cơ sở pháp lý cho việc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây thực chất là hai mặt của một vấn đề phát triển đất nước, đưa nước ta tiến theo kịp các cường quốc trong cộng đồng quốc tế.
4.2. NHỮNG GIẢI PHÁP CHÍNH TRỊ
4.2.1. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam Việt Nam
Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng giành chính quyền (1945), thống nhất đất nước (1975), Đảng đã đề xuất tư tưởng đổi mới (1986) và đang lãnh đạo đất nước phát triển lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh rằng, ở nước ta đã và đang tồn tại hai hệ thống lãnh đạo đan xen, chồng chéo, tạo kẽ hở cho những hiện tượng như hội họp triền miên mà tính hiệu quả của những cuộc hội họp này còn khiêm tốn, thái độ đùn đẩy trách nhiệm từ cơ quan, tổ chức, cá nhân này sang cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, từ đó phát sinh rắc rối trong công việc hành chính nhà nước. Nếu tình hình này kéo dài, sẽ dễ dàng dẫn đến những hậu quả sau:
Thứ nhất, trong một quốc gia nhưng tồn tại một hệ thống song trùng quyền
lực giữa Đảng và nhà nước. Hai trung tâm quyền lực này nếu tác động trái chiều nhau thì sẽ làm suy yếu hệ thống chính trị, hoạt động của Đảng mang sắc thái và lấn sang những hoạt động của nhà nước. Hiện tượng Đảng hoá nhà nước thì logic tất yếu là nhà nước sẽ trở nên hình thức. Đây chính là nguyên nhân của những ách tắc trì trệ trong hoạt động của Đảng, nhà nước, dẫn tới hoạt động kém hiệu quả của cả Đảng và nhà nước.
Thứ hai, sự trùng lắp về chức năng dẫn đến khó phân định và kiểm soát
trách nhiệm cho ai, bởi vì trong nhiều cơ quan, cùng một cá nhân nhưng lại nắm cả quyền lực nhà nước vừa nắm cả quyền lực Đảng.
Thứ ba, vì những lý do trên, dẫn đến tồn tại một mảng quyền lực nhà nước
không thể và không được kiểm soát. Trong khi đó, như một phản ứng dây chuyền, quyền lực này lại có khă năng chi phối điều hành quyền lực nhà nước, cứ như vậy, tạo thành một vòng tuần hoàn nhân quả, mà nguyên nhân cuối cùng không biết đến từ đâu. [93, 193-194]
Thực tế trên làm phát sinh vấn đề cần phải kiểm soát quyền lực của Đảng, nhưng làm thế nào để kiểm soát được quyền lực của Đảng. Chúng tôi thiết nghĩ, lời giải của bài toán này có thể tìm ngay trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Ý thức được vấn đề này, Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa VIII (6/1997) chỉ rõ: “Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước có hiệu quả và chất lượng cao hơn, đồng thời phát huy trách nhiệm, tính chủ động và hiệu lực cao trong quản lý và điều hành của Nhà nước” [19, 26].
Cần phải xác định rằng, chủ thể của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là những người đảng viên trong các cơ quan nhà nước. Do vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phụ thuộc cơ bản vào năng lực của mỗi đảng viên làm việc trong bộ máy nhà nước. Mà năng lực của mỗi đảng viên trong bộ máy nhà nước phụ thuộc vào cách thức tuyển chọn, đánh giá của những người làm công tác tổ chức cán bộ. Tìm và đặt đúng người, đúng việc là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Tình trạng đánh giá và bổ nhiệm cán bộ không đúng vì lý do vụ lợi cá nhân là một trong những nguy cơ làm suy yếu bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này để chuẩn hóa bộ máy nhà nước.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với nhà
nước là tạo điều kiện để nhà nước thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo nhà nước, nhưng trước hết phải
gương mẫu trong việc phục tùng pháp luật, Đảng lãnh đạo nhưng không áp đặt, làm thay việc của nhà nước. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là xây dựng và vận hành cơ chế mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa Đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị mà trọng tâm là nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang đối với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy Đảng phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý nhà nước cũng như trong công tác thực thi, bảo vệ pháp luật. Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sắp xếp tổ chức của mặt trận và các đoàn thể nhân dân phù hợp với nhiệm vụ cách mạng mới.
Tóm lại, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong những yêu cầu cấp thiết về mặt chính trị, làm sao đó để không chồng chéo trách nhiệm, quyền hạn giữa Đảng và nhà nước. Đảng chỉ lãnh đạo ở tầm vĩ mô mà không phải làm thay những công việc cụ thể của nhà nước. Đảng không bao che, bao biện cho những sai lầm của nhà nước. Và điều cốt yếu có ý nghĩa quyết định trong đổi mới ở đây là đổi mới việc tuyển chọn nhân sự trong bộ máy nhà nước trên nguyên tắc “chọn mặt gửi vàng”. Những đảng viên được lựa chọn đảm nhận các chức vụ quan trong trong bộ máy nhà nước phải thực sự là những người có tài, có đức.