II. Đánh giá các nhân tố tác động tới sự phát triển của lao động kỹ thuật: 1 Tác động của công tác đào tạo nghề:
1.4. Chương trình đào tạo, giảng dạy của các cở sở đào tạo:
Phát triển dạy nghề là quy trình tổng hợp phát triển cả 3 lĩnh vực: đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, phát triển mạng lưới đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viện giảng dạy và đổi mới, hoàn thiện chương trình giảng dạy. Trong đó, chương trình giảng dạy là hệ thống các văn bản thể hiện kế hoạch, phương pháp và cách thức để triển khai hoạt động đào tạo đảm bảo phát triển theo đúng mục tiêu đề ra. Chương trình đào tạo được coi là bộ khung, dựa trên đó giảng viên và người học nghề sẽ thực hiện trong suất quá trình truyền thụ và tiếp thu nghề. Mỗi ngành nghề có một chương trình đào tạo riêng, đặc trưng cho ngành nghề đó. Mỗi cơ sở đào tạo nghề có nhiều ngành nghề đào tạo khác nhau, do đó sẽ có nhiều chương trình khung khác nhau và các chương trình khung tổng thể phải đảm bảo gắn mục tiêu đào tạo nguồn lao động gắn liền với mục tiêu phát triển nền kinh tế.
Ngày 11 tháng 4 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 48/2002/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002 – 2010, trong đó có quy định về cơ cấu các ngành nghề đào tạo phải được dự báo thường xuyên để theo kịp nhu cầu thị trường lao động trong các khối ngành; đồng thời tập trung đào tạo một số ngành nghề công nghệ cao, dịch vụ cao cho các thành phố lớn, các ngành công nghiệp mũi nhọn phục vụ sự nhiệp CNH- HĐH đất nước. Ngoài ra trong nội dung Luật dạy nghề, đề xuất xây dựng chương trình khung đã được Quốc hội khóa
IX thông qua. Khi xây dựng chương trình khung, các doanh nghiệp cho rằng sẽ rất thuận lợi khi đã có nền tảng dự án nghề bậc cao trước đây, cùng với chương trình khung từ các trường dạy nghề cả nước tập hợp về.
Nhưng thực trạng thời gian từ khi được Quốc hội thông qua đến khi các chương trình khung được đi vào triển khai trong các cơ sở đào tạo nghề quá lâu và chưa đầy đủ cho tất cả các ngành nghề. Ngày 05/08/2009, Bộ LĐTBXH ra thông tư số 28/2009/TT-BLĐTBXH quy định chương trình khung trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề cho một số nghề thuộc nhóm nghề công nghệ kỹ thuật. Chương trình khung quy định về cơ cấu nội dung, số lượng và thời lượng cho các mô-đun, môn học; tỷ lệ thời gian giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm mục tiêu của từng trình độ cho mỗi nghề và yêu cầu liên thông theo quy định. Căn cứ vào chương trình khung, người đứng đầu cơ sở dạy nghề tổ chức xây dựng và ban hành chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trên cơ sở kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định chương trình.
Tuy nhiên số lượng ngành được quy định chương trình khung trong hệ thống cơ sở đào tạo nghề nước ta chưa nhiều. Năm 2008, tổng cục dạy nghề chi 40 tỷ đồng cho việc biên soạn giáo trình, nhưng chủ yếu là xây dựng chương trình khung cho trình độ trung cấp nghề và cao đăng nghề. Và thực tế, đến nay chúng ta mới chỉ xây dựng được 50 chương trình khung cho các ngành nghề đào tạo, tương đương 17% tổng các nghề. Đa số giáo viên giảng dạy theo chương trình khung mới được ban hành còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Giáo viên giảng dạy tích hợp, dạy theo mô đun còn kém, số giáo viên dạy được lý thuyết lại hạn chế về trình độ kỹ năng nghề trong khi dạy thực hành; giáo viên dạy được thực hành thì khả năng sư phạm về giảng dạy lý thuyết nghề hạn chế.
Chương trình khung chưa rõ ràng, năng lực giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình khung chưa cao, thực trạng chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo nghề nước ta còn nhiều hạn chế. Điều này làm giảm hiệu quả đào tạo cho các học viên học nghề. Trong thời gian tới, để cải thiện chất lượng đội ngũ LĐKT được đào tạo, nhà nước ta cần ban hành các chính sách để hoàn thiện hơn chương trình giảng dạy nghề của mình và ban hành đầy đủ các chương trình khung cho hệ thống các ngành nghề đào tạo.
Như vậy, để nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo nghề trong nước, chúng ta cần phải kết hợp giải quyết đồng bộ các vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và thực hành nghề, nâng cao
năng lực giảng dạy cho các giáo viên nghề và quy định cụ thể đầy đủ chương trình khung cho các ngành nghề đào tạo. Thực hiện được tốt các nhiệm vụ trên cũng thực hiện thành công một phần công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước.