Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hộ

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 136 - 138)

Theo Nguyễn Văn Dân, hiện nay ở Việt Nam có hơn 2.000 hội và hiệp hội nghề nghiệp - điều này khẳng định sự phát triển nhanh chóng về số lượng các tổ chức đoàn thể quần chúng ở Việt Nam [7, 82].

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong đặc thù chính trị nhất nguyên, không chấp nhận tam quyền phân lập và chuyển đổi từ hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa lên nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như Việt Nam hiện nay, thì việc phát huy vai trò của các tổ chức và đoàn thể xã hội lại càng quan trọng. Bởi vì, không phải khi nào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cũng ngay từ đầu phù hợp. Thực tế thời gian qua cho thấy, có những chủ trương chính sách không hợp lòng dân, có những điều luật bất khả thi, nên các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng phải đứng ra tranh luận, phản biện và thậm chí ngăn chặn.

Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, để phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần được đổi mới theo hướng:

Đoàn kết tất cả mọi người thuộc các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam trong nước và Việt kiều xoá bỏ mọi định kiến giai cấp, định kiến xã hội, những mặc cảm chính trị, lấy lợi ích cơ bản “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” làm nền tảng phấn đấu chung của toàn xã hội. Mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc bằng các hình thức đa dạng hoá các hiệp hội, thích hợp với từng người, từng thành phần xã hội, từng địa phương, từng lứa tuổi và giới tính. Tăng cường hoạt động xã hội, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các thành viên của hội, chuyển hoá dần các tổ chức và hội thành những thành phần cơ bản của xã hội công dân. Tham gia tích cực việc giám sát xã hội, tích cực hoạt động trong lĩnh vực dư luận xã hội và phản biện xã hội.

Tăng cường hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ngoài Đảng và nhà nước là một trong những vấn đề cần nghiên cứu và ứng dụng hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu dân chủ hóa xã hội theo hướng xây dựng và đi đến hoàn thiện xã hội dân sự. Trần Thái Dương trong bài Suy nghĩ về hệ thống chính trị - xã hội ở Việt

Nam hiện nay cho rằng, trong thời đại ngày nay, khi xu hướng các tổ chức xã hội

- nghề nghiệp ngày càng phát triển thì khái niệm “hệ thống chính trị” trở nên chật hẹp, cần phải thay bằng khái niệm “hệ thống chính trị - xã hội”. Nếu vậy thì trong cấu trúc của hệ thống chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay cần có sự thay đổi theo hướng cơ cấu có sự tham gia của ba thiết chế: 1) Tổ chức chính trị, gồm Đảng Cộng Sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2) Tổ chức chính trị - xã hội, gồm Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. 3) Tổ chức xã hội, gồm các hiệp hội kinh tế, các hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác [Xem 11, 48].

Để khắc phục những đặc thù chính trị như đã nêu trên, trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, chúng ta phải không ngừng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là các hiệp hội kinh tế, các hội nghề nghiệp. Bởi vì, suy cho cùng thì kinh tế là yếu tố quyết định, còn chính trị và pháp luật không là gì khác như là sự phản ánh các quan hệ kinh tế xã hội được quy định bằng các văn bản pháp lý.

Tóm lại, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả, hoàn thiện lý luận nhà nước pháp quyền, thu hút các nhà khoa học tham gia lập pháp, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, là những giải pháp không chỉ có ý nghĩa lý luận mà có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong việc thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những giải pháp này vừa có tính tình thế cấp bách vừa là chiến lược lâu dài phù hợp với hoàn cảnh cụ thể Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 136 - 138)