7. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Phê phán tâm lý háo danh
Đi học, thi đỗ, làm quan, đó là con đường tiến thân của kẻ sĩ ngày xưa. Cả xã hội từ Hoàng đế cho đến thần dân đều sống bằng danh vị như vậy nên con người mới hiếu học và khổ học để mong có ngày thành danh. Cũng vì thói bảo vệ danh vị, bảo vệ uy tín đã khiến cho bao người phải dở cười, dở mếu, họ dành nó bằng đủ thủ đoạn, kể cả con đường mua quan bán tước và cả bằng những thủ đoạn côn đồ. Các sáng tác về phong tục thi cử phong kiến đã phê phán tâm lí háo danh của người Việt bằng một thái độ không thương xót.
Nói đến chuyện danh vị, trong kho tàng văn học dân gian xứ Nghệ có nhiều câu ca, nhiều mẩu chuyện về những “ông nghè, ông cống sống bởi ngọn khoai, anh học, anh nho nhai hoài lộc đỗ” nhưng niềm khát vọng vươn lên khoa bảng của họ rất mãnh liệt. Cuộc sống dù khó khăn, đi học, đi thì phải cơm đùm cơm nắm với “cá gỗ” nhưng họ vẫn cố sôi kinh nấu sử mong ngày vinh hiển. Cái niềm mong mỏi đó còn thể hiện rất rõ trong tác phẩm Bút nghiên, Lều chõng.
Bút nghiên của Chu Thiên viết về quãng đời học hành, thi cử của cậu bé Tâm. Sau khi học trường thầy đồ trong làng, Tâm được theo học trường thầy đồ Tri, cậu Tâm và cuối cùng là trường quan Nghè Phạm Xá, từ tiểu học, trung học rồi đại học. Ở truyện này, người đọc bắt gặp nhiều lần những lời khuyên bảo, động viên của người lớn đối với Tâm. Ông đồ Tri sau khi kiểm tra sơ kiến thức, đã có lời khuyên cháu: “Mọi bậc là mọi nghề, như làm ruộng, thợ mộc, thợ rèn, thợ sơn, cho chí người dệt vải, người đi cày, đều thấp kém cả. Chỉ có người đọc sách là cao quý. Đọc sách tức là đi học. Đi học biết chữ, đi thi đỗ làm quan, áo xanh áo đỏ, mũ cao áo dài, võng lọng vua ban, thật là
sung sướng danh giá hơn người... Mãn triều chu tử quý, tận thi độc thư nhân. Đầy triều những vị quan áo đỏ áo tím, đều là những người chịu đọc sách cả. Đấy cháu hiểu chưa. Đi học được quý trọng như vậy, cháu có thích học không?” [62, 46]. Lời khuyên này chứng tỏ cái tâm lí thích làm quan, trọng chức tước của người Việt Nam. Sau khi tiễn Tâm đi học ở nhà cậu, ở một làng bên, mọi người ai nấy cho Tâm tiền, khuyên cậu “cố chăm học cho giỏi”. Ông bác Tâm cũng xoa đầu cháu, nói: “Con cố theo ông đi học, đỗ lấy cái cử nhân về ăn thủ lợn làng này, con ạ! Học giỏi về bác thưởng nhé” [62, 49].
Cái mộng khoa danh đã ăn sâu vào cách nghĩ của người dân, ngay từ những đứa bé mười tuổi như Tâm. Sau bốn năm học hành, nhờ thấu tỏ những điều ở sách vở, Tâm không sợ học nữa. “Cái đời học trò, Tâm chưa ham thích cho lắm, nhưng Tâm mong mỏi được như những ông Trạng đời xưa: Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Trực, mà ông đồ thường kể lại trong lúc chiều tối nhá nhem. Ở trong lòng cậu bé mười tuổi đã bắt đầu nảy mầm cái sự ham muốn vinh quang” [62, 73]. Đến khi dự thi Hương, nhìn thấy cảnh các quan sang Văn Miếu tiến trường oai nghiêm và long trọng, trong lòng chàng trai trẻ Nguyễn Đức Tâm tự nhiên “mộng tưởng ngày sau mình cũng sẽ thành một vị quan ngồi trong cái võng tiến trường kia”. Tâm hiểu rõ câu “nhất tự cách trùng” (nghĩa là hôm nay còn là anh học trò, ngày mai có tên đỗ đã là một người sang trọng cách biệt người thường). Tâm ra sức học hành ngày đêm và đã đỗ Đầu xứ một kì thi Hạch, đỗ thủ khoa thi Hương khoa Canh Ngọ và đến năm hai mươi ba tuổi, thi đỗ Hoàng Giáp, làm rạng danh gia đình, họ tộc. Ngay cả khi chưa đỗ ông Nghè, cái tiếng tăm học giỏi của Tâm đã được mọi người, nhất là các cô gái làng trên xóm dưới quan tâm. Đi đến đâu, các cô cũng hát trêu Tâm:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng răng đen! Chẳng tham ruộng cả, ao liền
Tham về cái bút cái nghiên anh đồ! Hỡi anh đồ ơi! [62, 169].
