trên chế công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu có sự kết hợp với các hình thức sở hữu khác
Sở hữu là một phạm trù kinh tế - xã hội phản ánh quan hệ giữa người và người trong việc chiếm hữu của cảỉ vật chất xã hội mà chủ yếu là tư liệu sản xuất. Sở hữu không chỉ bao gồm quan hệ giữa người và người về sự chiếm hữu tư liệu sản xuất, của cải mà còn đề cập đến quan hệ giữa người với người trong quá trình diễn ra sự chiếm hữu đó. Trong lịch sử kinh tế học, Mác và Ănghen là những người đầu tiên nhìn nhận vấn đề sở hữu trên quan điểm duy vật lịch sử. Theo họ, chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất trong xã hội tư bản là nguyên nhân tha hóa lao động. Vì vậy, chỉ khi nào có xóa bỏ được chế độ tư hữu thì mới giải quyết được mâu thuẫn và sự đối lập giữa các giai cấp, đồng thời thực hiện giải phóng con người. Tuy nhiên, hai ông cũng lưu ý rằng, việc xóa bỏ chế độ tư hữu phải tuân theo các quy luật khách quan của sự vận động, phát triển xã hội và được thực hiện triệt để khi sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến điểm mà chúng không còn thích hợp với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa nữa.
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử - cụ thể Việt Nam. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên cũng có lúc chúng ta mắc phải một số sai lầm trong đó trọng tâm là vấn đề sở hữu. Đó là
nhận thức đơn giản, một chiều, cho rằng có thể xác lập sớm một chế độ công hữu, một quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa để lôi kéo, thúc đẩy lực lượng sản xuất lạc hậu phát triển. Chính vì nhận thức siêu hình như vậy, chúng ta đã nóng vội và duy ý chí khi chủ trương xóa bỏ mọi hình thức sở hữu khác, chỉ chấp nhận hai hình thức sở hữu cơ bản là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Chúng ta cũng chưa tôn trọng quy luật kinh tế khách quan là tính chất và trình độ lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất nên chưa tập trung phát triển lực lượng sản xuất mà chỉ chú trọng việc cải tạo quan hệ sản xuất.
Quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ Đại hội VI đến nay về vấn đề sở hữu đã có nhiều đổi mới và sáng tạo, phù hợp với sự phát triển chung của thời đại. Từ chỗ chỉ thừa nhận và tuyệt đối hóa chế độ công hữu, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quan tâm phát triển chế độ sở hữu tư nhân và hỗn hợp trên cơ sở đó hình thành nền kinh tế nhiều thành phần. Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh mới (bổ sung, phát triển năm 2011), xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp” [21, 70]. Sự phù hợp ở đây bao gồm cả phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại và phù hợp với bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Trong Đại hội này, Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục khẳng định, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan xen nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Trong các hình thức sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là những doanh nghiệp cổ phần cần có cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển để chúng trở thành phổ biến trong nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội hóa sản xuất, kinh doanh và sở hữu. Các văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đề ra các chủ trương:
Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển đa dạng
các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc về các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế; xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý về sở hữu đối với các loại tài sản mới như sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước, quy định rõ ràng, cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của các chủ sở hữu đối với xã hội. Khuyến khích hình thành và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh với sở hữu hỗn hợp mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần để loại hình kinh tế này trở thành lực lượng phổ biến trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất, kinh doanh và sở hữu. Đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải thể những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong nhiều năm.
Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các loại tài sản công khác để tài nguyên, vốn và các tài sản công được quản lý, sử dụng có hiệu quả, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong khai thác và quy hoạch loại tài nguyên này. Đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản do nhà nước đại diện chủ sở hữu được giao cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng theo nguyên tắc khai thác có hiệu quả. Các chủ thể có quyền và nghĩa vụ như nhau trong sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước. Công bằng trong phân phối các yếu tố sản xuất, tiếp cận và sử dụng các cơ hội, điều kiện phát triển. Phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, sở hữu đất đai đang là một vấn đề nổi cộm, gây nhiều tranh chấp, thậm chí cả xung đột xã hội trong các vụ việc đền bù, giải tỏa. Điều này diễn ra do luật đất đai Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập, không phản ánh đầy đủ, kịp thời sự phát triển của tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo ý kiến một số luật sư thì không có quốc gia nào có bộ luật về quản lý đất đai đồ sộ và phức tạp như ở Việt Nam. Sự đồ sộ thể hiện trong số lượng các văn bản luật và dưới luật, sự
phức tạp thể hiện trong cách diễn đạt văn bản pháp luật mà điển hình là cụm từ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Khi khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước vô tình đã trừu tượng hóa cả đối tượng sở hữu, chủ thể sở hữu lẫn quyền sở hữu, dẫn đến tình trạng có lúc, có nơi lạm dụng kẽ hở pháp luật trong việc xử lý các vụ việc đất đai như đền bù, giải tỏa các khu dân cư và đất nông nghiệp làm mặt bằng các khu công nghiệp, công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống cho dân cư đô thị.
