7. Cấu trúc luận văn
2.3.3. Xây dựng một “mỹ học hoài cựu” để khẳng định cá tính sáng
Nhắc đến Nguyễn Tuân là ta nghĩ ngay đến một nhà văn tài hoa, độc đáo, một cái tôi nghệ sĩ đầy bản lĩnh, giàu cá tính. Đọc những trang văn của ông trước Cách mạng tháng Tám, ta thấy một cái tôi Nguyễn Tuân có tình dân tộc, có lòng yêu nước. Là một người rất nhạy cảm trước xã hội, ông cảm thấy bế tắc, bất lực trước thời cuộc, cái buổi giao thời đầy xấu xa, bon chen và đố kỵ. Cũng như các nhà thơ mới, các nhà văn lãng mạn, Nguyễn Tuân rút vào cái tôi thèm khát xê dịch, một cái tôi hưởng lạc, cái tôi say sưa ca ngợi cái đẹp duy mỹ chủ nghĩa. Nhưng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc tiềm tàng đã níu giữ nhà văn trở lại, không để ông hoàn toàn rơi vào con đường bế tắc. Và chính nhờ tinh thần dân tộc mà sau 1945 đã đưa ông đến rất nhanh với nhân dân, với cách mạng.
Với Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã tìm thấy cái “đẹp xưa” trong những hoài niệm về một nền văn hóa dân tộc. Ông đã xây dựng một “mỹ học hoài cựu” để khẳng định cá tính sáng tạo. “Mỹ học hoài cựu” là mỹ hóa cái xưa, phục hiện lại cho sống động như đang diễn ra trước mắt. Bằng sức mạnh của văn chương cộng với tài năng đặc biệt của một nhà văn hóa lớn, Nguyễn
Tuân đã dựng lại một thời đại đã mất trong những “bức họa cổ” đầy “những nét rầu rầu, những màu xam xám”, gợi lên trong lòng người đọc bao tiếc nuối, day dứt. Ông viết văn trước hết là để khẳng định cá tính độc đáo của mình. Trong chế độ thuộc địa lúc bấy giờ, ông cảm thấy hoang mang, bế tắc và cảm thấy mình là kẻ “thiếu quê hương” khi đứng giữa quê hương mình. Và con người tài hoa, thích tự do phóng túng ấy đã quay lưng lại với thực tại, tìm về nét đẹp của quá khứ vàng son. Tác phẩm đầu tay này được viết khi Nguyễn Tuân còn trẻ nhưng đã có một khất vọng lớn lao: dựng lại cái không khí thời xưa qua những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh, những cách ứng xử đẹp của con người trong đời sống xã hội. Nhà văn đã kiên trì góp nhặt những hình ảnh, những vẻ đẹp bằng cách thể hiện những hoài niệm, những kí ức và tưởng tượng.
Viết Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân thực sự là nghệ sĩ ngôn từ đã làm cho cái đẹp thăng hoa. Ông như con ong chăm chỉ đi hút nhụy hoa để làm nên giọt mật quý cho đời. Ông đã tìm lại những nét đẹp xưa trong Những chiếc ấmđất, Chén trà trong sương sớm, Hương cuội, Đánh thơ, Thả thơ, Chữ người tử tù, Ngôi mả cũ, Khoa thi cuối cùng,... Tập truyện không chỉ giúp người đọc thấy được những nét văn hóa sinh hoạt, văn hóa thưởng thức của lớp nhà nho tài hoa, tài tử “sinh bất phùng thời” mà còn “thanh lọc” tâm hồn ta bởi nhân cách cao đẹp của họ.
