Tuyên truyền pháp luật là làm cho pháp luật phổ biến một cách sâu rộng
trong đời sống cộng đồng. Giải thích pháp luật là làm sáng tỏ về mặt tư tưởng và nội dung các quy phạm pháp luật, bảo đảm cho sự nhận thức và thực hiện nghiêm chỉnh, nhất quán pháp luật nhà nước. Thông qua việc làm rõ nội dung, ý nghĩa của các văn bản, quy phạm pháp luật, giải thích pháp luật sẽ giúp quần chúng nhân dân, tức các chủ thể pháp luật hiểu chính xác và nhất quán các quy định pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức và tăng cường ý thức pháp luật, giúp họ tuân thủ, thi hành, đồng thời kiềm chế và giảm thiểu các hành vi phạm pháp.
Trong giai đoạn hiện nay, do nhiều lý do khác nhau như trình độ dân trí chưa cao, kinh tế còn hạn hẹp nên việc tuyên truyền, giải thích pháp luật chưa diễn ra một cách thường xuyên và phổ biến. Do vậy, đa số nhân dân chưa hiểu đúng, hiểu đủ, thậm chí đôi khi còn hiểu sai lệch các văn bản, quy phạm, các chế
tài pháp luật dẫn đến tình trạng một số công dân phạm pháp mà không hề biết mình vi phạm điều nào trong pháp luật. Với hệ thống pháp luật còn thiếu và ý thức pháp luật người dân còn yếu như hiện nay, nhu cầu tuyên truyền, giải thích pháp luật thật sự cần thiết nhằm nâng cao kiến thức pháp luật và trách nhiệm pháp lý của công dân.
Giáo dục pháp luật là sự tác động một cách thường xuyên có hệ thống với
mục đích định trước tới nhận thức mọi người nhằm trang bị cho họ những kiến thức pháp luật nhất định để từ đó hình thành ý thức pháp luật. Tuy nhiên, giáo dục pháp luật muốn hiệu quả thì phải hướng tới những vấn đề thực tiễn cấp thiết, chứ không phải giáo dục lý luận pháp luật một cách chung chung như hiện nay. Người Việt từ xưa đến nay ít quan tâm và thậm chí có người không để ý đến việc tìm hiểu pháp luật, mà khi đã không biết, không hiểu pháp luật thì tất yếu không làm đúng yêu cầu của nó, còn nếu như vi phạm pháp luật thì hành xử theo luật “thông cảm” hay phép ngụy biện “vô tri vô trách”. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, nhiệm vụ cấp thiết giai đoạn hiện nay là phải giáo dục pháp luật với các biện pháp cụ thể như: Giáo dục pháp luật học đường, giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật,v.v.
Tăng cường giải thích và giáo dục pháp luật là nhằm khắc phục tình trạng kém hiệu lực của pháp luật Việt Nam do những quan niệm và lối sống truyền thống như phép vua thua lệ làng, tính cả nể gây ra. Những quan niệm và lối sống này vẫn còn tồn tại dai dẳng trong xã hội công nghiệp hiện đại một phần do nhân dân chưa hiểu đúng tầm quan trọng và vai trò của pháp luật, chưa phân rõ ranh giới giữa “lệ làng” và “phép nước”, giữa “tình” và “lý”, giữa việc riêng và việc công. Do vậy, muốn tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thành công, thì việc tăng cường giải thích và giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Khi mọi công dân hiểu rõ tầm quan trọng và vai trò của pháp luật, phân định rõ ràng ranh giới giữa những việc gì cần xử theo lệ làng, những việc gì cần đưa ra trước tòa án, thì họ sẽ có cơ sở hình thành, tiến tới định hình ý thức pháp luật.