Theo quan điểm của các nhà lý luận Việt Nam, nhà nước pháp quyền là một hình thức nhà nước gắn liền với sự ra đời của kiểu nhà nước tư sản. Sự ra đời của nhà nước pháp quyền đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tư duy nhân loại, là sự phủ định nhà nước quân chủ chuyên chế phong kiến. Do vậy, nó mang trong mình nhiều đặc trưng và dấu hiệu của một nhà nước dân chủ, một nhà nước đề cao quyền con người. Nghiên cứu những mô hình lý thuyết và thực tiễn của nhà nước pháp quyền cũng như quan điểm của các nhà lý luận, dựa trên phương pháp trừu tượng hóa chúng tôi khái quát rằng, so với các hình thức nhà nước trước đó, nhà nước pháp quyền có những đặc trưng cơ bản sau: 1) Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật giữ vị trí tối thượng. 2) Nhà nước pháp quyền bảo đảm nguyên tắc phân chia quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. 3) Nhà nước pháp quyền tôn trọng, bảo vệ quyền công dân. 4) Nhà nước pháp quyền do của các chính đảng lãnh đạo.
Những đặc trưng cơ bản về nhà nước pháp quyền như đã nêu trên là cơ sở lý luận và phương pháp luận cho tất cả các quốc gia trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, khi xây dựng nhà nước pháp quyền, mỗi quốc gia phải căn cứ vào điều kiện lịch sử - cụ thể của mình để thiết kế một mô hình riêng, lựa chọn những phương pháp và những bước đi thích hợp. Việt Nam là quốc gia có những nét đặc thù về kinh tế, về chính trị, về văn hóa - xã hội, do vậy không thể áp dụng một cách rập khuôn, máy móc lý luận nhà nước pháp quyền nói chung vào thực tiễn. Điều đó đòi hỏi các nhà lý luận Việt Nam ngoài việc tiếp thu các giá trị phổ quát của nhà nước pháp quyền, còn cần phải có những tìm tòi, sáng tạo vạch ra những hướng đi riêng, thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, dựa vào quan điểm các nhà lý luận Việt Nam, chúng tôi cho rằng, ngoài những đặc trưng chung mang tính phổ quát của mọi nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn có một số đặc trưng riêng như sau: 1) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 2) Trong Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyền lực nhà nước thống nhất trên cơ sở có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. 3) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.
Xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam là xu hướng phù hợp với logic phát triển. Là quốc gia tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến, ngay từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Đảng Cộng Sản Việt Nam xác định phải tiến hành công nghiệp hóa. Thập kỷ tám mươi thế kỷ XX, khi cuộc cách mạng công nghệ trên thế giới phát triển nhanh, Đảng Cộng Sản Việt Nam xác định công nghiệp hóa phải gắn liền với hiện đại hóa.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, để nhanh chóng đuổi kịp tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế thì Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghĩa là cần phải đi tắt, đón đầu, rút ngắn thời gian phát triển. Ở Việt Nam hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã, đang và sẽ làm phát sinh nhiều hệ lụy về kinh tế, về chính trị, về văn hóa - xã hội như giải tỏa đất ở, đền bù đất nông nghiệp, di dời các công trình văn hóa, xã hội, tâm linh, v.v. mà nếu không có hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh, không giải quyết hợp tình hợp lý thì có nguy cơ gây khiếu kiện, thậm chí có thể gây xung đột xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là quá trình đô thị hóa nông thôn, làm phát sinh nhiều thành phố, đô thị, thị xã, khu công nghiệp và dòng người từ nông thôn đổ về đô thị để sinh sống, tìm kiếm việc làm. Đời sống đô thị với mật độ dân cư lớn, nhịp điệu sống nhanh, kỷ luật lao động nghiêm minh, nguy cơ thất nghiệp và tệ nạn xã hội cao sẽ tạo nên những khó khăn cho người dân. Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải nhanh chóng có những văn bản pháp lý hướng dẫn, điều chỉnh làm sao đó để ổn định xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Chương 3