Với một cây đại thụ của văn chương Việt Nam hiện đại như Nguyễn Tuân, từ trước đến nay đã có khá nhiều nhà nghiên cứu phê bình quan tâm. Trong số họ, ta không thể không nhắc đến Nguyễn Đăng Mạnh, người đã có nhiều nghiên cứu công phu, kĩ lưỡng về nhà văn rất mực tài hoa nhưng tư tưởng và con người là một hiện tượng khá phức tạp. Trong Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 1, Nxb Văn học, 1981, Lời giới thiệu do Nguyễn Đăng Mạnh viết, dài đến bảy mươi trang. Trong đó, ông đã dành một phần nhận xét về phong
cách độc đáo và tài hoa Nguyễn Tuân cùng “mỹ học hoài cựu” trong Vang bóng một thời. Ông viết: “... Ngày xưa, trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cái cổ điển thường chiếm ưu thế. Đó là nhà văn của “Vang bóng một thời”. Hồi ấy, đối với hiện tại, đối với những cái nhỡn tiền - dĩ nhiên là trong phạm vi môi trường sống của ông - ông chỉ nhìn thấy có chất văn xuôi phàm tục. Ông hoàn toàn thoát li thực tại, nhưng nhìn thực tại, ông chỉ thấy vẻ đẹp, chất thơ thuộc về những cái của ngày xưa còn vương sót lại. Cuộc đời đối với ông là một khu vườn tàn tạ khi mùa xuân đã hết. Ông buồn rầu đi tìm kiếm, lượm lặt những nhành hoa cuối mùa, những cánh hoa tàn rụng. Hồi ấy, ông đối lập xưa với nay, cổ với kim. Ông tự cho thuộc lớp người “sinh lầm thế kỉ” lạc lõng giữa thời đại - ông thường gọi thời đại cơ khí khiến người ta bị cơ khí hóa đến cả tâm hồn [...]. Chất thơ hoài cựu đó, ông đã gợi lại, dựng lại bằng kĩ thuật và phương tiện hiện đại. Chính nhờ những phương tiện ấy, kĩ thuật ấy, ông đã “phục chế” thành công những bức tranh cổ, những bức tượng cổ, những tấm bia tàn...”. Nguyễn Đăng Mạnh đã rất tinh tế khi nhận ra cái chất thơ của tinh thần hoài cựu trong văn Nguyễn Tuân. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Tuân đã “lột xác”, đã hồi sinh để trở thành nhà văn cách mạng. Ông đi nhiều, viết nhiều nhưng không viết về dĩ vãng nữa mà viết về cái đẹp trong lòng cuộc sống của dân tộc.
Là một con người trân trọng và tôn thờ cái đẹp, Nguyễn Tuân luôn phát hiện, thể hiện, cảm nhận cái đẹp mỹ thuật của đối tượng mà nhà văn hướng tới để ngợi ca nó, để mọi người trông thấy và cần bảo vệ cái đẹp. Bởi thế việc xây dựng “mỹ học hoài cựu” cũng không ngoài mục đích ca ngợi truyền thống văn hóa dân tộc, làm sống lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong tác phẩm của mình. Vốn là người tài hoa, ông đi tìm sự tài hoa trong quá khứ. Tất cả những cảnh cũ, người xưa từ khung cảnh đến nhân vật, lời nói, dáng điệu, cử chỉ cho đến cách sống đều được ông dựng lại rõ mồn một.
