điều kiện truyền thống văn hoá làng xã
Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc nền văn minh lúa nước, đời sống nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Điều này quy định mô hình tổ chức cộng đồng - đó là một mô hình tổ chức nông thôn dựa trên quan hệ huyết thống gia tộc, xóm làng, xã. Trong suốt chiều dài lịch sử, tổ chức cộng đồng đó đã kiến tạo một không gian văn hóa đặc sắc được các nhà văn hóa học gọi là văn
hóa làng xã. Văn hóa làng xã được thể hiện thông qua các biểu trưng văn hóa
mang giá trị truyền thống như cây đa, bến nước, sân đình, cho đến các bản gia phả dòng họ, hương ước, hội hè, đình đám, tín ngưỡng … mang đặc sắc của mỗi làng quê. Văn hoá làng là dòng văn hoá chủ đạo trong đời sống tinh thần người Việt. Văn hóa làng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người, tạo nên nhân cách mang dấu ấn địa phương và quy định lối sống, cách đối nhân xử thế của mỗi cá nhân trong suốt cả cuộc đời.
Văn hóa làng đã làm phát sinh lối sống trọng lệ hơn luật hay theo cách nói dân gian phép vua thua lệ làng. Vậy, lệ làng là gì? Tại sao lệ làng có sức mạnh xã hội quy định và điều chỉnh hành vi con người nhiều khi hơn cả luật pháp nhà
nước. Lệ làng đã ảnh hưởng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào?
Lệ làng là cách nói dân gian, diễn đạt bằng ngôn từ khoa học thì đó là Hương ước và Luật tục. Hương ước và Luật tục là sản phẩm thành văn do cộng đồng dân cư Làng, Bản thoả thuận lập ra, chứa đựng một hệ thống các quy ước đóng vai trò cương lĩnh tinh thần của làng và là công cụ điều chỉnh các quan hệ trong nội bộ cộng đồng dân cư nông thôn. Những quy ước trong Hương ước và Luật tục được người dân Làng, Bản tuân thủ chặt chẽ và trở thành tập tục truyền từ đời này qua đời khác.
Hương ước và Luật tục chứa đựng những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ dân cư, thể hiện nhu cầu và nguyện vọng của họ. Do vậy, chúng phản ánh một cách sâu sát, đầy đủ những vấn đề của đời sống cộng đồng và được chỉnh sửa kịp thời khi cuộc sống có biến động. Những vấn đề được nêu trong Hương ước và Luật tục đều mang tính cụ thể, rõ ràng, gắn liền với phong tục, tập quán địa phương. Người đựơc dân chúng giao cho việc soạn thảo Hương ước và Luật tục là những người am hiểu văn hóa và ngôn ngữ bản địa, nên Hương ước và Luật tục có sức lan tỏa nhanh và rộng trong cộng đồng. Sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chứng minh, nếu chỉ sử dụng thuần tuý pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội ở nông thôn thì không ổn. Việc xoá bỏ Hương ước và Luật tục vô tình bỏ qua nét đẹp văn hoá truyền thống, để lại những khoảng trống mà pháp luật cho dù hoàn thiện đến đâu cũng không thể nào bao quát hết. Thực tế đó đòi hỏi thừa nhận trở lại Hương ước và Luật tục.
Hương ước và Luật tục có một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự quá tải cho pháp luật nhà nước, song chúng cũng là một lực cản to lớn trên bước đường xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều lúc, nhiều nơi luật pháp nhà nước đi xuống địa phương bị địa phương hoá hay biến tướng theo ý chí của các quan chức. Ngày nay, quan niệm phép vua thua lệ làng vẫn còn sống dai dẳng và ám ảnh như một bóng ma, làm xuất hiện Lệ làng hiện đại là một thứ lệ tái sinh
không phải ở làng theo đúng nghĩa mà là ở các cơ quan nhà nước. Mỗi cơ quan nhà nước như một đơn vị tự trị, tự đặt ra những quy định riêng làm rắc rối và chậm tiến độ công việc chung, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi hành pháp luật nhà nước.
