Nâng cao dân trí, phát huy dân chủ và phản biện xã hộ

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 140 - 144)

Trong một xã hội nền dân trí còn thấp, chưa có truyền thống dân chủ như Việt Nam hiện nay sẽ làm cho việc xây dựng và thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng xấu đến vai trò phản biện xã hội. Do vậy, thời gian tới, chúng ta cần phải nâng cao dân trí, phát huy dân chủ và phản biện xã hội.

Muốn đẩy nhanh tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu phải tăng cường công tác giáo dục. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, muốn đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục trước hết phải hình thành một triết lý giáo dục. Triết lý đó phải tích hợp được những giá trị truyền thống và hiện đại, giữa những quan niệm sống phương Đông và những giá trị pháp lý phương Tây.

Tiếp đến là cần thay đổi chương trình, giáo trình, đưa các kiến thức sản xuất, đời sống của xã hội hiện tại và kỹ năng sống vào nội dung giáo dục nhiều hơn. Giáo dục thái độ lao động, kỹ năng sống và năng lực xử lý các tình huống pháp luật phải đặt lên vị trí hàng đầu nhằm tạo nên một lối sống tuân thủ pháp luật một cách tự nhiên, tự thân chứ không phải do sức ép của các chế tài pháp luật. Phương pháp giáo dục phải là kết hợp phương pháp tiên tiến hiện đại, vận dụng các thiết bị, công nghệ giáo dục hiện đại nhằm phát huy khả năng của tư duy độc lập sáng tạo của người học và các phương pháp truyền thống. Cần phải nhận thức rằng, trình độ dân trí không chỉ có được bằng giáo dục học đường mà còn qua các phương tiện thông tin đại chúng, do vậy, mở rộng và đa dạng hoá việc giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là việc làm cấp thiết. Trình độ dân trí cũng cần phải được hiểu là những kiến thức cơ bản phục vụ cho sản xuất và đời sống, là sự hiểu biết về pháp luật chứ không phải những kiến thức sách vở mang tính hàn lâm, trừu tượng, chung chung.

Nhận thức được vai trò và động lực to lớn của vấn đề dân chủ, Đại hội VI Đảng Cộng Sản Việt Nam đã rút ra bài học lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Kể từ thời điểm lịch sử đó, những bước tiến của quá trình đổi mới không tách rời quá trình xây dựng và phát huy

dân chủ. Việc phát huy dân chủ không chỉ thúc đẩy đổi mới trên các lĩnh vực chính trị, xã hội mà có ý nghĩa to lớn đối với tiến trình đổi mới kinh tế.

Vấn đề dân chủ gắn với việc chống chủ nghĩa quan liêu, chuyên quyền độc đoán, nhất là trong chế độ một Đảng cầm quyền, nếu Đảng đó không làm tốt vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước không có hệ thống luật pháp đồng bộ và biện pháp cứng rắn trong việc thi hành pháp luật. Thực tế cho thấy, bệnh quan liêu là một trong những nguy cơ làm thoái hóa Đảng cầm quyền, vì sức mạnh của Đảng chỉ có thể phát huy trong mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Ăngghen đã từng cảnh báo rằng, quan liêu là căn bệnh phổ biến của mọi hình thức nhà nước. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, căn bệnh này không những không bị loại bỏ mà còn có nguy cơ gia tăng, vì nó tìm được đất sống cho mình ở chế độ công hữu mà hệ quả kéo theo là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Chính cơ chế này đã tạo thuận lợi cho sự lạm dụng quyền lực nhà nước để kiến tạo một thể chế đặc quyền, đặc lợi. Trong khi đó, do chưa hoàn thiện việc xây dựng nhà nước pháp quyền, nên chưa có những chế tài ngăn ngừa, xử phạt, hạn chế việc lạm dụng quyền lực nhà nước. Theo logic nhân quả, sự quan liêu hóa bộ máy nhà nước là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa Đảng cầm quyền và ngược lại. Hai căn bệnh này tác động, nương tựa lẫn nhau. Một nhà nước mà quan liêu hóa càng nặng, thì nguy cơ thoái hóa Đảng cầm quyền càng tăng và ngược lại.

Tình hình trên đòi hỏi nhà nước trong thời gian tới phải tăng cường và phát huy dân chủ, tạo động lực đẩy nhanh xây dựng nhà nước pháp quyền. Đất nước ta đang ở trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng là quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế càng được đẩy mạnh, thì yêu cầu phát huy dân chủ càng trở nên bức thiết.

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường của nước ta diễn ra trong điều kiện hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải có một nhà nước mạnh với một Đảng cầm quyền có đường lối đúng đắn, sáng tạo. Muốn vậy, phải đẩy mạnh việc phát huy dân chủ, xây dựng một nhà nước quản lý xã

hội bằng pháp luật nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những căn bệnh như đã nêu trên. Xây dựng nhà nước pháp quyền là vấn đề mới trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội. Hơn thế nữa, đi lên chủ nghĩa xã hội thông qua nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường hoàn toàn chưa có tiền lệ. Vì vậy, trên con đường tìm tòi những hình thức phát triển dân chủ đến cùng thì gặp phải những khó khăn là điều không thể nào tránh khỏi.

