Nhìn chung về tính đa dạng của cách thể hiện đề tài văn hóa

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 39 - 43)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.3. Nhìn chung về tính đa dạng của cách thể hiện đề tài văn hóa

các nhà văn. Nhờ có độ lùi về thời gian mà họ có điều kiện đánh giá bao quát vấn đề, nhìn nhận lại bản chất của khoa cử một cách thẳng thắn và chân thực hơn. Những trang viết ấy, nhờ thế, thấm đẫm tình yêu đất nước và tinh thần dân tộc. Họ là những người lặng lẽ phục chế, lưu giữ, làm sống lại một mảng đề tài đã từng gắn bó sâu sắc, lâu dài trong đời sống văn hóa Việt Nam.

1.3.3. Nhìn chung về tính đa dạng của cách thể hiện đề tài văn hóakhoa cử khoa cử

Theo sự vận động của thời cuộc, Nho học ngày một đi vào tàn lụi. Nền khoa cử phong kiến từng tồn tại ngót ngàn năm trên đất nước ta cũng đã khép lại với khoa thi cuối cùng năm Kỉ Mùi (1919). Nhưng dư âm của một thời gắn bó với khát vọng “bảng vàng, bia đá” của bao thế hệ Nho sinh được phản ánh sâu sắc trong văn xuôi tự sự 1930 - 1945. Mỗi nhà văn xuất phát từ những cảm quan nghệ thuật khác nhau, từ những góc nhìn khác nhau tạo nên sự đa dạng cho đề tài văn hóa khoa cử.

Lều chõng lần đầu tiên được đăng dần trên báo Thời vụ từ số 112 (21/3/ 1939) và sau đó được xuất bản thành sách năm 1941. Tác phẩm ra đời trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, giữa lúc thực dân Pháp đang dấy lên phong trào phục cổ nhằm lôi cuốn tầng lớp trí thức vào con đường thoát li thực tế đấu tranh cách mạng. Viết về quá khứ nhưng “người môn đệ của Khổng Mạnh” này không rơi vào khuynh hướng phục cổ. Là một nhà Nho thức thời, tiến bộ cùng với thực tế cay đắng của cuộc đời mình, lại chứng kiến sự cùng đường lịch sử của đạo Nho cũng như cảnh chợ chiều của các nhà Nho, Ngô Tất Tố qua Lều chõng, Trong rừng nho, đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, bóc trần sự “kì quái”, cái phản văn hóa của chế độ giáo dục khoa cử phong kiến.

Khi nhắc đến Lều chõng của Ngô Tất Tố, các nhà phê bình thường so sánh với những tác phẩm ra đời cùng thời như Bút nghiên, Nhà nho của Chu Thiên. Nếu Ngô Tất Tố đứng trên lập trường phê phán để nhìn về khoa cử thì “tiểu thuyết Bút nghiên phảng phất tinh thần phục cổ. Tác giả đã lí tưởng đời sống nhà nho, thi vị hóa một chế độ học hành, thi cử đã đi vào dĩ vãng” [2, 65]. Nếu Ngô Tất Tố thể hiện thái độ đoạn tuyệt với nền giáo dục khoa cử phong kiến thì tiểu thuyết của Chu Thiên thi vị hóa chế độ thi cử với với một tấm lòng hoài cổ nuối tiếc. Vũ Ngọc Phan đã đánh giá cái hay cũng như vài khuyết điểm của tác phẩm. Theo tác giả Nhà văn hiện đại: “Bút nghiên của Chu Thiên không chú trọng vào cách lựa chọn nhân tài như Lều chõng; Bút nghiên cũng lại không cho ta biết rõ tính tình cùng tư tưởng những “nhân tài” nước ta thuở xưa: Bút nghiên - như tên của nó - chỉ chú trọng riêng vào việc học. Ngày xưa ông cha chúng ta phải học như thế nào để thi đỗ? Thơ phú phải làm theo những lề lối thế nào? [45, 375]. Ông còn nhận xét: “Về đường nghệ thuật - nếu xét về phương diện tiểu thuyết - Bút nghiên không bằng được quyển Lều chõng của Ngô Tất Tố, nhưng về mặt khảo cứu về những cách học hành của ông cha chúng ta thuở xưa thì Bút nghiên cũng khá đầy đủ [45, 382].