Trong thời gian qua, các lạm dụng kẽ hở pháp luật trong lĩnh vực đất đai
chủ yếu đến từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương. Sự “lạm dụng” này xảy ra ở hai phương diện: 1) Quy hoạch sử dụng đất và 2) Thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân (nhất là nông dân) để xây dựng các dự án công nghiệp, thương mại, phúc lợi xã hội. Về mặt pháp lý, quyền quy hoạch, sử dụng đất đương nhiên thuộc chủ sở hữu đất. Theo luật pháp hiện hành, nếu chủ sở hữu là “toàn dân” thì nhân dân (tức nông dân đang sử dụng đất ở, đất nông nghiêp, đất rừng) phải được tham gia xây dựng quy hoạch. Nhưng trên thực tế, với vai trò “đại diện chủ sở hữu toàn dân”, các cơ quan chính quyền địa phương nắm toàn quyền trong việc lập và sửa đổi quy hoạch, còn chủ thể thực sự của đất là nhân dân thì hầu như đứng ngoài cuộc, không những không được quyền bàn bạc mà còn trở thành nạn nhân của các cuộc đền bù, giải tỏa, dẫn đến khiếu kiện tập thể kéo dài. Quá trình lạm dụng quyền sở hữu đất bắt đầu từ khi có các nhóm lợi ích tư nhân từ phía các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, thậm chí chi phối, dẫn đến hậu quả là một số dự án quy hoạch xa rời mục đích chung của toàn dân mà chủ yếu nhằm hỗ trợ các nhóm lợi ích tư nhân tìm kiếm lợi nhuận thông qua các dự án khu công nghiệp, dịch vụ, công viên sinh thái, nhà vườn, v.v.. Thực tế cho thấy, nhiều dự án khu công nghiệp đã được biến tướng, thay tên, đổi chủ, thay đổi mục đích ban đầu để trở thành những lô hàng hóa bất động sản, những nhà hàng, khách sạn, v.v. gây bức xúc dư luận.
Trước đây, mọi tài nguyên thiên nhiên đều thuộc về sở hữu nhà nước, do nhà nước quản lý, do vậy luật về sở hữu dường như bị xem nhẹ. Khi mở ra nền
kinh tế thị trường và tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì sở hữu đã trở nên vấn đề nan giải, nhất là việc quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Điều đó lý giải tại sao trong thời gian gần đây, đất đai trở thành điểm nóng trong các vụ khiếu kiện của công dân. Con số thống kê cho thấy, trong các vụ việc khiếu kiện hiện nay, hơn 90% liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng đất đai. Hơn 20 năm qua Việt Nam đã điều chỉnh, sửa đổi nhiều lần về luật đất đai, nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình về việc tranh chấp đất đai, nhất là vấn đề giải toả mặt bằng để xây dựng các công trình hạ tầng và khu công nghiệp cũng như các công trình xã hội. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật đất đai và những đạo luật liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng đất đai cũng như tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, quản lý các khu công viên du lịch sinh thái.
Những trình bày trên chứng tỏ rằng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một bước đột phá lớn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển xuất xuất, kinh doanh, nhưng cũng gây khó khăn thách thức cho đời sống xã hội nói chung, cho đại bộ phận nông dân nói riêng đặc biệt là vấn đề sở hữu. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng một nhà nước quản lý kinh tế theo hướng hiện đại, lấy pháp luật làm phương tiện cơ bản. Trong một nhà nước như vậy, mọi hoạt động kinh tế đều phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý về sở hữu, sở hữu đất đai theo kịp với những biến đổi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tóm lại, về phương diện kinh tế, những vấn đề đặt ra hiện nay đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là:
1) Cần có những biện pháp và kế hoạch để nhanh chóng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, mà chủ yếu là thu nhập bình quân trên đầu người. Các số liệu thống kê cho thấy, hiện nay thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, điều này phản ánh một nền kinh tế chưa phát triển và chưa có tính hiệu quả cao,
làm ảnh hưởng đến quá xây dựng luật pháp và thực thi, bảo vệ pháp luật. Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất thì phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có như vậy mới tạo tiền đề kinh tế và điều kiện vật chất cho việc xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vì, suy cho cùng thì kinh tế là nhân tố quyết định mọi vấn đề còn lại, khi người dân có một cuộc sống đầy đủ vật chất, cuộc sống trở nên ấm no, họ sẽ có cơ hội để phát triển văn hóa pháp lý.
2) Việc chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao, cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp cần được giải quyết trên quan điểm pháp lý mới. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế quy định quá trình chuyển đổi pháp lý, làm sao đó để có một nền pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội.
3) Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang đụng chạm đến vấn đề sở hữu, mà nhạy cảm nhất là sở hữu đất đai, vì đất đai là đối tượng chính để trên đó xây dựng mặt bằng cho các khu công nghiệp và dịch vụ phục vụ công nghiệp. Tình hình này đòi hỏi hệ thống văn bản pháp lý về sở hữu nói chung, sở hữu đất đai nói riêng phải theo kịp với tiến trình biến đổi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội. Hiện tượng các dự án treo hiện nay đang làm lãng phí một diện tích lớn đất nông nghiệp, vậy cần một hệ thống văn bản pháp lý như thế nào để các dự án có trách nhiệm đi vào hoạt động ngay sau khi nông dân đã giao đất cho chủ đầu tư. Hoặc phải thu hồi lại những khu đất mà dự án không có khả năng thực hiện, trả lại đất nông nghiệp cho dân.
Để giải quyết những vấn đề đặt ra, cần có những giải pháp phù hợp và đồng bộ, về vấn đề này, chúng tôi sẽ giải quyết ở chương 4 của luận án.