Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sự chuyển đổi hình thức nhà nước

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 95 - 100)

sự chuyển đổi hình thức nhà nước

Quan điểm xây dựng và hoàn thiện nhà nước dân chủ nhân dân luôn nhất quán trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Điều 2, Hiến pháp 1959 khẳng định: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà… là một nước dân chủ nhân dân” [39, 32]. Đại hội IV Đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định đổi tên nước từ “Việt Nam dân chủ cộng hòa” thành “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Do tình hình và nhiệm vụ mới, việc thay đổi Hiến pháp là tất yếu. Điều 2, Hiến pháp 1980, ghi nhận: “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản” [39, 75]. Sự ghi nhận trên hoàn toàn phù hợp với lý luận Mác - Lênin về bản chất giai cấp công nhân của nhà nước và pháp luật thời kỳ quá độ lên chủ

nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VI khởi xướng đã làm thay đổi một số quan niệm về chức năng và nhiệm vụ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Điều 2, Hiến pháp 1992 ghi nhận: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” [39, 137].

Đảng Cộng Sản Việt Nam xác định Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nhà nước mà trong đó tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân.

Nhà nước của dân là nhà nước nhân dân làm chủ trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa tinh thần. Về phương diện kinh tế, người dân là chủ sở hữu mọi tài nguyên thiên nhiên và của cải của đất nước cũng như tư liệu sản xuất. Về phương diện chính trị, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền tự do sống và làm việc trong phạm vi mà pháp luật không cấm. Nhà nước phải bằng mọi nỗ lực hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế. Về phương diện văn hóa tinh thần, người dân có quyền hưởng thụ mọi giá trị giáo dục, văn hóa tinh thần, có quyền lao động và học tập.

Nhà nước do dân là nhà nước mà nhân dân trực tiếp bầu ra. Cán bộ trong các cơ quan chính quyền do dân lựa chọn thông qua hình thức dân bầu, Đảng cử. Tài chính của nhà nước do nhân dân đóng góp thông qua hệ thống thuế khóa. Chính sách, pháp luật, cơ cấu tổ chức nhà nước do nhân dân tham gia xây dựng. Các hoạt động của nhà nước đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm sát của nhân dân.

Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân,

đứng như nhận định của Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu quyền lợi đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” [50, 698]. Vì vậy, khi nói đến nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì

dân thì vấn đề hàng đầu phải thực hiện chính là vấn đề pháp luật nhà nước phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân. Việc lập pháp, một mặt, phải lấy lợi ích nhân dân vừa làm điểm xuất phát đồng thời vừa là mục đích cuối cùng, mặt khác phải lắng nghe ý kiến đóng góp của dân vào các bản dự thảo luật, các dự án tầm quốc gia. Việc hành pháp phải dựa trên nguyên tắc công minh chính trực. Việc tư pháp phải thật sự nghiêm minh, thấu tình đạt lý. Quá trình xét xử phải tách rời phần điều tra xét hỏi, nghĩa là cần thiết phải thành lập hai cơ quan độc lập là tòa án và thanh tra hay công tố, giao quyền hạn nhiều hơn cho thẩm phán trong công tác điều tra xét hỏi.

Những trình bày trên cho thấy, trong hơn nửa thế kỷ qua, Nhà nước Việt Nam đã có những bước chuyển đổi từ dân chủ nhân dân lên chuyên chính vô sản, từ chuyên chính vô sản lên nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, còn hiện nay đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc chuyển đổi hình thức nhà nước như đã nói trên thực chất là điều chỉnh vai trò, chức năng, nhiệm vụ nhà nước, tăng cường tính dân chủ và tính hiệu lực của nó. Nếu trước đây tuyệt đối hóa vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân (chuyên chính vô sản) thì hiện nay lại đề cao nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ”. Nếu trước đây quản lý kinh tế, xã hội chủ yếu bằng nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng thì nay vai trò của nhà nước và pháp luật được đề cao. Nhà nước là chủ thể của pháp luật, còn pháp luật là phương tiện cơ bản để nhà nước quản lý kinh tế - xã hội.