Nhà nho (1943) là sự tiếp tục và liền mạch với Bút nghiên. Tác phẩm này khắc họa cuộc đời, cốt cách của nhà nho thành đạt Nguyễn Đức Tâm qua quá trình học hành, thi cử, thành đạt, xuất xử trong xã hội phong kiến vào thời thịnh trị. Trong tác phẩm ta thấy hiện lên một bức tranh sinh hoạt, ứng xử, giao tiếp, thù tạc văn chương và các nghi lễ của xã hội nho giáo được tái hiện với tinh thần hoài cổ. Nói về mặt tiểu thuyết, các nhà nghiên cứu đánh giá Nhà nho

không bằng Bút nghiên.

Thực ra khi viết về quá khứ khoa cử, tâm trạng hoài cổ không chỉ có ở Chu Thiên mà còn thấy ở một số nhà văn khác. Trước hoàn cảnh xã hội xuất hiện những ông Tây An nam, tầng lớp trí thức đang hoang mang tìm lối thoát cho sự bế tắc, ngột ngạt, việc quay trở về với những nét đẹp xưa cũng là một

cách phản ứng lại xã hội ô trọc lúc bấy giờ. Với Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đưa người đọc trở về quá khứ chưa xa của dân tộc. Nói đến sáng tác này, người ta thường đánh giá trên phương diện cái đẹp của một thời vang bóng. Còn trong luận văn này, chúng tôi nhìn tác phẩm dưới góc độ của sự biểu hiện của văn hóa khoa cử. Nhân vật trung tâm trong Vang bóng một thời

chủ yếu là những nhà nho, những cụ Cử, cụ Ấm, cô Tú, cụ kép, cụ Nghè Móm,... Họ đã từng được đào tạo qua khoa cử nên thấm nhuần đạo lí ở đời, giữ trọn khí tiết thanh cao, có cách ứng xử đẹp và sống trọng đạo nghĩa. Chúng ta không nên phê phán Nguyễn Tuân quay về nhấm nháp những cái đẹp trong quá khứ. Tác phẩm của ông đậm tính cách dân tộc, truyền cho ta thêm tình yêu, niềm tự hào về những giá trị cổ truyền của dân tộc. Cùng với

Nho giáo của Trần Trọng Kim, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân và Lều chõng của Ngô Tất Tố từng đoạt giải thưởng của Hội Alecxandre de Rhodes, một hội nghiên cứu có khuynh hướng khuyến khích phục cổ.

Cùng một đề tài nhưng Thanh đạm (1942) của Nguyễn Công Hoan lại nêu gương sáng của quan lại Nho học ngày xưa nhằm đả kích quan trường xấu xa hiện tại. Nếu như trong các sáng tác trước đây của Nguyễn Công Hoan, tầng lớp quan lại luôn là đối tượng để ông đả kích, châm biếm thì trong

Thanh đạm, quan lại phong kiến được thần thánh hóa với tất cả niềm ngưỡng mộ, tôn kính. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là quan huyện Lê Sĩ Cư quê ở làng Nhân Hậu, vùng Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ năm ba mươi hai tuổi. Ông là một người vừa có tài vừa có đức. Đối với việc xã hội, ông làm việc tận tâm, vì nhân dân. Trong gia đình, ông là một người con rất mực hiếu thảo, người chồng, người cha thương yêu vợ con. Với Thanh đạm, Nguyễn Công Hoan đã lí tưởng hóa tầng lớp quan lại phong kiến. Không chỉ hết lòng ca ngợi viên tri huyện mà trong tác phẩm này, ta thấy từ vua đến quan, những quan Tuần, quan Huấn, quan Huyện Phượng Nhỡn, quan Bảng,... đều là những người có tài, có đức. Đồng thời nhà văn cũng muốn trình bày một số nét sinh hoạt trong