Cái mong ước cháy bỏng của các cô gái ấy không chỉ thể hiện trong những suy nghĩ, những câu hát mà còn biểu hiện ở hành động. Cứ mỗi lần xướng danh khoa thi, các cô gái con nhà giàu thường ra nghe ai đỗ ông đồ, ông cống để rồi đánh tiếng kén chồng. Còn đối với các bậc nam nhi ngày trước, “cái công danh là cái nợ nần” (Nguyễn Công Trứ). “Tiến vi quan, đạt vi sư”, đó là cách nghĩ, cách hiểu của cả cộng đồng xã hội. Vả lại, đối với những người đỗ đạt, Nhà nước có những chính sách đãi ngộ rất hậu, điều đó càng tạo nên nguồn động viên, khuyến khích kẻ sĩ tham gia khoa cử. Bởi thế trong dân gian thường truyền nhau những câu như chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. Đỗ đến ông nghè thì “hàng huyện làm cổng, hàng tổng làm nhà” là điều có thật. Nho sĩ càng học giỏi, đậu cao thì không chỉ được ân sủng vua ban mà còn được danh thơm cho gia đình, dòng họ, quê hương và được đón rước linh đình, được ngồi chiếu trên,... Cảnh tượng đón rước quan nghè ngày nay không còn nữa nhưng đọc lại Lều chõng, Bút nghiên, ta như được sống trong không khí rộn ràng, linh đình, tấp nập của những nghi lễ trang trọng ấy. Hơn nữa, khi xem lại những bức ảnh tư liệu quý về cảnh vinh quy “có một không hai” mà Tiến sĩ Nguyễn Thị Chân Quỳnh sưu tầm được của một nhà nhiếp ảnh Pháp từ những kèn trống, phu khiên cờ lọng, quạt lông công, ảnh dân hàng tổng hàng huyện bày hương án đón rước, rồi ảnh khách đến chúc mừng, đám rước,... ta càng hiểu hơn “cái giá khoa danh”.
Đúng là “một người làm quan cả họ được nhờ”. Những hình ảnh “bảng hổ đề danh” (bảng yết tên người đỗ cử nhân), bảng vàng (bảng yết tên người đỗ tiến sĩ) dành cho lớp nho sĩ in đậm trong tiềm thức của người dân. Do vậy mà cứ mỗi khoa thi, sĩ tử kéo về rất đông. Trong Lều chõng, Ngô Tất Tố đã miêu tả đám học trò đi thi đủ các bộ dạng, đến những ông già bảy mươi, tám
mươi tuổi rồi mà vẫn cố chen chân vào trường thi. Họ lao vào khoa cử cũng chỉ vì muốn “vinh thân phì gia” chứ không phải vì động cơ nào khác. Đến như Vân Hạc, một người không ham công danh vẫn phải đi thi nhiều lần vì chiều lòng vợ. Tác giả tô đậm cái mộng công danh của cô Ngọc, vợ Vân Hạc. Cô đã ngất giữa đường hôm rước quan nghè vinh quy bái tổ vì tiếc cái danh ông nghè của Trần Đằng Long, người đáng ra là chồng cô. Khi đã là vợ của Vân Hạc, cái mộng được làm bà nghè, bà thám vẫn đeo đẳng cô. Cô không quản vất vả sớm khuya dệt vải nuôi chồng ăn học.
Cô Ngọc cũng đã có những phút giây sung sướng khi Vân Hạc đỗ thủ khoa thi Hương lần thứ hai. “Lúc ấy cô Ngọc như được trẻ thêm mấy tuổi. Nhất là cái hôm được thấy dân làng Đào Nguyên cờ trống đi rước Vân Hạc từ cổng phủ về cổng nhà, bụng cô chẳng khác gì những lá cờ phấp phới tung trước ngọn gió. Rồi lúc nghe tiếng người ta gọi chồng là ông Thủ khoa, gan ruột cô lại càng nở như bỏng rang. Sau đó, trong những tiệc khao hai làng Đào Nguyên, Vân Trình, nào bò, nào lợn, nào rượu gạo, tất cả hết đến gần năm trăm quan, dấn vốn của cô bị hụt đi già nửa. Chẳng những cô không nửa lời kêu tốn, trái lại còn cho rằng mình có tốt phúc mới được tốn kém như thế. Vì thế, người cô lúc nào cũng tươi như bông hoa hồng mới nở, trước đẹp tám phần, bây giờ đẹp lên mười phần” [68, 279].
