Xây dựng, phát triển xã hội dân sự

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 144 - 154)

Do chịu ảnh hưởng của chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến, nên ở Việt Nam từ sau cách mạng đến nay vẫn chưa có xã hội dân sự mà chỉ mới thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng, các Hiệp hội kinh tế, các Hội nghề nghiệp và gần đây là các tổ chức dân sự. Trong khi đó, nhà nước pháp quyền chỉ có thể xây dựng thành công trong một xã hội dân sự. Do vậy, để tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa chúng ta phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện xã hội dân sự. Để xây dựng thành công xã hội dân sự ở Việt Nam, cần phải hành một số biện pháp cụ thể sau:

Nghiên cứu một cách cơ bản, hệ thống, đầy đủ những vấn đề lý luận và thực tiễn của xã hội dân sự nhằm tạo tiền đề pháp lý cho việc ban hành các chủ

trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về xã hội dân sự, tạo hành lang pháp lý cho sự hình thành và phát triển xã hội dân sự đúng theo nghĩa của nó. Giải pháp này đòi hỏi phải: 1) Có sự đầu tư tài chính kịp thời từ phía nhà nước nhằm cung cấp kinh phí cho các viện nghiên cứu về vấn đề xã hội dân sự. 2) Có những giải pháp đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách nghiên cứu về xã hội dân sự và hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự. Yêu cầu này đòi hỏi các trường đại học như Đại học công đoàn, Đại học lao động xã hội, các khoa xã hội học, v.v. phải soạn thảo chương trình, nội dung và trực tiếp đào tạo nguồn cán bộ hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xác lập các quan hệ kinh tế - chính trị - xã hội lành mạnh tạo tiền đề vật chất thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển xã hội dân sự. Bởi vì, một xã hội chỉ được coi là xã hội dân sự khi có tiềm lực kinh tế trang trải chi phí hoạt động mà không cần sự tài trợ của nhà nước. Thực ra, sự hình thành và phát triển xã hội dân sự là nhu cầu tự thân, đáp ứng khát vọng dân chủ và phản ánh tinh thần tự do, trình độ văn hóa của nhân loại khi xã hội loài người bước vào giai đoạn phát triển cao. Ở Việt Nam, xã hội dân sự chỉ có thể hình thành và phát triển khi đời sống xã hội no đủ, phồn vinh.Kiện toàn và đổi mới hệ thống chính trị, cải cách các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng hiện có, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân. Sự tham gia của các hiệp hội kinh tế và các tổ chức xã hội nghề nghiệp vào hệ thống chính trị không chỉ làm mở rộng và tăng cường dân chủ mà còn tạo điều kiện cho hệ thống chính trị có nguồn kinh phí hoạt động.

Để xây dựng xã hội dân sự, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng hiện có ở Việt Nam phải tự đổi mới. Việc tự đổi mới này đầu tiên phải tiến hành từ vấn đề nhân sự lãnh đạo các tổ chức đó, nhân sự lãnh đạo tổ chức nhất thiết phải là những người có năng lực, có uy tín trong tổ chức, chứ không phải do Đảng cử ra. Thứ đến là vấn đề phương châm hoạt động, làm sao đó để các tổ chức hoạt động đúng theo nghĩa là những tổ chức đoàn thể quần chúng. Ngoài việc cải cách, đổi mới các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể

quần chúng, cũng cần có sự mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng bằng cách thành lập các hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ, các diễn đàn xã hội, v.v. tạo cơ hội cho quần chúng phản ánh được tâm tư nguyện vọng của mình.

Xây dựng thành công xã hội dân sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc lập pháp, bởi vì mọi sự bổ sung, góp ý sửa đổi Hiến pháp và các văn bản pháp luật nhà nước nếu được tổ chức theo mô hình xã hội dân sự chắc chắn ít tốn kém về kinh phí và sẽ đạt hiệu quả hơn so với mô hình cơ quan nhà nước như hiện nay. Bởi vì các thành viên của xã hội dân sự thường sống tập trung trong một cộng đồng, gắn kết với nhau thông qua quan hệ hàng xóm trong cuộc sống hàng ngày, nên nhìn nhận mọi vấn đề sâu sát hơn, thực tế hơn so với các cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước chỉ liên kết với nhau bằng công việc chuyên môn trong giờ hành chính. Xây dựng thành công xã hội dân sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc hành pháp và tư pháp. Trong các quốc gia phát triển đã có sự hoàn thiện về xã hội dân sự, những người tình nguyện hoạt động xã hội thường đảm nhận vai trò của các công chức nhà nước trong các quốc gia chưa có xã hội dân sự. Họ làm việc không kể thời gian, không hưởng bất kỳ một khoản trợ cấp nào, nhưng khá nhiệt thành với công việc, tính hiệu quả cao, vì họ thường là những người có uy tín (công dân ưu tú) trong cộng đồng.