Việc đề cao vai trò làm chủ của nhân dân là một bước đột phá không chỉ về phương diện nhận thức chính trị, mà còn là sự thay đổi về phương diện quản lý nhà nước, làm thay đổi bản chất và diện mạo nhà nước. Kể từ đây, việc quản lý những vấn đề kinh tế- xã hội của nhà nước được vận hành theo hai nguyên tắc cơ bản “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ”. Mọi quốc gia đại sự đều phải công khai cho nhân dân biết, để nhân dân có cơ hội và thời gian bàn bạc, phản biện. Khi đã triển khai công việc thì nhân dân có quyền được giám sát, kiểm tra việc làm đó. Không

chỉ có vậy, nhân dân còn tham gia vào việc phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Mọi bộ luật, đạo luật ở dạng dự thảo phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Dân chủ cơ sở cũng là một trong những việc làm cụ thể khẳng định nhà nước của dân, do dân, vì dân. Việc vận dụng cơ chế dân chủ cơ sở vào đời sống thường nhật đã làm cho bầu không khí chính trị thêm sôi nổi, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từ nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đạo hóa sẽ có nhiều thuận lợi. Bởi vì, nhà nước của dân, do dân, vì dân là hình thức nhà nước đề cao vai trò làm chủ của nhân dân trên mọi phương diện đời sống xã hội, từ kinh tế đến chính trị và pháp luật. Nhân dân không chỉ là người thực thi, thừa hành pháp luật nhà nước mà còn là chủ thể xây dựng và bảo vệ pháp luật. Thực tế cho thấy, nhiều nơi, nhiều lúc nhân dân đã thực sự làm chủ đất đai, tư liệu sản xuất, họ an tâm sản xuất trên ruộng đồng của mình, nhất là khi nhà nước ra chủ trương giao đất với thời hạn lâu dài.

Theo quan điểm này thì pháp luật trước hết phải được xây dựng trên nền tảng ý chí và quyền lợi của nhân dân, vì mục đích của nhân dân. Nội dung pháp luật hướng tới phục vụ nhân dân, đồng thời nhân dân cũng phải ý thức được trách nhiệm công dân của mình, có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc thực thi và bảo vệ pháp luật. Việc chấp hành pháp luật không còn là nghĩa vụ mà phải trở thành một thói quen thường ngày, một việc làm mang tính tự giác, không cần sự nhắc nhở nhiều từ phía chính quyền.

Sự tự giác thực hiện pháp luật của nhân dân là tiền đề thực tiễn để giảm thiểu biên chế bộ máy nhà nước, tiết kiệm nguồn nhân lực nhằm tập trung cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự tự giác bảo vệ pháp luật của nhân dân như tố giác tội phạm, gửi thư tố cáo, khiếu tố, khiếu nại, v.v. sẽ giúp chính quyền nhà nước phát hiện và sử lý được nhiều vụ việc vi phạm pháp luật. Theo con số thống kê của ban thanh tra chính phủ thì hơn 50% số vụ việc vi

phạm pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước là do sự tố giác của dân chứ không phải do phát hiện của cơ quan chức năng làm nhiệm vụ thanh tra trong bộ máy nhà nước, thanh tra Đảng.

Tóm lại, những đặc thù trong phương diện chính trị nêu trên đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng góp phần thúc đẩy và cũng có thể cản trở, làm chậm tiến trình đó. Thực tế đời sống chính trị hiện nay đặt ra một số vấn đề cấp thiết là:

1) Làm gì và làm như thế nào để trong điều kiện một nền chính trị nhất nguyên, tức một đảng duy nhất cầm quyền mà vẫn thực thi được dân chủ, Đảng vẫn đưa ra được những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp lòng dân? Sự kiện góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra những tháng đầu năm 2013 khá sôi nổi xoay quanh chủ đề vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Một số ý kiến trái chiều cho rằng, để tránh những nguy cơ độc quyền, chuyên quyền thì cần có sự chia sẻ quyền lực cho các lực lượng xã hội khác. Sau khi phân tích nhiều luồng ý kiến, Hội nghị Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ bảy, khóa XI đi đến quan điểm thống nhất khẳng định quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam như đã quy định trong Điều 4 của Hiến pháp 1992. Quan điểm này có căn cứ thực tiễn, được lịch sử chúng minh và định hướng lý luận, lấy mục tiêu chung của toàn dân tộc là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm chiến lược, phương châm hành động.

2) Cần nâng cao chất lượng cán bộ công chức và tổ chức bộ máy nhà nước như thế nào để trong điều kiện không phân chia quyền lực giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp mà vẫn đảm bảo được tính khách quan của việc xây dựng và bảo vệ pháp luật, của quá trình điều tra, xét xử các vụ án? Nhìn chung, không chấp nhận nguyên tắc tam quyền phân lập là một trong những vấn đề đang gây tranh luận với những chính kiến và lập luận khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Sự kiện bổ sung và góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra sâu rộng trong toàn dân thời gian qua cho thấy sự phức tạp của vấn đề này. Nhưng với định hướng chung là để thống nhất quan điểm trong việc xử lý mọi vấn đề, Đảng và

Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên tắc thống nhất quyền lực giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở tăng cường sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan này.

Những vấn đề đặt ra này có tính cấp thiết, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu chuyên sâu về mặt lý luận và là cơ sở để tác giả luận án đề xuất các giải pháp cơ bản về phương diện chính trị nêu trong chương 4 của luận án.

Một phần của tài liệu Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 95 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w