Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả, nâng cao lý luận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 130 - 136)

hiệu quả, nâng cao lý luận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ việc nghiên cứu lịch sử, có thể nói một

cách khách quan rằng, hệ thống pháp luật Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay còn nhiều điều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Còn hành pháp nhiều khi, nhiều nơi còn tuỳ tiện, chủ quan. Công tác tư pháp còn nhiều hạn chế, nhiều khi còn chung chung, chưa gây được niềm tin trong dân chúng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Sự kiện sửa đổi Hiến pháp 1992 là một bước tiến dài trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng pháp luật là một trong những hoạt động quan trọng của nhà nước. Việt Nam không xây dựng mô hình nhà nước theo mô hình tam quyền phân lập, nên chính phủ và tòa án không có khả năng (năng lực pháp lý) và cơ hội phản biện và thậm chí bác bỏ những gì do Quốc hội phê chuẩn. Điều này dẫn đến tình trạng là tính hiệu lực của pháp luật phụ thuộc cơ bản vào hoạt động lập pháp, do vậy cơ quan lập pháp có ý nghĩa hàng đầu trong các bộ phận cấu thành nhà nước. Việc lập pháp phụ thuộc cơ bản vào năng lực đại biểu quốc hội, vì đại biểu quốc hội là chủ thể làm luật. Khi đã có một chủ thể làm luật có đủ khả năng chuyên môn và tư duy pháp lý thì việc còn lại là đổi mới cơ cấu và phương thức hoạt động của cơ quan lập pháp. Việc đổi mới cơ cấu và phương thức hoạt động

của cơ quan lập pháp gắn liền với:

Xoá bỏ tính chất hoạt động nghiệp dư của Quốc hội. Trước hết là cần phải thay đổi tên gọi hay chức danh “Đại biểu quốc hội”, thành một chức danh khác mang tính chuyên nghiệp hơn, ví dụ như “Nghị sĩ”. Tiếp đến là cần tăng số lượng đại biểu quốc hội chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm, chống chủ nghĩa thành phần trong lựa chọn và phân bổ cơ cấu đại biểu quốc hội. Hiện thực hoá phương châm đại biểu quốc hội là một nghề, mỗi đại biểu có thể hoạt động độc lập như một chính khách, có lập trường tư tưởng, có chính kiến riêng và có bản lĩnh, đủ trình độ, có những bản tường trình với những bằng chứng mang tính thuyết phục. Đại biểu quốc hội phải có không gian hoạt động rộng, đi sâu vào đời sống nhân dân, biết sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại thành thạo nhằm ghi lại các bằng chứng để chứng minh cho luận điểm của mình.

Tạo hành lang pháp lý và cơ hội thực tế cho những công dân bình thường có khả năng tranh cử đại biểu quốc hội một cách trực tiếp và công khai giống như các quốc gia tư bản. Việc tranh cử đại biểu quốc hội phải diễn ra công khai, trực tiếp theo hướng tự mỗi ứng cử viên có chương trình hành động khi vận động tranh cử, có thời gian và lộ trình vận động tranh cử, họ phải tự bỏ kinh phí riêng để vận động tranh cử. Vận động tranh cử đại biểu quốc hội phải trở thành sự kiện chính trị sôi nổi, gây dư luận báo chí, diễn ra khắp mọi lúc, mọi nơi.

Nâng cao hiệu quả và phương pháp làm việc của Quốc hội trong các kỳ họp, phiên họp, các buổi chất vấn, hiện thực hoá vấn đề tự do ngôn luận và phản biện xã hội trong các phiên chất vấn của đại biểu quốc hội với các Bộ trưởng. Qua gần một thế kỷ tồn tại và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có những thay đổi theo chiều hướng dân chủ, tiến bộ trong tranh luận trên hội trường, song nhìn chung vẫn diễn ra theo một trình tự, thủ tục đã được đăng ký trước, nên chưa tạo ra một bầu không khí sôi nổi, căng thẳng đúng như bản chất của tranh luận thực sự. Tần suất phát biểu của đại biểu quốc hội chưa cao và chủ yếu còn tập trung vào một số người, còn đa số thì lắng nghe. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm giảm tính hiệu quả của các kỳ họp Quốc hội.

Tạo điều kiện và cơ hội cho đại biểu quốc hội gần dân, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân thường xuyên nhằm hiểu rõ nguyện vọng nhân dân. Đại biểu quốc hội đại diện cho cử tri địa phương nào thì phải sống trong địa phương đó, tránh tình trạng đại biểu quốc hội sống ở vùng này nhưng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri vùng khác, hiện tượng này vô tình tiếp tay cho chủ nghĩa quan liêu, xa rời quần chúng của đại biểu quốc hội. Trong thời gian tới, chúng ta phải nghiên cứu vấn đề tính hiệu quả của “vận động hành lang” (Lobby) và hiện thực hoá hiện tượng phổ biến này như ở các nước phương Tây. Khi đã có một Quốc hội đủ năng lực xây dựng luật pháp, bước tiếp theo là phải có một cơ chế xây dựng pháp luật, nghĩa là cần có những quy định về trình tự, thủ tục, cách thức làm luật, thi hành và bảo vệ pháp luật.

Tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả. Trong thực tế, có một hệ thống

pháp luật hoàn thiện mới chỉ là điều kiện cần, muốn pháp luật đi vào đời sống thì cần tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả, có như vậy pháp luật mới có hiệu lực thực tế và trở thành phương tiện quản lý xã hội. Muốn tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả, trước hết phấn đấu xây dựng một Chính phủ trong sạch, vững mạnh, có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, đa năng, hiệu lực và hiệu quả, hoạt động theo hướng tự lập và tự chịu trách nhiệm trước nhân dân. Để làm được việc này, thiết

Bảo đảm một nền hành chính vững mạnh về nghiệp vụ, trong sạch về phẩm chất, trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Theo Nguyễn Hữu Hải, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thì nhất thiết phải có chế độ tôn vinh nghề nghiệp, danh dự cho họ [30, 280]. Nghề nghiệp và danh dự là hai mặt trong đời sống một con người, nó có tác động tương hỗ, quyết định tính hiệu quả của công việc mà cán bộ, công chức đảm nhiệm. Do vậy, việc tôn vinh nghề nghiệp, đề cao danh dự có tác động đến tâm lý tích cực cả phía người thừa hành công vụ nhà nước và phía người dân. Thời gian qua chúng ta chưa làm tốt việc tôn vinh nghề nghiệp, chưa đánh giá đúng công trạng cống hiến của những cán bộ công chức có nhiều cống hiến đối với đất nước gây nên tình trạng bỏ nghề, không nhiệt huyết với công việc chung. Đạo đức công vụ có ý nghĩa quan trọng trong thực thi pháp luật, do vậy phải làm tốt công tác tôn vinh nghề nghiệp để động viên cán bộ công chức nhà nước, làm cho họ thấy được giá trị xã hội, vị trí, vai trò của mình, từ đó có ý thức trách nhiệm hơn.

Kiên quyết khắc phục bệnh quan liêu, cửa quyền, hách dịch nhân dân. Trong quá trình chỉ đạo thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, Lênin đã chỉ ra ba kẻ thù của chủ nghĩa xã hội là bệnh kiêu ngạo cộng sản, nạn mù chữ và hối lộ. Chúng ta cơ bản đã và đang làm được việc xóa bỏ mù chữ, song căn bệnh kiêu ngạo cộng sản mà biến tướng của nó là quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu nhân dân và nạn hối lộ thì chưa làm tốt. Những căn bệnh này liên quan mật thiết đến các thủ tục hành chính và xử lý văn bản pháp luật. Thủ tục hành chính và xử lý văn bản pháp luật trong thời gian qua quá phức tạp, rườm rà, gây quá nhiều phiền hà cho nhân dân, làm lãng phí nhiều thời gian đi lại khi giải quyết vụ việc, làm chậm tiến trình công việc. Do vậy, để xóa bỏ căn bệnh này, thời gian tới chúng ta cần thực hiện dứt điểm và có hiệu quả cơ chế làm việc một cửa.

Thiết lập một hệ thống cơ quan nhà nước đồng bộ từ Trung Uơng đến địa phương. Hiện thực hóa ý tưởng về một chính phủ điện tử nhằm giảm bớt những

công văn giấy tờ không cần thiết. Tuy nhiên, để có một Chính phủ điện tử thì trước hết phải có một công dân điện tử, kế đến là một văn phòng, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, v.v. điện tử. Thực tế thời gian qua cho thấy, chúng ta đã triển khai nhiều dự án về chính phủ điện tử nhưng hiệu quả còn thấp, nguyên nhân cơ bản là năng lực vận hành máy tính, sử dụng mạng và các thiết bị truyền tin của cán bộ công chức nhà nước còn nhiều bất cập.

Việc thực thi pháp luật liên quan chặt chẽ với công tác tư pháp, vì tư pháp là khâu cuối cùng bảo đảm tính hiệu lực và nghiêm minh của pháp luật. Một cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh sẽ tạo niềm tin cho công chúng vào tính nghiêm minh của pháp chế nhà nước. Trong điều kiện không chấp nhận tam quyền phân lập và chỉ có một chính đảng lãnh đạo nhà nước, để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về phương diện tư pháp, chúng ta cần phải:

Đào tạo thật cơ bản và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo nên một đội ngũ tư pháp giỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh, tận tình với công việc, tận tâm với nhân dân, có trách nhiệm xã hội và lương tâm nghề nghiệp.

