III. Kiến nghị các giải pháp cơ bản phát triển lao động kỹ thuật trong ngành Công nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập:
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động:
Từ thực trạng thị trường lao động hoạt động kém hiệu quả, chưa trở thành cầu nối liên kết giữa lao động đầu ra với nhu cầu thực tế trên thị trường, các biện pháp đề ra cần chú trọng triển khai là:
- Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động có hiệu quả, đặc biệt là thông tin về nhu cầu LĐKT trong khu vực công nghiệp. Công việc này được thực hiện trên cơ sở sự tổng hợp kết quả của các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm và chỉ tiêu, nhu cầu tuyển lao động thực tế của các doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề dựa trên cơ cấu nhu cầu trên để đưa ra kế hoạch tuyển sinh với từng ngành nghề, từng vùng cụ thể và đào tạo hợp lý, đảm bảo cơ hội việc làm cho các học viên tốt nghiệp trường nghề hàng năm.
- Điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp để đảm bảo điều kiện cho người lao động, khuyến khích họ làm việc. Tuy nhiên mức lương thực tế mà người lao động nhận được có thể áp dụng dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp, tạo cơ chế mở, mức lương thả nổi, linh hoạt để thu hút được nhiều lao động ở các
trình độ khác nhau, các vùng miền khác nhau vào làm việc, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp hiện có.
- Thị trường phải tạo cầu nối giữa nhu cầu nhà tuyển dụng và các cơ sở đào tạo nghề. Các doanh nghiệp có thể trực tiếp đặt hàng với các cơ sở đào tạo nghề hoặc thông qua các tổ chức tư vấn việc làm để đưa ra yêu cầu lao động của mình để tạo nên cầu nối giữa đào tạo - sử dụng lao động, đảm bảo cơ cấu đào tạo phù hợp với cơ cấu nhu cầu các doanh nghiệp.
Những định hướng phát triển lao động phải xuất phát trực tiếp từ nhu cầu thị trường. Do đó, hoàn thiện cơ chế thị trường lao động cũng chính là việc tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và lực lượng LĐKT nói riêng.
KẾT LUẬN
Lao động kỹ thuật ngày càng chiếm vị trí quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Phát triển lao động kỹ thuật chất lượng cao vừa tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội, vừa là động lực để nâng cao chất lượng đời sống cho
người dân. Đội ngũ lao động kỹ thuật lành nghề, năng động là điều kiện thuận lợi cho một nước đi sau như Việt Nam có thể theo kịp trình độ phát triển của thế giới, nắm bắt được các công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ đó vào sản xuất hiệu quả để tạo ra nguồn của cải vật chất ngày càng lớn, tạo động lực tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, lao động kỹ thuật cũng chính là những người tiêu thụ sản phẩm vật chất mà xã hội làm ra. Đời sống người lao động được cải thiện cũng tạo đà để tăng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Do đó, đầu tư phát triển nguồn nhân lực luôn có lợi ích nhiều chiều, đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội bền vững, tăng năng lực cạnh tranh cho quốc gia. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội mà Đảng và nhà nước đề ra, công tác giáo dục, đào tạo luôn được chú trọng phát triển, Đảng ta coi phát triển con người là mục tiêu chính của phát triển kinh tế xã hội, chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo là công việc và trách nhiệm của Đảng, của tất cả các tổ chức kinh tế chính trị trong nước và là của toàn dân. Bởi vậy tham gia vào công tác phát triển đội ngũ lao động kỹ thuật chất lượng cao không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của Đảng và nhà nước mà còn đòi hỏi sự tham gia, ý thức của mọi ngời trong xã hội.
Để hoàn thành tốt chuyên đề thực tập này, em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình của cô giáo hướng dẫn- Thạc sỹ Đặng Thị Lệ Xuân cùng các anh chị trong phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cục phát triển doanh nghiệp, bộ Kế hoạch đầu tư đã giúp đỡ.