1.1.3.1. Chức năng của ngân sách nhà nước
Tài chính của bất kỳ chủ thể nào cũng có chức năng phân phối và chức năng điều chỉnh và kiểm soát. NSNN là các hoạt động tài chính của nhà nước nên cũng có các chức năng đó.
* Chức năng phân phối
Chức năng phân phối của NSNN diễn ra trong quá trình phân phối các thành quả của nền kinh tế giữa nhà nước với các khu vực kinh tế khác và giữa các chủ thể trong nền kinh tế, bao gồm phân phối lần đầu và phân phối lại. Phân phối lần đầu của NSNN là quá trình phân chia kết quả sản xuất, kinh doanh giữa nhà nước với các chủ thể kinh tế khác khi nhà nước hoạt động với tư cách chủ sở hữu vốn và tài sản trong các doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư vốn, hoặc thu lãi tiền vay khi Nhà nước đóng vai người cho vay... Phân phối lại của NSNN liên
quan tới việc sử dụng quỹ NSNN cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội hoặc trợ cấp...
Chức năng phân phối của NSNN là khả năng khách quan, nhờ vào đó Nhà nước có thể chiếm hữu và chi phối một phần của cải xã hội (trước hết là sản phẩm mới được tạo ra) để tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ, nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội do Nhà nước đảm nhiệm.
Đối tượng phân phối của NSNN là giá trị của cải xã hội, trong đó chủ yếu là giá trị sản phẩm mới được tạo ra.
Kết quả trực tiếp của việc vận dụng chức năng phân phối của NSNN là các quỹ tiền tệ của Nhà nước được hình thành và sử dụng.
Việc tạo lập và sử dụng đúng đắn các quỹ tiền tệ của Nhà nước và của các chủ thể khác sẽ làm cho các nguồn lực trong xã hội được bố trí, sắp xếp theo một cơ cấu hợp lý nhằm đạt tới các mục tiêu hiệu quả, ổn định và phát triển.
Cũng chính việc tạo lập và sử dụng đúng đắn các quỹ tiền tệ của Nhà nước sẽ dẫn đến việc phân phối lại các nguồn tài chính thuộc sở hữu cá nhân một cách hợp lý, thu hẹp được khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, nhằm đạt tới mục tiêu công bằng xã hội.
* Chức năng kiểm soát và điều chỉnh
Chức năng kiểm soát và điều chỉnh của NSNN là khả năng khách quan, nhờ vào đó Nhà nước có thể xem xét và điều chỉnh lại tính đúng đắn, hợp lý của quá trình Nhà nước tham gia phân phối của cải xã hội để tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội .
Nhà nước thông qua hoạt động NSNN kiểm soát quá trình phân phối giá trị của cải xã hội (trong đó chủ yếu là giá trị sản phẩm mới được tạo ra), kiểm soát việc tuân thủ các cơ chế, chính sách tài chính của các chủ thể kinh tế.
Nếu phát hiện các mất cân đối, các vấn đề không hợp lý trong chế độ tài chính với các chủ thể trong nền kinh tế, nhà nước cũng thông qua NSNN tiến hành điều chỉnh lại những mất cân đối, bất hợp lý trong quá trình hoạt động kinh tế - tài chính.
Kiểm soát và điều chỉnh của NSNN có cùng đối tượng tác động, nhưng giữa chúng vẫn có sự khác nhau về nội dung. Nội dung kiểm soát: Kiểm tra tính cân đối, hợp lý, tính tiết kiệm và hiệu quả... trong việc phân phối của cải xã hội thông qua hoạt động NSNN. Còn nội dung của điều chỉnh là thay đổi tổng lượng, cơ cấu... huy động và sử dụng các nguồn tài chính thông qua NSNN.
Giữa kiểm soát và điều chỉnh có quan hệ mật thiết với nhau. Kết quả của kiểm soát là cơ sở của điều chỉnh; ngược lại, điều chỉnh đúng đắn sẽ tạo điều kiện phát huy hiệu quả của NSNN và kiểm soát sẽ được thực hiện ở một trình độ mới.
1.1.3.2. Vai trò của ngân sách nhà nước
Vai trò của NSNN có thể được xem xét dưới hai góc độ:
Công cụ truyền thống từ xưa đến nay là tập trung nguồn lực để đảm bảo