Tăng cường vai trò và quyền hạn của các cơ quan tư pháp, nhất là cơ quan điều tra xét hỏi, xã hội hoá công tác điều tra xét hỏi trên quy định chung của pháp luật nhà nước, tăng cường việc thành lập các văn phòng tư vấn pháp luật, văn phòng công tố viên và văn phòng luật sư riêng. Gần ba thập kỷ đổi mới cho thấy, trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế nhà nước đã cho phép các công ty, doanh nghiệp, trường học, bệnh viên tư nhân hoạt động, nhưng trong lĩnh vực pháp luật vấn đề này còn nhiều hạn chế. Tiếng nói của các văn phòng luật sư tư nhân, của các luật sư thân chủ thuê bào chữa trên các phiên tòa còn chưa có trọng lượng lớn, do vậy chưa có sự tranh luận thực sự trong quá trình xử án.

Nâng cao trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của đội ngũ tư pháp trong việc giải quyết khiếu tố, khiếu nại cho nhân dân, tiến tới việc thực hiện tốt nguyên tắc: ''Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật''. Phân rõ vùng trách

nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ giữa tóa án và viện kiểm sát, tránh sự chồng chéo trách nhiệm quyền hạn giữa hai tổ chức tư pháp này. Đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan tư pháp trong việc điều tra, xét hỏi. Cụ thể hoá và hiện thực hoá bằng văn bản pháp luật chế độ, điều khoản bồi thường thiệt hại cho những công dân bị toà xử oan, sai trong các vụ án. Tình trạng xử oan, sai đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những thẩm phán xử oan, sai cho công dân, cần có những quy định thật rõ ràng, cụ thể về vấn đề này để giảm thiểu các vụ việc xét xử oan sai.

Thiết lập cơ chế bảo vệ nhân chứng: Bảo vệ nhân chứng là một hiện tượng đã có ở các quốc gia tư bản phát triển, nó nhằm bảo vệ nhân chứng các vụ án khỏi sự xâm hại của tội phạm và đảm bảo cho việc xét xử các vụ diễn ra công minh, nhanh chóng. Nhưng ở Việt Nam, việc làm này chưa được luật định, nói cách khác là ở Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách về bảo vệ nhân chứng. Bản chất nhà nước pháp quyền là bảo đảm quyền con người, mà nhân chứng lại là những người cần được bảo vệ nhất vì việc làm của họ dễ bị tội phạm xâm hại.

Tổ chức thực hiện pháp luật là khâu có ý nghĩa quyết định tính hiệu lực và hiệu quả của pháp luật, nhất là trong điều kiện đặc thù Việt Nam không chấp nhận tam quyền phân lập nên không có sự kiểm soát lẫn nhau giữa ba cơ quan quyền lực nhà nước.

Nâng cao lý luận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm

vụ này thuộc về các nhà lý luận chuyên ngành pháp luật cũng như các nhà lý luận Việt Nam nói chung. Gần hai thập kỷ qua cho thấy, các nhà lý luận Việt Nam đã xây dựng được một nền móng lý luận về nhà nước pháp quyền nói chung, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng, nhưng mới chỉ dừng lại ở những luận điểm chung, chưa mang tính cụ thể. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, tiến tới hoàn thiện hệ thống lý luận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một điều kiện tất yếu thúc đẩy việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện

đại hóa. Để làm được việc này cần phải: Cần tiến hành biên dịch các tác phẩm về chủ đề nhà nước pháp quyền, về quyền tự do, bình đẳng, về nhân quyền của các nhà khai sáng châu Âu. Bởi đây là nguồn tri thức không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị thực tiễn đối với các quốc gia chưa trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa như Việt Nam. Bước tiếp theo là tổ chức vận dụng sáng tạo lý luận vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam hiện nay. Khi vận dụng, chúng ta cũng nên lưu ý rằng, trong nhà nước pháp quyền, vấn đề nhân quyền và dân chủ cần phải được đặt lên vị trí hàng đầu. Nếu làm được như vậy, chắc chắn người dân sẽ nhiệt thành thực thi pháp luật nhà nước, làm cho pháp luật có thêm giá trị pháp lý và sức sống mới. Nhưng việc nghiên cứu lý luận nhà nước pháp quyền không phải là việc làm tùy tiện mà cần có một đội ngũ các nhà khoa học. Do vậy, trong thời gian tới cần động viên để họ đóng góp chất xám trong lĩnh vực này. Trong xu thế đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, việc hoàn thiện một hệ thống luật pháp và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, là tiền đề cơ bản để đi tới một xã hội hiện đại với lối sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 130 - 136)