Về phương diện ngôn ngữ, thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” biểu hiện trong ngôn ngữ châu Âu khác nhau. Người Đức gọi nhà nước pháp quyền là “Rechtstaat”, trong khi đó, người Pháp gọi nhà nước pháp quyền là “Etat de droit”, người Anh lại dùng cụm từ “The rule of law” để chỉ nhà nước pháp quyền. Tuy dùng những cụm từ khác nhau để chỉ thuật ngữ nhà nước pháp quyền, song nội hàm của khái niệm này ở các nước châu Âu được hiểu khá thống nhất đó là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.
Về mặt lý luận, sau thời Phục hưng, do nhu cầu phải xây dựng một bộ máy nhà nước mới, khác hẳn với nhà nước quân chủ chuyên chế phong kiến, học thuyết về nhà nước pháp quyền tư sản đã từng bước hình thành. Đó là sự phục hồi, kế thừa các giá trị tư tưởng về nhà nước pháp quyền thời Cổ đại và nâng các giá trị đó lên tầm cao mới phù hợp với nhu cầu của lịch sử. Trong tác phẩm “Leviathan” (Thủy quái), Thomas Hobbes (1588 - 1679) cho rằng, ước muốn bảo tồn sự sống dẫn con người tới việc thiết lập các quy tắc ứng xử, các quy tắc này được Hobbes gọi bằng một thuật ngữ khoa học pháp lý là jus natural (quyền tự nhiên). Quyền tự nhiên hay tự do của con người là những quyền mà con người được hưởng một cách đương nhiên, không phụ thuộc vào bất kỳ chế độ chính trị nào. Tiếp theo tư tưởng của Hobbes, Locke (1632-1704) trong tác phẩm “Khảo lược thứ hai về chính quyền” đã căn cứ vào tính chất, cách thức lập pháp để xác định các kiểu và các hình thức chính quyền nhà nước. Ông cho rằng, trong lịch sử giai đoạn tiền tư bản, chính quyền nhà nước tồn tại dưới những dạng: 1) Nền
đương nhiên có ở họ, và đa số đó có thể thường xuyên sử dụng tất cả quyền lực này trong việc làm ra luật cho cộng đồng và thực thi các luật đó bằng các quan chức do chính họ bổ nhiệm. 2) Chính thể đầu sỏ, khi quyền làm luật đặt vào tay một số người chọn lọc và những người thừa kế hay kế vị của số này. 3) Chính thể
quân chủ - nếu quyền lập pháp đặt vào tay một người. Theo ông, những chính thể
này do mất dân chủ nên đã sụp đổ nhanh chóng trong lịch sử để thay thế bằng chính thể dân chủ tư sản xây dựng theo phương châm nền tảng lấy luật pháp làm phương tiện điều chỉnh và quản lý xã hội.
Tiếp thu tư tưởng của Locke, Montesquiue (1689-1755) nghiên cứu về quyền tự nhiên con người và các tổ chức chính trị - xã hội bằng phương pháp so sánh, đối chiếu với các thiết chế chính trị, pháp luật Roma, từ đó ông có cơ sở thực tiễn để viết cuốn “Tinh thần pháp luật”, mà chủ đề cơ bản là lý thuyết phân chia quyền lực, theo đó thì quyền lập pháp giao cho nghị viện, quyền hành pháp giao cho chính phủ, quyền tư pháp giao cho toà án. Sơ đồ phân quyền này không chấp nhận việc một cơ quan nhà nước đứng trên hoặc nắm trọn vẹn cả ba quyền, không một cơ quan nào được vượt lên những cơ quan khác và có thể tước đoạt quyền cá nhân của công dân. Sự phân quyền là nhằm dùng một quyền lực này để kiểm soát và kiềm chế một quyền lực khác. Tư tưởng của Montesquieu đã trở thành một trong những nội dung cơ bản thuyết tam quyền phân lập trong nhà nước pháp quyền tư sản truyền thống và hiện đại.
J.J Rousseau (1712-1788) đã bổ sung học thuyết về nhà nước pháp quyền tư sản những quan điểm lý luận mới và sâu sắc hơn. Theo Rousseau, con người ai cũng có những ý chí và lợi ích riêng, nhưng để tồn tại thì họ phải có tư tưởng đồng thuận, tức là phải dẹp bỏ đôi phần những lợi ích riêng để thống nhất thành lợi chung trên những nét cơ bản, gọi đó là “ý chí chung”, ý chí đó phải được thỏa thuận trong một văn bản gọi là “Khế ước xã hội”. Nói cách khác, để cho xã hội tồn tại và phát triển, mọi công dân thực hiện một bản cam kết hay khế ước (contrat) uỷ quyền cho các đại biểu trong bộ máy nhà nước. Và khi nhà nước đang hiện hành vi phạm "khế ước xã hội" như đã thoả thuận thì nhân dân có
quyền thay thế bằng nhà nước mới.
