Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên nền chính trị nhất nguyên do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 87 - 91)

trên nền chính trị nhất nguyên do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với tư cách là một Đảng cầm quyền, Đảng Cộng Sản Việt Nam được tổ chức và hoạt động như một nhân tố quan trọng của cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, đồng thời, Đảng cũng tự xác định vị trí của mình để không tự biến mình thành một "nhà nước" trong nhà nước. Tuy nhiên, không tránh khỏi hiện tượng là các tổ chức Đảng từ Trung Ương đến địa phương tuy không tổ chức thành các cơ quan nhà nước, nhưng trên thực tế, hoạt động của Đảng đã thể hiện như vai trò của một thiết chế thực hiện quyền lực nhà nước. Trong một cơ chế như vậy, các tổ chức Đảng có nơi, có lúc đã bao biện, làm thay công việc của nhà nước. Trong một thời gian dài với các đặc điểm thời chiến và mô hình kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, quan liêu, bao cấp vấn đề phân định vai trò lãnh đạo của Đảng với vai trò quản lý của nhà nước đã không được đặt ra như một đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cách mạng.

Ngày nay, với các yêu cầu của công cuộc đổi mới, để tăng cường nhà nước theo hướng pháp quyền, vấn đề phân định sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của nhà nước là cần thiết. Sự phân biệt này phải đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng, đồng thời đảm bảo quyền chủ động của nhà nước theo đúng quan điểm là Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay, bao biện công việc của nhà nước, đồng thời cũng không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước. Trong thực tiễn Việt Nam hiện nay đang có nhiều vấn đề nổi cộm, chẳng hạn:

Mối tương quan giữa cấu trúc tổ chức các cơ quan Đảng với cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước ở các cấp từ Trung Ương đến địa phương. Tuy đã có nhiều cải cách, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại sự biến tướng của hiện tượng “song trùng quyền lực”. Tức trong một cơ quan ở địa phương thường có hai loại “văn phòng”,

văn phòng của chính quyền và văn phòng Đảng, còn ở Trung Ương thường có hai ban, một ban của nhà nước và một ban Đảng. Các tiêu chí phân định sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và quyền tự chủ, độc lập của các cơ quan nhà nước, giữa bí thư chi bộ, bí thư Đảng ủy và thủ trưởng đơn vị có nơi, có lúc còn chồng chéo quyền hạn, trách nhiệm. Cơ sở pháp lý xác định quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức Đảng trong các hoạt động lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở các cấp. Vai trò, phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng theo cấu trúc hành chính - lãnh thổ như Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, Đảng uỷ xã và của các cấp uỷ trong bản thân các cơ quan nhà nước như thế nào?

Các vị trí, chức vụ trong tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước cần được xác định một cách rõ ràng, bố trí theo những cơ sở, tiêu chí nào, ai là người có quyền quyết định cuối cùng vẫn chưa được làm sáng tỏ và phân tích cụ thể từ phương diện các nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước và việc thể chế hoá chúng bằng các văn bản pháp luật. Do vậy, trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng, các cấp uỷ Đảng và của các cơ quan nhà nước vẫn không tránh khỏi sự chồng chéo, bao biện và tất yếu dẫn đến các hệ lụy như bao che khuyết điểm cho nhau, lấy kỷ luật Đảng thay cho chế tài pháp luật nhà nước, thuyên chuyển vị trí cho nhau khi bị kỷ luật hoặc khi hết nhiệm kỳ bầu cử như một thông lệ bất thành văn.

