không dựa theo nguyên tắc tam quyền phân lập
Ở Việt Nam, tập trung quyền lực được thừa nhận như một nguyên tắc tổ chức quyền lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa, nên không chấp nhận nguyên tắc tam quyền phân lập như trong nhà nước tư sản. Nhưng, bản chất của nguyên tắc tập trung quyền lực như thế nào, quyền lực tập trung vào ai và tập trung như thế nào thì chưa được làm rõ. Tính chung chung, trừu tượng của nguyên tắc này đã không tạo ra sự nhận thức nhất quán về mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, nên đã có ba cách hiểu khác nhau: 1) Quyền lực nhà nước tập trung vào Quốc hội. 2) Quyền lực nhà nước tập trung vào Chính phủ. 3) Quyền lực nhà nước tập trung vào nhân dân. Nhằm khắc phục sự lệch lạc trong nhận thức này, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa ra quan điểm "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp." [18, 131-132]
Tuy nhiên, quan điểm về tính thống nhất quyền lực, về sự phân công, phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhìn chung vẫn mang tính chính trị - pháp lý khái quát, trừu tượng, chung chung, mà chưa phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước. Nghĩa là, vấn đề lý luận đặt ra vẫn chưa thật sự được giải đáp: Tính thống nhất quyền lực nhà nước là gì? Sự phân công, phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cần được xác lập trong mối quan hệ quyền lực nào? Quyền uy phục tùng hay quan hệ đối tác bình đẳng giữa bộ ba cơ quan nhà nước này?
Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, chúng ta thấy, một mặt, do không có thiện cảm với nguyên tắc phân quyền trong tổ chức quyền lực nhà nước tư sản, nên đã dẫn chúng ta đến tình trạng: 1)Tìm sự khác biệt giữa bản chất nguyên tắc thống nhất quyền lực nhà nước, nhưng lại có sự phân công, phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với bản chất của nguyên tắc phân quyền (tam quyền phân lập). Nghĩa là dựng ra một hàng rào ngăn cách giữa lý luận phân quyền và tập quyền trong bộ máy nhà nước. 2) Không chấp nhận việc phân
quyền nhưng lại không làm rõ được sự khác nhau giữa phân công, phân nhiệm với phân quyền, việc kiểm tra, giám sát, phản biện, phủ nhận ý kiến của nhau, chế ước lẫn nhau của bộ ba cơ quan quyền lực nhà nước.
Mặt khác, sự phủ định một cách siêu hình nguyên tắc phân quyền trong
Nhà nước tư sản đã cản trở việc đi sâu nghiên cứu một cách cầu thị đối với nguyên tắc này. Do vậy, trong phân tích lý luận và tổ chức thực tiễn không tạo ra một cách thuyết phục sự khác nhau giữa phân công, phân nhiệm với phân quyền. Chính sự lúng túng về phương diện lý luận này đã làm cho nguyên tắc tập trung quyền lực nhà nước nhưng lại có sự phân công, phối hợp giữa ba quyền gặp rất nhiều khó khăn khi cụ thể hoá nội dung để tạo cơ sở pháp lý cho sự thiết kế mô hình bộ máy nhà nước. Do chưa làm rõ nội dung pháp lý của nguyên tắc này nên còn có sự nhận thức khác nhau. Đến nay, những ý kiến khác nhau này vẫn tồn tại mặc dù Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã quy định "Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân"(Điều 6). Nhìn chung, sự ngập ngừng, lúng túng và không rõ ràng về lý luận đã ảnh hưởng khá nặng nề đến việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước trong thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội.
Vấn đề tiếp theo là nguyên tắc tập trung dân chủ. Mặc dù đây là nguyên tắc
Hiến định trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nhưng trong nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn, chúng ta vẫn chưa đạt được một quan điểm cụ thể và nhất quán về nội dung của nguyên tắc này. Với tính cách là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động áp dụng cho cả tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, tập trung dân chủ không được xác định cụ thể về mức độ, phạm vi trong các lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Sự thiếu xác định về nội dung cụ thể của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước đã không phát huy được tinh thần của nguyên tắc này và làm giảm tính linh hoạt trong xử lý các quan hệ giữa tập trung và dân chủ, giữa tập trung và phân cấp, phân quyền đối với các cấp, các ngành từ Trung Ương tới địa phương.
Sự quy định thiếu cụ thể về mặt luật pháp đối với nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước không những làm mất đi điều kiện của từng loại hình cơ quan khi áp dụng nguyên tắc này mà còn tạo ra các nguy cơ quan liêu, cửa quyền, dân chủ vô chính phủ. Tình trạng này cần được chấn chỉnh, nhưng muốn chấn chỉnh cần có cơ sở pháp lý, nghĩa là phải xây dựng một thể chế nhà nước lấy pháp luật làm phương tiện quản lý.
Tổ chức và phân công quyền lực nhà nước là vấn đề mấu chốt trong bộ máy nhà nước. Nếu việc tổ chức và phân công quyền lực nhà nước đúng, phù hợp với
thực tiễn đời sống thì sẽ làm cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả, đảm bảo mọi quyền lợi cho công dân. Tổ chức và phân công quyền lực nhà nước luôn phụ thuộc vào bản chất của nhà nước, vào đặc thù kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội và các giai cấp, tầng lớp xã hội đang tồn tại trong xã hội. Mỗi kiểu nhà nước có cách tổ chức và phân công quyền lực khác nhau. Nhà nước chiếm hữu nô lệ và phong kiến tổ chức theo mô hình tập trung quyền lực vào tay một người, người đó chi phối bộ máy triều đình. Nhà nước tư sản về cơ bản tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập dựa trên nền tảng chính trị đa nguyên, có sự biện giữa các đảng phái.
Là quốc gia theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đến nay Nhà nước Việt Nam đã ban hành bốn bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959,
Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Cả bốn bản Hiến pháp đều bàn về vấn
đề quy định tổ chức và phân công quyền lực nhà nước. Sự phân công giữa các cơ quan nhà nước như quy định trong Hiến pháp nhằm bảo đảm cho mỗi cơ quan nhà nước thi hành có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giữa các cơ quan nhà nước có sự phối hợp, hỗ trợ nhau chứ không phải là sự phân chia mang tính siêu hình hay đối lập giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến và lập pháp, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Chính phủ là "cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Chính quyền địa phương bao gồm Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ba cấp, được xây dựng theo nguyên tắc do nhân dân địa phương bầu ra.
Tổ chức và hoạt động của Toà án và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã từng bước đổi mới, chế độ bầu thẩm phán trước đây đã được thay thế bằng chế độ bổ nhiệm thẩm phán. Trong hệ thống Toà án nhân dân đã thành lập thêm các tòa chuyên trách để đáp ứng sự phát triển chung của đất nước. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác thi hành pháp luật ở địa phương trước Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam, việc tổ chức và phân công quyền lực nhà nước theo nguyên tắc thống nhất đảm bảo được sự ổn định về chính trị, thống nhất quan điểm, mà ổn định chính trị là điều kiện quan trọng phát triển kinh tế.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không tuân thủ nguyên tắc tam quyền phân lập về mặt lý thuyết là một sáng tạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, vì đây là dặc trưng đánh dấu sự khác biệt cơ bản giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền tư sản. Song, về mặt thực tiễn thì việc làm này cũng gây khó khăn cho tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Bởi, như trên đã phân tích, nội hàm khái niệm “thống nhất quyền lực” còn chưa được xác định rõ ràng, một loạt các câu hỏi được đặt ra như: Giữa sự phân công và phân lập khác nhau về bản chất như thế nào? Cơ quan nào nắm quyền phân công bộ máy nhà nước? Thống nhất quyền lực là gì? Ai có quyền thống nhât? Thống nhất vào tay ai? Ai là người có quyền quyết định cuối cùng mọi việc quốc gia đại sự? Những việc gì cần có sự bàn bạc thống nhất, còn những việc gì thì các cơ quan chức năng có quyền tự quyết? Hàng loạt câu hỏi đại loại như vậy đang đặt ra, cần được lý giải dựa trên quan điểm khoa học chính trị và pháp lý.
Lý thuyết cấu trúc và chức năng cho rằng, mỗi bộ phận nằm trong hệ thống cấu trúc đều thực hiện những chức năng nhất định phù hợp với những cấu trúc của
nó trong hệ thống đó. Nhà nước là một hệ thống hay bộ máy có cấu trúc gồm ba bộ phận cơ bản là cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước có cấu trúc riêng và lẽ dĩ nhiên là phải thực hiện những chức năng đặc thù của nó. Cơ quan này không thể làm thay việc cho cơ quan khác. Do vậy, giải quyết mối quan hệ trong việc thống nhất quyền lực giữa bộ ba cơ quan nhà nước quả là một vấn đề nan giải. Sự nan giải này không chỉ thuộc phương diện lý luận mà còn là vấn đề thực tiễn. Trong thực tiễn, triển khai nguyên tắc này bắt đầu từ đâu và như thế nào quả là một công việc phức tạp cần phải có những nghiên cứu khoa học và những bước đi thích hợp.
Thực tế hoạt động của bộ máy nhà nước gần bảy thập kỷ qua cho thấy, nguyên tắc thống nhất quyền lực có những ưu thế như tạo nên sự đồng thuận, nhất trí khi bàn mọi vấn đề. Nhưng nếu tuyệt đối hóa nguyên tắc này cũng dễ dẫn đến nguy cơ nhà nước có những quyết sách không phù hợp với thực tế. Bởi vì, do thiếu sự tranh luận và hoạt động độc lập giữa ba cơ quan nhà nước mà có một số quyết sách, một số dự án lớn đã được thông qua nhưng không hiệu quả. Tình hình này đòi hỏi các nhà lý luận Việt Nam cần có những tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo hướng chuyên sâu, từ đó rút ra những điểm còn khiếm khuyết trong quá trình thưc hiện nguyên tắc này.