Như vậy, có thể nói, thuật ngữ “nhà nước pháp quyền”, về cơ bản được hình thành vào thời Khai sáng. Hai tác phẩm đặt nền móng tư tưởng nhà nước pháp quyền là “Tinh thần pháp luật” của Montesquiue và “Khế ước xã hội” của Rousseau, trong đó các tác giả đã đề cao quyền công dân và vai trò pháp luật, coi pháp luật như phương tiện quản lý xã hội. Thuật ngữ nhà nước pháp quyền được ba nhà tư tưởng là Carl Theodor Welcker (1790-1869), Johann Christopher Freiher (1772-1824) và Robert von Mohl (1799-1875) chính thức vận dụng vào thực tế nước Đức đầu thế kỷ XIX với nghĩa nhà nước coi trọng tính tối cao của pháp luật, không ai có quyền đứng trên, đứng ngoài vòng pháp luật.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nêu ra tại Hội nghị tư pháp toàn quốc năm 1989: “Hiện nay trên thế giới đang trở lại khái niệm nhà nước pháp quyền mà nội dung quan trọng của nó là thừa nhận sự thống trị của pháp luật đối với xã hội. Ở nước ta, có dùng khái niệm đó hay không thì tuỳ, các nhà khoa học nên nghiên cứu” [90, 83]. Tiếp sau đó, tại Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa VII (1991), khái niệm nhà nước pháp quyền một lần nữa được Đỗ Mười đề cập đến. Vậy nhà nước pháp quyền là gì? Theo cách hiểu của các nhà lý luận Việt Nam, nhà nước pháp quyền có những đặc trưng cơ bản nào?
Trong cuốn “Từ điển xã hội học” do Nguyễn Khắc Viện chủ biên viết: “Nhà nước pháp quyền xây dựng trên cơ sở dân chủ, đối lập với nhà nước độc tài, chuyên chế toàn trị….Nhà nước pháp quyền không đồng nghĩa với nhà nước cai trị bằng pháp luật….Nhà nước pháp quyền xây dựng trên cơ sở “xã hội công dân”... pháp luật là thước đo của tự do.” [91, 135]. Đây là cách hiểu bao quát, dễ hiểu về khái niệm nhà nước pháp quyền. Quan niệm này đem đối lập nhà nước pháp quyền với nhà nước độc tài, chuyên chế toàn trị mà điển hình là nhà nước chiếm hữu nô lệ và nhà nước phong kiến, một kiểu nhà nước mà quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều nằm trong tay một hoặc một nhóm người. Tuy nhiên, cách hiểu này còn nặng về phương diện xã hội học mà chưa quan tâm đến
phương diện luật học, trong đó nhấn mạnh hai điểm cơ bản là đảm bảo dân chủ và tự do mà chưa phản ánh được tính tối thượng của pháp luật và vai trò quản lý xã hội bằng pháp luật.
Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề nhà nước pháp quyền thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lý luận. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm nhà nước pháp quyền.
GS.VS. Nguyễn Duy Quý cho rằng, một nhà nước được công nhận là nhà nước pháp quyền khi đạt các tiêu chí: 1.Tôn trọng tính tối cao của luật; 2. Lập pháp, hành pháp, tư pháp phân định rõ rệt nhằm kiểm soát, kiềm chế nhau; 3. Bảo đảm quyền công dân; 4. Thực hiện các cam kết quốc tế.
Nhóm tác giả công trình KX.04.01 đưa ra quan điểm “Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước. Đó là một nhà nước tồn tại, phát triển và vận hành trong môi trường pháp luật, coi pháp luật là tối thượng” [64, 89].
GS.TSKH. Đào Trí Úc viết trong cuốn Mô hình tổ chức và hoạt động của
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Nhà nước pháp quyền là một
khái niệm có thể được hiểu ở hai mức độ, với tính cách là học thuyết, là tư tưởng và với tính cách là thực tiễn tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, thực thi dân chủ.... Chủ điểm của các tư tưởng, quan niệm, quan điểm về nhà nước pháp quyền đều là vấn đề giá trị của pháp luật được thừa nhận đến đâu trong xã hội” [86, 33-34]. Ở đây, tác giả đã nêu ra việc phân định hai cấp độ lý luận và thực tiễn trong quan niệm về nhà nước pháp quyền, trong đó nhấn mạnh khía cạnh giá trị xã hội của pháp luật, tức bản chất của nhà nước pháp quyền được quy định bởi nội dung của hệ thống pháp luật mà trên đó nó được xây dựng.