nhà quan, quan hệ giữa quan và dân mà thời đó người ta không có dịp nhìn thấy nữa. Viết cuốn này, Nguyễn Công Hoan vô tình sa vào khuynh hướng phục cổ của thực dân Pháp lúc đó và bộc lộ tư tưởng bảo thủ, tiêu cực, cải lương mang màu sắc phong kiến. Tác phẩm vừa mới ra đời đã bị dư luận tiến bộ phản đối kịch liệt và bị một tờ báo bí mật của Đảng phê bình. Nguyễn Công Hoan lúc đó cho rằng mình bị bạn đọc hiểu lầm. Vụ án Thanh đạm phải đến năm 1953, trong cuộc chỉnh huấn, tác giả mới giải quyết được. Trong Đời viết văn của tôi, ông viết: “Thì ra sở dĩ tôi hậm hực hơn mười năm nay là dư luận hiểu lầm về tôi, vì tôi đã hiểu lầm về phong kiến. Viết Thanh đạm, tôi đã đứng trên lập trường của gia đình tôi là gia đình quan lại lỗi thời bị lép vế, mà hằn học, mà căm thù bọn quan lại ôm chân đế quốc để được giàu sang sung sướng trên xương máu đồng bào. Thật ra thì quan lại, dù thanh đạm hay ô trọc, cũng ở trong chế độ phong kiến thối nát, đáng lật đổ, không xót thương,, không luyến tiếc” [58, 97-98]. Sau Thanh đạm, ông viết tiếp Danh tiết, Nghịch cảnh cũng theo khuynh hướng đề cao đạo đức nho phong, coi thường, khinh bỉ những cái gì trái với luân thường, đạo lí.

Nhìn lại văn hóa khoa cử thời trung đại qua các sáng tác văn xuôi tự sự 1930 - 1945, ta thấy mỗi nhà văn có một cách tiếp cận cũng như cách thể hiện riêng làm nên tính đa dạng, phong phú cho đề tài. Nếu với Lều chõng, Trong rừng nho, Ngô Tất Tố hướng về những cái “kì quái” của chế độ giáo dục phong kiến để phản ánh, bóc trần bản chất lạc hậu, mục nát của khoa cử xưa với thái độ phê phán triệt để thì Bút nghiên, Nhà nho của Chu Thiên, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân và Thanh đạm của Nguyễn Công Hoan là những sáng tác nặng tính chất “phục cổ”. Tuy nhiên, đằng sau mỗi tác phẩm, người đọc đều cảm nhận được tinh thần dân tộc cũng như thái độ phản kháng đối với thực tại của các nhà văn.

Chương 2

NHỮNG GÓC ĐỘ TIẾP CẬN VĂN HÓA KHOA CỬ THỜI TRUNG ĐẠI TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ 1930 - 1945

Văn hóa khoa cử thời trung đại là một mảng đề tài góp phần làm phong phú nền văn hóa của dân tộc. Có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau về đề tài này. Nếu xét từ góc độ chủ thể tiếp cận, ta có:

Góc độ tiếp cận của một người bảo thủ, một hủ nho. Góc độ tiếp cận của một trí thức Tây học.

Góc độ tiếp cận của một nhà khảo cứu lịch sử,...

Bên cạnh góc độ tiếp cận chúng tôi nói trên còn có một tiêu chí tiếp cận khác. Xét ở mục tiêu tiếp cận, ta có các góc độ tiếp cận:

Xem văn hóa khoa cử như một truyền thống tốt đẹp phải giữ gìn. Nhìn văn hóa khoa cử như một hệ thống lỗi thời.

Tiếp cận văn hóa khoa cử để chuyển vị cảm giác thẩm mỹ

Trong luận văn này, chúng tôi xem xét văn hóa khoa cử ở tiêu chí mục tiêu tiếp cận.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w