Ông tái hiện cảnh các cụ uống trà, nhắm rượu, ngâm thơ, gẩy đàn, thả thơ, cho chữ, làm đèn trung thu như người trong cuộc và ông đã mỹ hóa những hành động ấy, đem đến cho người đọc một “khoái cảm thẩm mỹ” riêng. Khi dựng lại khoa thi cuối cùng của miền Trung dưới triều Nguyễn vào năm Mậu Ngọ (1918), Nguyễn Tuân đã viết truyện Báo oán (Khoa thi cuối cùng). Đây là cơ hội cuối cùng cho các sĩ tử, kể cả “những ông đồ già tóc râu đã ngả màu vì sự đùa nhả của công danh đánh lừa mình suốt mấy phen, chuyến này cũng cố chen ra, hồ vớt lấy một chút phấn hương cuối mùa của triều đình”. Bởi từ đây trở về sau “chữ Hán chỉ còn là một thứ xa xỉ phẩm trong cõi học vấn của một lớp người...”. Truyện viết về những con người tài hoa như ông Đầu Xứ Anh, ông Đầu Xứ Em “hai cái tài hoa cộng lại không được bốn lăm tuổi đầu” mà “tài hoa đã làm trội một vùng tỉnh Nam”. Hai anh em ông Đầu Xứ cùng chịu sự báo oán dai dẳng, khủng khiếp của một hồn ma. Oan hồn ấy làm cho anh em ông khi vào trường thi đều bị đau bụng “đau quằn quại tựa chứng hắc loạn cứ như giùi vào từng miếng tì vị” khiến cho các ông mê mệt, hoảng hốt và thiếp dần, mất hết cả ý niệm về thời gian và không gian, làm dở dang con đường khoa cử của họ. Viết về khoa thi cuối cùng, Nguyễn Tuân đã mỹ hóa cái xưa, “lạ hóa” nó bằng việc xây dựng nên một không gian kinh dị qua những giấc mơ, những oan hồn lúc ẩn lúc hiện làm cho truyện được phủ lên một màu sắc ma quái, giống như những truyện “yêu ngôn”. Nhà văn đã viết về những năm tháng cuối cùng của nền khoa cử Hán học bằng một “chất thơ hoài cựu”. Ở đó người đọc được biết đến văn hóa khoa cử qua khung cảnh trường thi, ngày thi cho đến cách chọn mực, thử bút, chọn giấy. Những chiếc bút Song Lan, Thanh Chi, Nhất Chi, Kiều Lan, Lan Trúc rồi đến bút Tảo Thiên Quân lông trắng; mực Kiêu kị, mực Hoàng tam sương cho đến những kiện giấy lệnh Bưởi đóng quyển thi,... qua cách viết của Nguyễn Tuân trở nên duyên dáng lạ kì! Chúng không còn tồn tại như những vật thông thường nữa
mà dường như được mang một linh hồn mới với cái nhìn yêu mến và nâng niu cái đẹp của cụ Nguyễn. Đọc những trang văn này, ta cảm thấy tiếc nuối về những nét đẹp của văn hóa Nho học một thời. Đằng sau những dòng chữ ấy là cái tình sâu nặng của nhà văn đối với những ngày tháng cũ của dân tộc.
Nguyễn Tuân viết văn còn để khẳng định cái tôi nghệ sĩ tài hoa của chính bản thân. Ông mỹ hóa cái xưa cũng là một cách bộc lộ cái tôi bản ngã của mình. Ông tìm mọi cách để tạo ấn tượng, thể hiện mình trên trang giấy, tìm mọi cách để khoe cái tài, cái độc đáo của mình. Vì vậy ông làm “lạ hóa” cách dùng từ, đặt câu, cách hành văn,... làm cho câu văn tiếng Việt đẹp hơn, sang trọng hơn. Nguyễn Tuân được mệnh danh là “nhà luyện đan ngôn từ”, là “thầy bút”. Có lúc người ta bảo Nguyễn Tuân là duy mỹ. Nhưng nhìn lại, đó là cái duy mỹ mang nét riêng của văn học truyền thống.
Vang bóng một thời ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ, cái dư âm của thời quá vãng, dư âm của sự khen chê về tác phẩm cũng đã lắng xuống từ lâu. Ngày nay đọc lại tập truyện, ta càng hiểu hơn cái tình sâu nặng của cụ Nguyễn đối với đất nước. Và việc nhà văn xây dựng một “mỹ học hoài cựu” trong văn chương trước Cách mạng tháng Tám cũng là một cách thể hiện cái tôi nghệ sĩ trước hiện thực.
Chương 3
NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN VĂN HÓA KHOA CỬ THỜI TRUNG ĐẠI TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ 1930 - 1945