Trong bài Tính tất yếu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, GS.TS. Trần Hữu Tiến cho rằng, nhà nước pháp quyền “là nhà nước cai trị
và quản lý xã hội bằng pháp luật, nhà nước được tổ chức trên cơ sở pháp luật và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật”. Theo quan niệm này, có ba lĩnh vực lớn quy định một nhà nước là nhà nước pháp quyền là: 1) Nhà nước quản lý xã hội
bằng pháp luật. 2) Nhà nước được tổ chức theo mô hình pháp định. 3) Nhà nước chỉ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Trên cơ sở kế thừa tư tưởng các học giả trong và ngoài nước nhóm tác giả Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Sĩ Dũng, Bùi Ngọc Sơn trong cuốn Quốc hội Việt
Nam trong nhà nước pháp quyền đã đưa ra nhận định: “Nhà nước pháp quyền chỉ
là một xã hội được tổ chức và vận hành trên cơ sở các quyền tự nhiên, mọi chủ thể trong đó có cả nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật….Nhà nước pháp quyền là một hình thức nhà nước được phân tích trong mối tương quan giữa nhà nước và pháp luật” [8, 26,28].
Những nhận định trên tuy có những điểm khác biệt, song đều thống nhất ở điểm cho rằng, nhà nước pháp quyền là một hình thức nhà nước. Giá trị lịch sử của nhà nước pháp quyền là ở tính nhân văn, tôn trọng tự do và những quyền cơ bản của con người. Bản chất của nhà nước pháp quyền được quy định bởi hệ thống pháp luật và Hiến pháp.
GS. Đoàn Trọng Truyến viết trong cuốn Cải cách hành chính và công cuộc
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Nhà nước pháp
quyền là một nhà nước dân chủ, tự đặt mình dưới pháp luật, được xây dựng, tổ chức và hoạt động theo pháp luật và quản lý bằng pháp luật… là nhà nước thể hiện ý chí của nhân dân đề lên thành pháp luật…” [79,112]. Quan niệm này nói lên mối quan hệ giữa pháp quyền và pháp luật, coi pháp luật là cơ sở thiết lập những nguyên tắc cơ bản của pháp quyền và đến lượt mình, pháp quyền như là phương diện bảo đảm tính hiệu lực, sự nghiêm minh của pháp luật.
Nhóm nghiên cứu Đề tài KX.04.03 do Tạ Xuân Đại làm chủ nhiệm: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định: “Nhà nước pháp quyền là nhà
nước trong đó quan hệ giữa nhà nước và công dân là quan hệ bình đẳng về mặt pháp lý.… Nhà nước pháp quyền chính là những quyền tự do, dân chủ và nghĩa vụ của nhân dân được đề lên thành luật, và nhà nước chịu trách nhiệm trước nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền và nghĩa vụ ấy của công dân” [12, 98].
Tác giả bài Xây dựng Nhà nước pháp quyền và vấn đề dân chủ hoá xã hội ở
nước ta hiện nay, nhìn nhận nhà nước pháp quyền dưới góc độ là một nhà nước
đảm bảo nền dân chủ đầy đủ, trọn vẹn. Tác giả nhận định: “Nhà nước pháp quyền là công cụ để một giai cấp, cộng đồng, dân tộc thực hiện và bảo vệ dân chủ.... Dân chủ là điều kiện và động lực để xây dựng nhà nước pháp quyền. Đồng thời, nhà nước pháp quyền lại là cơ sở quan trọng để thực hiện và mở rộng nền dân chủ. Sản phẩm cao của nền dân chủ là nhà nước pháp quyền” [27, 38]. Theo tác giả, nội hàm khái niệm nhà nước pháp quyền bao gồm: “1) Toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. 2) Quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân lập tam quyền minh bạch. 3) Pháp luật được xây dựng trên nền tảng các quyền thiêng liêng của con người. 4) Con người là giá trị cao quý nhất và là mục tiêu cao nhất” [27, 39]. Đây là quan điểm mang tính tổng quan các quan điểm khác, trong đó nhấn mạnh tính dân chủ trong việc lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Như vậy, khi nhận định về nhà nước pháp quyền, mỗi học giả đều theo một phương pháp tiếp cận và có lập luận riêng, khai thác giá trị nhà nước pháp quyền theo những khía cạnh riêng. Có người nhấn mạnh khía cạnh vai trò tối thượng của pháp luật, người khác lại nhấn mạnh khía cạnh thượng tôn dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, có một đặc điểm chung là tất cả các quan điểm trên đều đề cao vai trò của pháp luật.
Theo chúng tôi, quan điểm của nhóm tác giả công trình KX.04.01 về nhà nước pháp quyền là phù hợp nhất. Theo họ, “nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước. Đó là một nhà nước tồn tại, phát triển và vận hành trong môi trường pháp luật, coi pháp luật là tối thượng” [64, 89]. Chúng tôi lấy đây làm khái niệm công cụ để nghiên cứu cho các chương tiếp theo của luận án. Vậy, theo quan niệm chung của các nhà nghiên cứu Việt Nam thì nhà nước pháp quyền có những đặc trưng như thế nào?