuất thân từ gia đình nhà nho chân chính, Chu Thiên hiểu tường tận những nghi lễ và sinh hoạt của đời sống Nho gia. Đoạn văn dưới đây là lời của ông thầy giải thích với cậu Tâm về lễ khai bút đối với thầy trò xưa: “Khai bút là sang năm mới phải chọn ngày tốt, giờ tốt bắt đầu viết lên tờ giấy hoa tiên hay tờ giấy đỏ, rồi gián lên cột hay xà nhà. Sau viết gì mới được viết. Ngộ chưa khai bút mà cứ viết thì giông suốt năm, đi học thì chịu dốt mà làm việc gì cũng hỏng. Ngộ gặp phải giờ xấu, còn sinh ra ốm đau, bệnh tật, tai vạ bất kì nữa. Con nghe chưa? Phải cẩn thận đấy” [62, 42].
Khai bút là một tục đẹp thể hiện cái tâm, cái chí của người đi học, mong cho con học giỏi, nên người. Và trước khi bắt đầu vào học, người ta chọn ngày tốt lành để khai trường. Những người có con đến học góp tiền làm lễ với mong muốn “Đức Thánh phù hộ cho học giỏi”. Lễ khai trường cũng diễn ra rất trang trọng. Trước bàn thờ nhà thầy đồ, mọi người bắt đầu làm lễ: “Ông đồ đặt nắm hương châm vào ngọn nến. Lửa ngọn nến tỏa ra mất hẳn đi, bốc khói lên, rồi bùng cháy lên ngùn ngụt. Ông đồ vội nhắc nắm hương ra, vẩy một nhát, cho tắt lửa, đầu bó hương chỉ còn là một nắm đỏ ngòn, khói lên nghi ngút. Ông cắm thẳng tắp vào cái bát hương đầy gạo đặt sau ba cái đài. Khói hương vút thẳng lên cao rồi cuồn cuộn tỏa tan dần ra khắp nhà, đượm mùi thơm ngào ngạt... Ông đồ vuốt thẳng tà áo chắp tay lễ, bốn lễ, quỳ lâm râm khấn rồi ông lễ bốn lễ nữa lui ra. Các học trò lần lượt vào lễ, nhớn trước, bé sau...” [62, 51].
Đọc những đoạn văn trên, ta cảm nhận được cái thiêng liêng của sự học hành. Bởi nhân dân ta quan niệm “sự học là cần thiết cho con người cao quý” nên cha mẹ nào cũng khuyến khích con em ra sức học tập, nên người, may phúc thì được làm ông nghè, ông cống. Đối với các nho sinh, đọc sách Tam tự kinh, họ cũng hiểu quan niệm về sự học của người xưa: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý” (Ngọc không mài dũa thì không thành đồ quý, người không học thì không biết lẽ phải). Cho nên cái quan niệm học để làm quan chỉ mới đúng một nửa, học để hiểu biết “nhân bất học bất tri lý”. Nhìn từ đạo nho, kẻ sĩ ngày xưa phải biết làm thơ. Những người không biết làm thơ nghĩa là vô học. Trước đây Khổng Tử cũng đã từng nói “Bất học thi, vô dĩ ngôn” nghĩa là không học Thi thì không biết lấy gì mà nói. Bởi vậy nhân dân ta giáo dục, khuyến khích việc học cho trẻ bắt đầu từ những bức tranh dân gian như Trạng chuột vinh quy, Thầy đồ cóc dạy học, Cá chép vượt vũ môn, hay trong đêm rằm trung thu, trẻ con rước đèn có ông Tiến sĩ giấy,...
Ở trường học chữ Nho ngày trước, vui nhất có lẽ là những lúc bình văn. Những bài văn hay đã được thầy chấm, trước mặt đông đủ học trò, người ta bắt đầu bình các bài văn hay. “Học trò ngồi đủ mặt thành hàng quanh giường ông đồ. Ai nấy đều nghiêm trang im lặng. Ông đồ đưa ra một tập quyển ưu, bình thứ, thứ mác, bắt những anh tốt giọng phải bình. Anh nọ nhìn anh kia, mỉm cười, nhường nhau. Rồi một anh mở một quyển bài, è è lấy giọng, nói một câu thường lệ:
Xin thầy con bình.
Rồi ngân nga đọc theo một lối riêng, khi cao, khi thấp, khi to khi bé, khi trong khi đục, như hát một bài hát vậy. Tất cả nghệ thuật của người bình văn là ở đấy. Mọi học trò đều ngồi im thin thít, lắng tai nghe ngon lành lắm, nét mặt hoan hỉ rõ rệt với những đoạn văn lý thú ý vị mà người bình đã khéo đưa giọng cho người ngoài thấu rõ. Cả những người ở chung quanh trường và
những người dốt đặc cán mai không biết chữ gì cũng ngừng việc lại mà chú ý nghe cuộc bình văn. Cuộc bình văn cứ thế kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Hết quyển này sang quyển khác, anh trước mỏi miệng có anh sau thay. Văn đã hay mà giọng bình lại tốt, thật là vẻ vang cho nhà trường vậy” [62, 109].
Trong Lều chõng, Đào Vân Hạc là là một người văn hay chữ tốt, văn của anh hầu hết là được thầy phê ưu. Dưới đây là đoạn bình về cuốn văn của Vân Hạc:
“Khắc Mẫn lĩnh quyển văn đi xuống chỗ cũ. Mài mực, tẩm một ngòi bút thật đậm. Một tay cầm bút, một tay cầm quyển, thầy bắt đầu đọc bài chiếu trước. Tất cả học trò đều giở một tập giấy bản đặt lên đầu gối. Tai nghe văn, tay thì viết lia lịa. Văn đọc đến đâu, họ phải cố viết cho kịp đến đấy. Chữ thảo một lối lòi tói như sợi xích chó.
