7. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Đan xen giữa ngôn ngữ của bản thân sự kiện và ngôn ngữ
đánh giá sự kiện
Ngôn ngữ của bản thân sự kiện hiểu theo nghĩa rộng là ngôn ngữ mô tả sự vật với các đặc điểm của nó, sử dụng vốn từ thích hợp với sự mô tả ấy. Bên cạnh ngôn ngữ của bản thân sự kiện còn có ngôn ngữ đánh giá sự kiện. Nghĩa là ẩn đằng sau lớp vỏ ngôn ngữ ấy, người đọc còn nhận ra điều tác giả muốn nói cũng như thái độ của người viết về sự kiện được nói tới trong văn
bản. Với các tác phẩm về khoa cử, ta thấy có sự đan xen giữa ngôn ngữ của bản thân sự kiện và ngôn ngữ đánh giá sự kiện.
Bên cạnh việc liệt kê, phân loại một số lớp từ cổ chúng tôi đã trình bày ở phần trên còn có ngôn ngữ đánh giá sự kiện ở đằng sau nó. Đây là một đoạn trong bức thư khá dài của Trần Đằng Long viết cho Vân Hạc:
“Anh Tư Đào Nguyên, trước án tạm ghé mắt xanh.
Đệ về quê nhà đã gần nửa tháng. Vì quá bận rộn về chuyện thù tiếp khách khứa, cho nên nay mới báo tin với huynh ông.
Tính lại những ngày đệ với huynh ông xa cách, thấm thoắt đã đầy một năm. Trong mấy tháng tập việc ở viện Cát Sĩ, cái xuân sắc của đế thành tuy có rườm rà, tươi thắm, nó vẫn không thể khiến đệ quên được cảnh vui của nơi cửa tuyết, song huỳnh, những đêm gió mát trăng trong, đứng bên sông Hương ngó về phương Bắc, ngắm đám mây bạc lơ lửng trên núi Tản Viên, đệ thường tưởng như tiếng cười, sắc mặt của huynh ông vẫn phảng phất ở đâu bên cạnh...” [68, 156].
Đọc đoạn thư trên, chúng ta nhận ra cái lối viết khoa trương, sách vở của những kẻ sĩ như Nghè Long (điều này ta còn thấy ở trường hợp Khắc Mẫn). Với lối học hành theo cổ nhân, học thuộc lòng những lời lẽ Thánh hiền theo kiểu sách vở, sáo mòn thì cách viết thư của Trần Đằng Long không có gì làm độc giả ngạc nhiên. Đằng sau cách xưng hô với bạn (đệ - huynh ông), cách viết sáo rỗng với mục đích làm đẹp câu văn (đứng ở sông Hương mà ngắm đám mây bạc ở núi Tản Viên quê bạn) còn chứa đựng nụ cười mỉa mai của nhà văn đối với những con người đứng ở rường cột nước nhà.
Cái ấn tượng rõ nhất khi tiếp xúc với Bút nghiên, Nhà nho, Lều chõng là lối xưng hô kiểu cách được dùng với liều lượng rất nhiều. Chẳng hạn bạn bè xưng hô với nhau bằng những từ như: huynh, huynh ông, đệ, chư huynh, đại huynh, tôn huynh; người học vị thấp nói với người học vị cao hơn bằng
những từ như: vãn sinh, bỉ phu, hạt dân, tiên sinh, thần đẳng, thần, hạ ti; cách xưng hô theo danh vị khoa cử như đã trình bày ở trên. Rồi trước khi nói với người lớn tuổi có danh vị, người ta thường “thưa, bẩm, lạy” kèm theo lối xưng hô nhún nhường. Nhà văn đã phục dựng sinh động đối tượng miêu tả trong truyện qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động,.... Tuy nhiên, ta thấy các nhân vật sử dụng ngôn ngữ này quá nhiêu khê, lặp lại nhiều trong lời nói. Bản thân ngôn ngữ đã có giá trị biểu hiện. Nhà văn đã mô tả sự khách sáo, kiểu cách trong lời xưng hô giúp người đọc nhận ra một điều: con người trong xã hội phong kiến luôn bị áp đặt trong những khuôn phép, cái cá tính, cái tôi cá nhân bị chìm lấp đi sau những “thi, thư, lễ, nhạc”. Đó là con người bổn phận, con người an phận.