Ngoài sự tác động của Hương ước và Luật tục, văn hóa làng xã còn là tiền đề thực tiễn tạo nên trong tâm thức người Việt lối sống khá độc đáo mang đặc sắc Việt Nam - đó là lối sống coi trọng tình nghĩa và thái độ cả nể trong cách giải
quyết công việc hành chính nhà nước.
Lối sống coi trọng tình nghĩa là một nét đẹp truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Với một lối sống coi trọng tình nghĩa, khi gặp những vấn đề rắc rối trong cuộc sống, người Việt thường xử lý theo phương châm “một điều nhịn, chín điều lành”, “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý”, nên không đem chúng ra toà án công lý mà xử lý theo tập quán, luật tục của dòng họ, của địa phương. Và nếu có đưa vụ việc ra trước pháp luật thì cũng xử lý theo phương châm “đưa nhau đến chốn cửa công, bề ngoài là lý, bên trong là tình”. Lối sống coi trọng tình nghĩa, tạo nên thói quen ngại khiếu tố, khiếu nại và thậm chí có ác cảm với kiện tụng làm hạn chế việc thực thi pháp luật.
Thái độ cả nể trong cách giải quyết công việc hành chính Nhà nước của các cán bộ, công chức bắt nguồn từ triết lý sống “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, v.v.. Thái độ cả nể là nguyên nhân phát sinh những hiện tượng “con ông cháu cha”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, “nhất thân, nhì quen”, v.v.. Ảnh hưởng của thái độ cả nể trong đời sống pháp luật là gây nên những khó khăn nhất định cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Vì suy cho cùng, trong ba yếu tố lập pháp, hành pháp, tư pháp thì hai yếu tố sau là rất quan trọng. Việc lập pháp có chu đáo, khoa học, đầy đủ bao nhiêu nhưng khi thi hành và bảo vệ pháp luật các chủ thể của nó không tuân thủ nghiêm túc, nhất quán thì pháp luật đó cũng sẽ vô hiệu quả, hay trở nên thừa.
Trong xã hội hiện đại, thói quen ngại khiếu tố, khiếu nại còn có nguyên nhân từ phía chính quyền nhà nước như pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều vụ việc
chưa có quy phạm pháp luật để xử phạt, bộ máy hành pháp thiếu nghiêm minh chính trực, năng lực pháp lý và đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế, nên người dân phần nào e ngại trong việc nhờ chính quyền can thiệp, họ không muốn tố cáo, tố giác, v.v.. Những hiện tượng này đã và đang tồn tại khá phổ biến ở Việt Nam, gây ra khó khăn trong xử lý hành chính nhà nước, làm giảm tính chuẩn mực của pháp luật, tạo môi trường thuận lợi nuôi dưỡng tệ nạn hối lộ, quan liêu, tham nhũng. Thời xưa, những quan niệm “dĩ hòa vi quý”, “chín bỏ làm mười” trở thành chuẩn mực ứng xử, một cách đối nhân xử thế. Nhưng trong xã hội hiện nay, nếu tuyệt đối hoá chúng, thì vô tình làm vô hiệu hoá pháp luật, biến pháp luật thành một hiện tượng “giơ cao đánh khẽ”, cản trở tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
Truyền thống văn hoá làng xã tác động không nhỏ đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự tác đông này có thể đến từ cả hai phía, tích cực (thúc đẩy) và tiêu cực (cản trở).
Về tác động tích cực, văn hóa làng xã có một vai trò khá quan trọng trong
việc điều chỉnh và đánh giá hoạt động con người, cụ thể là:
Văn hóa làng xã góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội, quan hệ dòng tộc và quan hệ gia đình. Nhờ có những điều quy định trong Hương ước, Luật tục mà các thành viên cộng đồng luôn nhắc nhở mình phải sống sao cho có trách nhiệm với cộng đồng, với dòng tộc và gia đình, làm gì và làm thế nào để đóng góp sức mình cho đời sống cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Sức mạnh của Hương ước và Luật tục thực ra là sức mạnh của phong tục, tập quán, của truyền thống trong cách đối nhân xử thế của đời sống làng xã Việt Nam, do vậy nó mang ý nghĩa giáo dục to lớn và có tính thực tế cao. Như một luật bất thành văn, những quy định trong Hương ước và Luật tục là những tiêu chí thẩm định nhân cách mỗi thành viên trong cộng đồng, tạo nên một sức ép tâm lý và dư luận xã hội điều chỉnh hành vi cá nhân.