Thực tế nêu trên đòi hỏi cấp thiết Việt Nam phải xây dựng một nhà nước pháp quyền, lấy Hiến pháp và pháp luật làm định hướng pháp lý cho việc phân định chức năng, quyền hạn giữa Đảng và nhà nước. Đặt ra một ranh giới rõ ràng, cụ thể về quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng giữa hai cơ quan này, xem đâu là trách nhiệm pháp lý thuộc về nhà nước, đâu là trách nhiệm pháp lý thuộc về Đảng, nhất là trong bổ nhiệm, quản lý nhân sự - một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khi bàn về việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong chế độ nhất nguyên chính trị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan điểm cho rằng,

thực hiện chế độ một đảng cầm quyền thường dễ dẫn đến chủ quan, duy ý chí, quan liêu trong việc hoạch định đường lối, chủ trương. Đảng cầm quyền duy nhất có thể vì quyền lợi của mình, áp đặt ý chí, đặt mình lên trên nhà nước, trên pháp luật, bao biện, lấn át, làm thay nhà nước. Và khi có hậu quả xảy ra thì không tự phê bình, sửa đổi vì không còn lực lượng xã hội nào đối lập để phê bình đảng đó. Do nắm giữ các chức vụ thiết yếu trong bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền dễ sa vào tiêu cực, đặc quyền, đặc lợi, bao che cho nhau. Hiểu rõ tình hình này, Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đã từng cảnh báo rằng, đối với một đảng cầm quyền thì hai nguy cơ lớn có thể xảy ra cần phải đề phòng là sai lầm về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và bệnh quan liêu, cửa quyền, độc quyền, độc đoán.

Văn kiện Đại hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhấn mạnh "bài học lớn rút ra từ những năm qua là trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo, củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân, tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu" [13, 29]. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định, “khắc phục tình trạng Đảng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay chức năng, nhiệm vụ quản lý điều hành của chính quyền” [21, 144].

Đảng Cộng Sản Việt Nam không chỉ lãnh đạo chính quyền mà còn lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Tư tưởng đó đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992: “Đảng Cộng Sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” [39, 137]. Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước thực hiện những chủ trương, đường lối, thông qua tổ chức Đảng trong bộ máy nhà nước, thể chế hoá đường lối, chủ trương thành các văn bản pháp luật. Đảng đồng thời thực hiện việc kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của các đảng viên đang làm việc trong bộ máy nhà nước, nếu các cán bộ, công chức nhà nước là đảng viên có những hành vi phạm pháp thì thông qua các tổ chức của mình, Đảng tiến hành kỷ luật đảng, còn nhà nước tiến hành xét xử theo đúng pháp luật, không lấy kỷ luật Đảng thay cho hình phạt pháp luật nhà nước.

Chế độ chính trị nhất nguyên ở Việt Nam là điều kiện thực tiễn tạo ra một đời sống dân chủ thống nhất và ổn định. Vì bản chất của một nền dân chủ không phải ở chỗ nền dân chủ đó tồn tại trong chế độ đa đảng hay chế độ một đảng mà là ở chỗ đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích giai cấp nào, sử dụng quyền lực nhà nước vào mục đích gì, đem lại quyền lợi cho ai.

Sự lãnh đạo chính trị duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam tạo các điều kiện thuận lợi để nhà nước thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, bảo đảm các chủ trương đúng đắn của Đảng được các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đầy đủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo một hướng thống nhất, trên cơ sở có sự phản biện, tranh luận lẫn nhau, cùng thống nhất bàn bạc mọi công việc. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với đời sống xã hội và Nhà nước Việt Nam không mâu thuẫn với tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền nói chung mà còn là điều kiện có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất tạo đồng thuận xã hội, tăng cường hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, các cộng đồng dân cư và các dân tộc. Nhờ vậy, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có được sự ủng hộ rộng rãi từ phía xã hội, có sức mạnh từ sự đoàn kết toàn dân, phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp dân cư trong việc thực hành và phát huy dân chủ nói chung, pháp luật nói riêng.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, vai trò lãnh đạo của Đảng là hết sức cần thiết. Đảng thống nhất chủ trương, hành động và chỉ đạo giải quyết hợp tình hợp lý các mâu thuẫn xã hội, nhất là các khiếu kiện đất đai kéo dài, tạo niềm tin cho nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Đảng đồng thời đi dầu trong công tác tự phê bình và phê bình, trong việc phòng và chống tham nhũng, phê phán các sai lầm tả khuynh trong công tác lãnh đạo của chính phủ. Nghị quyết Ban chấp hành Trung Ương IV và VI, khóa XI vừa qua là một ví dụ điển hình về vai trò lãnh đạo của Đảng.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 87 - 91)