Với một giọng vừa kêu vừa trong, Khắc Mẫn đọc rất dại dễ, gãy gọn, từ đoạn nọ đến đoạn kia, mạch lạc cực kì phân minh. Nhất là những lúc lên giọng, xuống giọng, tiếng thầy càng réo rắt dịu dàng, khiến cho câu văn càng nổi.
Cả nhà chứa gần ba trăm con người lúc ấy có vẻ nghiêm tĩnh của một tòa cổ miếu. Ngoài tiếng bình văn của Khắc Mẫn và tiếng khen hay của các khảo quan, cơ hồ không còn có gì khác nữa” [68, 65].
Những cuộc bình văn diễn ra trong không khí trang nghiêm, bởi người ta không chỉ bình những bài văn hay mà còn là văn mẫu điển phạm cho tất cả học trò, họ chuyền tay nhau chép những câu văn hay, lời đẹp, từ đó làm giàu cho vốn văn của mình. Ngày bình văn của thầy trò hồi đó chẳng kém gì ngày hội linh đình, vui vẻ. Đọc Hồi kí Đặng Thai Mai, ta biết khi đọc sách, gặp một câu văn, câu thơ hay, các cụ vẫn ghi vào bên cạnh lời bình truyền thống:
Khoái chá nhân khẩu (Ngon miệng như được ăn miếng nem miếng chả!). Người ta say mê việc học nên tìm chép cả những bài hay trong văn sách. Ngay cả những người lớn tuổi vẫn chép văn hay của trò bé. Trong Bút nghiên,
khi cậu bé mười ba tuổi đỗ trong một cuộc thi văn ở làng Mỹ lương, người ta kéo đến xem mặt Tâm, muốn biết tài Tâm. Quyển vở thi vừa trả lại “đã phải luôn luôn chuyền từ tay người này sang tay người khác. Người ta đọc đi đọc lại, người ta chép lấy những câu hay, những câu được cả ba thứ khuyên, khuyên đỏ, khuyên đen và khuyên xanh, những câu mà thực ra Tâm đã đánh cắp ở những bài của ông đồ Tri. Quyển vở thành ra nhàu nát, bợt cả lông, nhũn như mẻ” [62, 99].
Đọc Lều chõng, độc giả còn được chứng kiến cuộc hành văn của toàn thể Hội viên hội văn phả kính lạc (hội của những sĩ tử làm nơi luyện tập văn chương) ở nhà ông đồ Vân Trình. Người ta say sưa ôn luyện các kiểu văn bài để chuẩn bị ứng thí. “Quang cảnh lúc ấy mới là kì dị. Nhà dưới cũng như nhà trên, các ông học trò xúm lại từng tốp, chỗ năm người, chỗ ba người, có chỗ đến sáu bảy người. Ông này rung đùi ngâm nga, ông kia viết lia lịa. Có ông lom khom cúi gò lưng tôm. Có ông úp ngực sàm sạp xuống chiếu. Bên cạnh mấy ông nằm ngang, kế đến vài ông nằm dọc. Sau lưng những ông chầu đầu trở ra, lại có các ông quay đít trở vào. Họ bàn nhau, họ bẻ nhau, họ hút thuốc vặt, họ hỏi nhau về những chỗ sách bị quên. Trong nhà, lúc thì im lặng như tờ, lúc lại ầm ầm như chợ vỡ” [68, 256].
Những đoạn văn trên đã gợi được nét đẹp của đời sống coi trọng văn chương chữ nghĩa của cha ông. Viết về những cảnh đó, các nhà văn không giấu nổi tâm trạng hoài cổ, nhớ tiếc. Bởi đó là nét đẹp truyền thống đã tồn tại trong nhiều thế kỉ mà bản thân người viết cũng đã kinh qua.
Cũng vì xã hội xưa rất coi trọng việc học hành nên người ta rất đề cao vai trò của người dạy học. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Theo quan niệm Nho giáo, thầy được xếp theo thứ bậc quân - sư - phụ, thầy được mọi người quý mến, nể vì. Trong đám rước vinh quy, võng thầy đi trước võng cha mẹ. Cha mẹ có công sinh dưỡng, thầy mới là người dạy dỗ, uốn nắn đứa trẻ nên người
có ích. “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” là điều tâm niệm của mỗi con người. Thầy học có thầy khóa, thầy đồ, thầy tú dạy trẻ con cho đến những bậc đại khoa không xuất chính hay các quan trí sĩ, có người dạy đến hàng trăm nghìn học trò. Họ là những người thấu hiểu Nho gia, có nhân cách và phép ứng xử của các bậc hiền sĩ nên thầy giáo là những nhà nho biết “tu thân” để dạy những thế hệ học trò sống gương mẫu, trở thành những nho sinh tài đức. Khổng Tử đã từng nói “Trường phải ra trường, lớp phải ra lớp, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò” là bắt đầu của giáo dục và cũng là bắt đầu của xã hội. Trong Bút nghiên, Nhà nho, Chu Thiên viết nhiều đến tình nghĩa thầy trò rất cảm động và bổn phận của trò đối với thầy.
Đọc những sáng tác về phong tục xưa, ta thấy các nhà nho thường ca ngợi đời sống coi trọng chữ, bởi đây là một nét đẹp của văn hóa khoa cử ngày xưa. Đạo Nho đã cùng đường lịch sử nhưng truyền thống đạo lý vẫn còn đó. Những tấm gương tôn sư trọng đạo, tiết tháo liêm khiết của cha ông ta vẫn là bài học quý cho mọi thế hệ ngày nay.