IV. Nhận định chung về tình hình phát triển lao động kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay:
2. Những vấn đề còn tồn tại:
Bên cạnh các ưu điểm được liệt kê ở trên, nhìn chung thực trạng phát triển đội ngũ LĐKT của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong cuộc trưng cầu ý kiến các chuyên gia kinh tế của Thế giới về "vấn đề đáng lo ngại nhất", ba yếu tố được coi là yếu kém nhất của Việt Nam gồm: lạm phát, cơ sở hạ tầng, và lao động được đào tạo. (hình 6)
Hình 6: Đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới(WEF) 2008 về tình trạng các vấn đề đáng lo ngại nhất của Việt Nam
Nguồn: http://vietnamnet.vn
Sở dĩ lao động qua đào tạo vẫn là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của Việt Nam trong thời gian qua vì các tình trạng sau:
2.1. Số LĐKT có trình độ CMKT thực tế còn thấp:
Mặc dù thời gian qua, số lượng và tỷ trọng LĐKT nước ta qua các năm không ngừng tăng lên, nhưng thực tế số lượng cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu. Các lao động thi tuyển vào doanh nghiệp chỉ có 30% qua đào tạo và 20% đã qua đào tạo nghề, và doanh nghiệp chỉ tuyển được 50% số lao động đã qua đào tạo ấy. Tuy nhiên các lao
động thông qua tuyển đầu vào này vẫn phải tiếp tục trải qua một khóa đào tạo nghề ngắn hạn nữa của doanh nghiệp trước khi sẵn sàng tham gia sản xuất. Như vậy, chi phí đào tạo lại lao động mà từng doanh nghiệp phải bỏ ra là không nhỏ nhưng không thể không làm. Ngoài ra, cơ cấu đào tạo của hệ thống giáo dục nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn luôn là vấn đề đáng lo ngại.
2.2. Cơ cấu lao động theo nghề chuyển dịch còn chậm so với quy mô chuyển dịch cơ cấu kinh tế: cơ cấu kinh tế:
Tốc độ chyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay luôn khẳng định theo đúng định hướng CNH- HĐH của Đảng và nhà nước đề ra. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng luôn cao nhất, số sản phẩm vật chất làm ra hàng năm là nhân tố chính tạo nên tăng trưởng trong nước. Thêm vào đó, tốc độ chuyển giao công nghệ và thu nhập công nghệ mới ngày càng nhanh cũng đã tạo đà cho tăng năng suất lao động và làm GDP ngành công nghiệp tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn chưa theo kịp xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu lao động cũng đã chuyển dịch theo hướng số lượng lao động trong ngành công nghiệp ngày càng tăng, tuy nhiên phần lớn lao động vẫn tập trung trong ngành nông nghiệp. Nông nghiệp là nhóm ngành tạo ra ít tăng trưởng nhất trong ba nhóm ngành và năng suất lao động cũng thấp nhất. Thế nhưng số lao động tập trung trung ngành này chiếm tới 70% và chủ yếu là lao động giản đơn, lao động chưa qua đào tạo.
Ngoài ra, tỷ lệ LĐKT tập trung trong nhóm ngành công nghiệp vẫn là cao nhất so với 2 nhóm ngành còn lại. LĐKT của cả nước chiếm có 24% tổng số lao động, nhưng trong đó đã có tới 15% hoạt động cho ngành công nghiệp. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là kết quả đáng mừng, thực tế số lao động này vẫn là quá ít ỏi so với quy mô nhu cầu lao động của ngành công nghiệp nước ta.
2.3. Năng suất lao động còn thấp:
Năng suất lao động thấp là hệ quả tất yếu của chất lượng đào tạo nghề thấp, khả năng thực hành kém và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ không cao. LĐKT Việt Nam do chậm thích ứng với công nghệ đang cập nhật nên khi tham gia vào sản xuất, thường bị cứng nhắc, bị động, kết quả khiến cho khối lượng sản phẩm sản xuất ra chưa cao, chưa tối đa với khả năng sản xuất của công nghệ đó. Ngoài ra các biện pháp khuyến khích lao động chưa phù hợp, thỏa đáng cũng trở thành nguyên nhân dẫn tới tình trạng lao động không hết khả năng. Chế độ lương thưởng, phụ cấp cho lao động làm việc thêm giờ, lao động làm việc vượt chỉ tiêu chưa cao nên chưa trở thành động lực chính để lao động cố gắng.
2.4. Hiệu quả sử dụng thời gian lao động chưa cao:
Năng suất lao động kém là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thời gian lao động thực tế của LĐKT chưa cao. So với các nước trong khu vực, thời gian lao động thực tế của Việt Nam chỉ cao hơn Lào và Cam-pu-chia. Phương thức quản lý lao động, cụ thể cách tính thù lao theo giờ công, ngày công cũng là nguyên nhân gây ra hạn chế này. Lao động chỉ quan tâm tới việc làm đủ số giờ, số ngày theo quy định mà chưa quan tâm tới hiệu quả công việc được giải quyết trong thời gian lao động đó. Đây là tình hình xảy ra phổ biến trong tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở những doanh nghiệp Nhà nước, vốn và quản lý thuộc về Nhà nước.
2.5. Thể lực kém và ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao:
So với các nước trong khu vực có cùng điều kiện kinh tế- xã hội như nước ta, các tiêu chí về chiều cao, cân nặng, sức khỏe của lao động nước ta còn nhiều điểm thua kém. Điều này ảnh hưởng rõ rệt tới khả năng thích nghi với cơ chế làm việc công nghiệp hiện đại ngày nay. Hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại với nhiều loại máy móc tinh xảo, ngành công nghiệp hiện đại đòi hỏi lao động làm việc tập trung trong điều kiện cường độ cao và áp lực công việc lớn. Thể lực kém của lao động Việt Nam hiện nay là hạn chế lớn khi làm việc với hệ thống máy móc và cường độ như trên. Ngoài ra, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động chưa cao cũng làm hạn chế khả năng làm việc của LĐKT Việt Nam. Ý thức này một phần hình thành do thói quen lao động, tác phong của một nền kinh tế nông nghiệp có từ lâu; mặt khác do biện pháp quản lý, hình thức kỷ luật lao động chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Cả hai hạn chế trên cần phải khắc phục nhanh chóng khi Việt Nam đã gia nhập WTO và thực trạng này có thể gây ra nhiều điểm bất lợi trong thu hút đầu tư của chúng ta khi so sánh với các nước trong khu vực cũng như trên Thế giới.