Đọc những dòng miêu tả tâm lí khá sinh động của cô Ngọc, ta càng hiểu hơn tính cách người phụ nữ này. Hình ảnh cô Ngọc có nét gần gũi với nàng Lê Nương trong tiểu thuyết Nho phong của Nhất Linh. Là con gái một ông phủ hưu trí sống trong cảnh thanh bần, về nhà chồng, nàng vất vả phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi chồng, nuôi con trong hơn mười năm mà Dương Văn, chồng nàng vẫn không đỗ đạt, vẫn chỉ là một ông đồ. Đến kì thi tới, mặc dù ốm nặng, Lê Nương vẫn động viên chồng lều chõng lên đường đi thi. Trên giường bệnh, được tin Dương Văn đỗ Thủ khoa, cô sung sướng đến ngất đi, vì lòng mong mỏi bao nhiêu năm đã được thỏa nguyện.
Trở lại với Lều chõng, niềm vui sướng của cô Ngọc chẳng được bao lâu, khi hay tin chồng mình đi thi Đình bị giam lỏng ở Huế hai ngày (vì tội phạm húy). Cô đã tỉnh mộng và nói với chồng: “suýt nữa đã làm cho chồng tôi chết oan!”. Viết tác phẩm Lều chõng, Trong rừng nho, Ngô Tất Tố đã phê phán triệt để thói háo danh của người Việt. Những sĩ tử trong các tiểu thuyết này lao vào khoa cử cũng chỉ vì cái bả công danh có sức mê hoặc lòng người. Bằng cái nhìn mỉa mai, khinh bỉ của nhà văn, họ chẳng khác nào những vai hề trong các vở tuồng cổ. Ta hãy xem nhà văn miêu tả chân dung người đỗ: “Lúc nãy có một ông cử lạ quá. Người lính xướng danh vừa bắc loa gọi, ông ta liền nắm hai tay đấm vào cái nón sơn úp ngực, rồi nhảy như con choi choi và reo một thôi “sỏ lợn về ai”. Lúc đầu ai cũng tưởng là người điên. Về sau có người nhắc rằng: “Sao không dạ đi”, ông ta mới dạ một tiếng rất lớn, bấy giờ hàng xứ mới biết đó là ông cử” [68, 272].
Nhà văn còn giễu người thi đỗ ở Trong rừng nho. Nguyễn Cao Đệ ở rể nhà vợ, thi mãi không đỗ nên bố mẹ vợ khinh thường. Đến khi đỗ Hương cống, ông bà lại mang võng lọng ra tận cửa trường đón về. Cao Đệ sướng quá hóa điên “trời rét thế này mà lại cởi trần trùng trục lăn hết các vũng trâu đằm”. Miệng hắn cứ lảm nhảm “Ý a! ta đỗ rồi. Ý a! ta đỗ rồi!”. Cả nhà Cao Đệ cuống quýt tìm thầy bói, thầy cúng để giải điên cho hắn nhưng không được. Họ phải nhờ Xuân Hương cứu giúp. Nàng đã giải điên cho hắn bằng một cái tát và nói rằng: “Anh đỗ bao giờ mà chỉ nói láo ! Sức học như anh đỗ làm sao được! Chẳng tin, các người thử điệu anh ấy xuống dưới trường thi coi bảng, thử xem có đỗ hay không?” [67, 141]. Nửa giờ sau, Cao Đệ tỉnh lại và khỏi điên. Chân dung người đỗ hiện lên qua ngòi bút châm biếm sắc sảo của Ngô Tất Tố thật bi hài, thật đớn hèn, đúng như cái cười thầm của nữ sĩ họ Hồ: “Mới đậu Hương cống đã đến phát điên! Người đâu mà khí cục hèn thế!” [67, 129].
Người đỗ thì như thế, còn kẻ hỏng thi thì sao? Ở cuốn Lều chõng và
Trong rừng nho, nhà văn đã vẽ nên bức biếm họa về đám trí thức nham nhở. Họ uống rượu say bét nhè, vừa đi vừa luôn mồm chửi quan trường, những người làm cho họ bị hỏng. “Chán chửi quan trường, họ lại chửi trời, chửi đất, chửi các vị thần thánh, chửi đến những người đứng xem ở chung quanh...” [67, 124].
Tất cả cũng chỉ vì háo danh mà mới sinh ra những bi kịch ấy. Họ so kè, dè bỉu nhau cũng vì “hơn nhau một tiếng công hầu”. Là người sáng suốt nhận ra sự lỗi thời của hủ nho, Ngô Tất Tố đã không ngần ngại vạch trần những cái xấu xa, thấp hèn của một bộ phận trí thức nhà nho phong kiến. Bằng ngòi bút chiến đấu sắc sảo, ông đã lên tiếng phê phán tâm lí chuộng danh vọng khoa cử của người dân. Chính nó đã lôi kéo con người vào giấc mộng hão huyền.