Văn hóa làng xã góp phần giảm bớt sự quá tải cho pháp luật nhà nước. Những điều quy định trong Hương ước và Luật tục là những vấn đề rất thiết thực
của cuộc sống, thiết thân của con người, chúng được hình thành xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn nhằm điều chỉnh, giám sát và đánh giá các quan hệ phát sinh trong đời sống cộng đồng làng xã. Nhờ có những quy định này mà pháp luật nhà nước giảm bớt được sự quá tải, các nhà soạn luật không cần phải can thiệp sâu vào đời sống cộng đồng bằng những quy phạm pháp luật quá chi tiết, quá cụ thể. Bởi vì, pháp luật nhà nước chỉ có thể đưa ra những quy định, những vấn đề mang giá trị phổ quát cho toàn xã hội hoặc một vùng miền nào đó, chứ không thể đưa ra những quy định riêng cho từng làng, xã cụ thể, trong khi đó Hương ước và Luật tục lại làm rất tốt vấn đề này. Văn hóa làng xã đồng thời là cơ sở cho việc soạn thảo pháp luật, nghĩa là khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật các nhà lập pháp phải nghiên cứu kỹ những quy ước trong Hương ước làng xã để vận dụng vào pháp luật cho hợp tình, hợp lý. Tránh tình trạng luật pháp xa rời, thoát ly khỏi cuộc sống, khỏi những hoạt động lao động sản xuất.
Về tác động tiêu cực, văn hóa làng xã là một trong những lực cản không
nhỏ trên bước đường xây dựng nhà nước pháp quyền, có thể làm phức tạp hóa và làm chậm lại tiến trình này, cụ thể là:
Nếu tuyệt đối hóa vai trò điều chỉnh và đánh giá quan hệ xã hội của các quy định truyền thống làng xã này thì pháp luật nhà nước có nguy cơ sẽ dễ dàng bị đẩy xuống hàng thứ yếu, đưa xã hội trở về với truyền thống “phép vua thua lệ làng”. Tình trạng này đã từng diễn ra trong xã hội phong kiến trước đây, và hiện đang có nguy cơ phục hồi. Nhiều lúc, nhiều nơi luật pháp nhà nước khi triển khai xuống địa phương vô tình đã bị địa phương hoá hay bị biến tướng theo ý chí chủ quan của các quan chức và dân chúng, tạo nên một thứ “luật con” hay “lệ làng” trong luật chung nhà nước. Văn hóa làng xã được hình thành từ thời xa xưa, do vậy chắc chắn chứa đựng một số điều bất hợp lý trong cuộc sống hiện đại. Ví dụ, vấn đề trọng nam khinh nữ trong xã hội truyền thống, nay phải được thay đổi, kéo theo nó là hàng loạt vấn đề khác như bệnh gia trưởng, bạo lực gia đình, v.v..
Trong xã hội hiện đại, quan hệ xã hội mở rộng, văn hóa giữa các vùng miền thâm nhập, giao thoa nhau làm cho các quy định trong làng xã trở nên chật
hẹp, thậm chí hẹp hòi, cố chấp. Do vậy, nếu không có một sự khoan dung thì đôi lúc, đôi nơi sẽ xảy ra tình trạng xung đột văn hóa. Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các làng, bản đang bị thu hẹp dần để nhường chỗ cho các khu công nghiệp, khu đô thị, Ecopark. Tốc độ thành thị hóa nông thôn đang diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử. Thực tế này đòi hỏi Hương ước, Luật tục cũng phải nhanh chóng được thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển mới.