Việc phát huy dân chủ chỉ có hiệu quả khi có những biện pháp hỗ trợ như phát huy vai trò phản biện xã hội về pháp luật.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trước thời đổi mới, vấn đề phản biện xã

hội chưa được đề cập tới mà chỉ có sự góp ý, đàm luận, đóng góp ý kiến. Thời

gian gần đây, vấn đề phản biện xã hội đang được xã hội quan tâm. Hồ Bá Thâm và Nguyễn Tôn Thị Tường Vân cho rằng, “phản biện xã hội là sự phản biện nói chung của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội… của Đảng, nhà nước và các tổ chức liên quan ban hành nhằm mục tiêu phát triển” [73, 21]. Trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, phản biện xã hội không khép kín trong một quốc gia mà đã trở thành hình thức hoạt động dân chủ quốc tế. Những diễn đàn quốc tế ra đời mà tiếng nói của chúng như những phản biện toàn cầu chống lại những xu thế đi ngược lại mục đích hòa bình và tiến bộ nhân loại.

Phản biện xã hội về phương diện pháp luật thực chất là tham gia góp ý về pháp luật của công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là báo chí. Khi Nhà nước Việt Nam thành lập, quyền dân chủ xác lập, tuy nhiên trong thực tế, nhiều kiến nghị pháp lý của nhân dân vẫn chưa được Đảng và nhà nước xem xét một cách thấu đáo. Để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần tạo điều kiện và phát huy vai trò phản biện xã hội của nhân dân trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, có như vậy mới tập trung được trí tuệ của đông đảo công chúng, làm cho pháp luật phản ánh chính xác, sát thực đời sống xã hội.

Để phản biện xã hội về phương diện pháp luật có hiệu quả thì người dân phải có một trình độ pháp luật nhất định và có đời sống vật chất tương đối khá giả. Vì khi dân trí và đời sống được nâng cao, người dân sẽ có nhu cầu tìm hiểu pháp luật một cách tự thân nhằm bảo vệ mình và các thành viên gia đình.

Giám sát xã hội là việc giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn

thể quần chúng, hiệp hội, v.v. đối với mọi hoạt động của nhà nước. Đây là một việc làm thường xuyên và tất yếu trong mọi xã hội hiện đại. Các tác giả công trình Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Việt Nam, cho rằng, vai trò giám sát xã hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội

chủ nghĩa Việt Nam được xác định xuất phát từ hai yêu cầu: 1) Đảm bảo cho quyền lực nhà nước ở trong quỹ đạo phản ánh và bảo vệ quyền lợi chung của nhân dân. 2) Đảm bảo cho bộ ba cơ quan quyền lực nhà nước không chồng chéo, lạm quyền nhau, cho các cơ quan cấp trên không can thiệp quyền cấp dưới, cấp dưới không vượt quyền cấp trên [86, 450]. Thực trạng Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, việc giám sát xã hội chưa được coi trọng và tính hiệu quả chưa cao. Tình hình đó xảy ra chủ yếu là do Việt Nam: 1) Chưa ban hành văn bản pháp luật nào quy định chi tiết về giám sát xã hội. 2) Thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn, thiếu phương tiện, kinh phí cho việc giám sát, thanh tra. 3) Nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng chưa thật quan tâm đến việc giám sát, cho rằng đó là việc của cơ quan chức năng, v.v..

Thực trạng đó đòi hỏi trong thời gian tới Việt Nam phải tăng cường giám

sát xã hội đối với mọi hoạt động bộ máy nhà nước, đặc biệt là bộ máy tư pháp, vì

hoạt động tư pháp là lĩnh vực hoạt động mang tính nhạy cảm, dễ sai sót và phản ánh rõ ràng, trực tiếp, cụ thể nhất bản chất của chế độ xã hội, của pháp luật nhà nước. Theo Nguyễn Huy Phượng, để đẩy mạnh giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp trong thời gian tới chúng ta cần phải: “1) Sớm xây dựng và ban hành Luật giám sát xã hội. 2) Hoàn thiện các đạo luật liên quan đến hoạt động tư pháp. 3) Tăng cường vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc giám sát hoạt động tư pháp. 4) Nâng cao trách nhiệm của những người tiến

hành tố tụng. 5) Tăng cường trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát hoạt động tư pháp. 6) Đề cao trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc trả lời dư luận xã hội” [57, 57]. Những điều đã trình bày cho thấy, giám sát xã hội có vai trò quan trọng trong nhà nước pháp quyền.

Tóm lại, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ và phản biện xã hội là những giải pháp cụ thể, thực tế nhằm khắc phục tình trạng dân trí nước ta chưa cao và chưa trải qua dân chủ tư sản. Nếu để tình trạng dân trí chưa cao và vi phạm dân chủ kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Bởi như đã nói, trong bất kỳ thời đại nào, nhất là trong xã hội công nghiệp hiện đại, dân trí là cơ sở, nền tảng của nhận thức xã hội, là hạt nhân quy định phương thức đối nhân xử thế hay quan hệ xã hội, mà pháp luật không là gì khác như là phương tiện điều chỉnh quan hệ xã hội hay quan hệ xã hội được nhà nước chính thức hóa bằng văn bản pháp luật. Dân trí là cơ sở của sự hình thành và phát triển dân chủ, một xã hội có nền dân trí cao là một xã hội có chế độ dân chủ phát triển, đến lượt mình dân chủ là cơ sở, nền tảng để xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhưng muốn có dân chủ, biện pháp quan trọng hàng đầu là phải phát huy vai trò của phản biện xã hội.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 140 - 144)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w