Chức năng tự quản của xã hội dân sự sẽ khá hiệu quả trong việc xử lý các xung đột nhỏ trong cộng đồng dân cư mà không cần đến lực lượng chức năng nhà nước như cảnh sát, tòa án. Nhìn chung, xã hội dân sự sẽ là cánh tay nối dài của nhà nước, là trợ thủ đắc lực của các cơ quan nhà nước, góp phần giảm thiểu nguồn nhân lực cho bộ máy công quyền, giảm chi ngân sách. Do vậy, xây dựng thành công xã hội dân sự sẽ là một trong những điều kiện cần cho sự xây dựng thành công nhà nước pháp quyền, đưa đất nước tiến nhanh trên con đường hội nhập và phát triển. Về thực chất, xã hội dân sự là sự thể hiện cụ thể của dân chủ, vì dân chủ không phải là lý luận chung mà thể hiện trong những việc làm cụ thể.

Dựa trên phân tích những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng tôi nêu một số giải pháp chủ yếu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các giải pháp kinh tế bao gồm: 1) Phát triển kinh tế thị trường định hướng

xã hội chủ nghĩa. 2) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong những giải pháp kinh tế đã nêu, chúng tôi nhấn mạnh việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tạo nên một đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất cho đại đa số nhân dân, khi đời sống vật chất no đủ thì tất yếu những hành vi vi phạm pháp luật như tham ô, hối lộ, trộm cướp, tệ nạn xã hội sẽ giảm thiểu, quan hệ giữa người và người sẽ trở nên nhân ái hơn. Kinh tế xã hội phát triển thì nhà nước có cơ hội trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân, mọi công dân sẽ “an cư lạc nghiệp” mà không nghĩ đến những kế sinh nhai khác ngoài nghề chính của mình. Kinh tế xã hội phát triển thì người dân có cơ hội hưởng thụ mọi giá trị văn hóa, nhờ đó văn hoá pháp luật cũng sẽ được nâng cao. Kinh tế xã hội phát triển là tiền đề vật chất cơ bản cho việc thiết lập một kiến trúc thượng tầng xã hội vững mạnh, trong đó trọng tâm là bộ máy nhà nước.

Về giải pháp chính trị, bao gồm: 1) Đổi mới nội dung, phương thức lãnh

đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. 2) Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả, nâng cao lý luận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 3) Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội.

Trong điều kiện một đảng cầm quyền và không chấp nhận tam quyền phân lập, chúng tôi nhấn mạnh việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chúng tôi cũng lưu ý rằng, cần phải tổ chức mô hình nhà nước và luật định làm sao đó để phân định một cách rạch ròi giữa sự lãnh đạo (bằng chủ trương, đường lối) của Đảng với sự quản lý (bằng pháp luật) đời sống thực tế của nhà nước. Nói cách khác, về phương diện vĩ mô phải tránh tình trạng nội dung các chủ trương, chính sách, các Đại hội, Hội nghị của Đảng

trùng lặp với nội dung quản lý xã hội của nhà nước. Về phương diện vi mô (ở các cơ quan nhà nước), tránh tình trạng cùng một nội dung mà phải họp bàn bạc và triển khai đến hai lần (họp chính quyền và họp chi bộ). Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đi liền với việc chống chủ nghĩa quan liêu, bệnh chuyên quyền độc đoán và tệ nạn tham nhũng, hối lộ, nâng cao uy tín cho Đảng.

Giải pháp văn hóa - xã hội bao gồm: 1) Tăng cường tuyên truyền, giải

thích và giáo dục pháp luật. 2) Nâng cao dân trí, phát huy dân chủ và phản biện xã hội. 3) Xây dựng, phát triển xã hội dân sự. Trong các giải pháp này, chúng tôi chú trọng đến việc xây dựng và phát triển xã hội dân sự. Bởi như đã nói, xã hội dân sự là một trong ba đỉnh của tam giác phát triển, xã hội dân sự là chủ thể của phản biện xã hội, của dư luận xã hội, của một nền dân chủ cụ thể, dân chủ thực sự. Xã hội dân sự là nguyên nhân cơ bản có thể đi đến tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước, làm cho bộ máy đó trở nên gọn, nhẹ, bớt được gánh nặng tài chính để dành chi tiêu vào những việc có ích khác nhằm nâng cao văn hoá pháp luật của nhân dân. Xã hội dân sự, là bước tập sự để đi đến việc xóa bỏ bộ máy nhà nước, đưa bộ máy này vào trưng bày trong viện bảo tàng như Ăngghen đã từng dự báo.

Xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phụ thuộc cơ bản vào việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và thiết lập xã hội dân sự. Trên cơ sở phương pháp luận của triết học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân là người chân chính sáng tạo nên lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự nghiệp chung của toàn dân, cho nên cần nhanh chóng xã hội hoá vấn đề này. Để xã hội hóa vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, trong đó cần theo phương châm lấy dân làm gốc, lấy nhân dân làm chủ thể pháp luật, cuộc sống nhân dân làm cơ sở và mục đích xây dựng pháp luật.

KẾT LUẬN

Để thích ứng với xã hội hiện đại, gia nhập vào làn sóng toàn cầu hóa, Việt Nam không còn con đường lựa chọn nào khác là phải nhanh chóng tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, lực lượng sản xuất còn lạc hậu, lối sống nặng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trên con đường đó. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu sẽ phát sinh nhiều hệ quả mà việc giải quyết chúng liên quan nhiều đến pháp luật như: vấn đề sở hữu đất đai và tài sản cố định, vấn đề đền bù, giải tỏa đất đai tạo mặt bằng cho việc xây dựng các khu công nghiệp và dịch vụ xã hội, vấn đề tạo công ăn việc làm cho bộ phận nông dân bị mất đất sản xuất nông nghiệp, vấn đề lối sống và kỷ luật trong xã hội công nghiệp, vấn đề ô nhiễm môi trường tự nhiên, vấn đề tệ nạn xã hội. Hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra một cách cách cấp thiết đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật điều chính kịp thời những vấn đề kinh tế - xã hội mới phát sinh đó, thực hiện phương châm sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Xác định trách nhiệm lớn lao của mình trong việc hiện thực hoá mục đích xây dựng thành công nhà nước pháp quyền, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhanh chóng chủ trương triển khai việc nghiên cứu lý luận về nhà nước pháp quyền nói chung và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng, tổ chức từng bước việc xây dựng nhà nước pháp quyền bằng những việc làm cụ thể như: cải cách bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao năng lực hoạt động của Quốc hội, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức chính phủ, giám sát chặt chẽ hoạt động tư pháp, tăng cường, mở rộng các hình thức hoạt động dân chủ, tạo phương diện pháp lý cho việc hình thành xã hội dân sự, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục nhằm nâng cao dân trí, tiến hành giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong điều kiện chưa có tiền lệ là một việc làm khó khăn, phức tạp cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Những khó khăn đó còn lớn hơn do Việt Nam có những đặc thù về phương diện

kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội. Những đặc thù nói trên tạo nhiều thuận lợi, nhưng cũng gây không ít khó khăn trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta cần có những giải pháp hợp lý về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội cụ thể như sau:

Nhanh chóng thích ứng và hoàn thiện từng bước nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ căn bản nếp nghĩ cách làm của nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, nâng cao đời sống vật chất và tính tự chủ kinh tế cho quần chúng nhân dân, tạo cho họ một hành lang pháp lý thông thoáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiến hành nhanh chóng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm xây dựng cho nhân dân một đời sống no đủ, ai cũng có công ăn, việc làm, nhà ở và phương tiện sinh hoạt để họ tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam; cải cách bộ máy nhà nước, tạo lập một bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu quả; thiết lập và từng bước hoàn thiện xã hội dân sự, tạo tiền đề dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội; phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội; tạo lập một không khí bình đẳng, cởi mở trong tranh luận chính trị bằng cách mở rộng dư luận xã hội, tăng cường phản biện xã hội, giám sát xã hội, hình thành thói quen vận động hành lang và trưng cầu dân ý, thiết lập một xã hội mở toàn diện.

Nâng cao dân trí, thực thi dân chủ, thiết lập và xây dựng xã hội dân sự. Xây dựng một lối sống coi trọng và thượng tôn pháp luật, một tác phong và kỷ luật công nghiệp, xoá bỏ một số nếp nghĩ, cách làm dựa trên lối sống phép vua thua lệ làng; đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường một cách phổ biến phù hợp với từng lứa tuổi và đối tượng; nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho quần chúng nhân dân, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, bồi dưỡng và nâng cao văn hoá pháp luật cho người dân.

Thế giới hiện đại đang trong quá trình chuyển đổi với tốc độ nhanh chóng,

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 144 - 154)