I. Phân tích thực trạng lao động kỹ thuật trong ngành công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua:
2. Đánh giá chất lượng đội ngũ lao động kỹ thuật hiện nay.
2.1. Trình độ văn hóa của người lao động:
Một trong những ưu thế của nguồn nhân lực Việt Nam là trình độ văn hóa của người lao động khá cao. Việc đầu tư cho giáo dục đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu trình độ văn hóa của người lao động. Trình độ học vấn của người lao động không ngừng tăng qua các năm, không ngoại trừ các LĐKT.
Theo sơ đồ hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta (hình 2), lực lượng LĐKT là những lao động có trình độ văn hóa từ Trung học cơ sở trở lên, chiếm đa số là các lao động đã tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Năm 2003, đội ngũ LĐKT trong ngành công nghiệp và xây dựng là 6.758 triệu người,chiếm 16,36% tổng lực lượng lao động của cả nước. Trong đó có 55,76% là lao động có bằng tốt nghiệp cấp II, 33,9% LĐKT có bằng tốt nghiệp cấp III và 10,34% LĐKT có trình độ trên cấp III. Đến năm 2008, tỷ lệ LĐKT đã tăng lên chiếm 23,8% cơ cấu lao động cả nước với 50,16% lao động có trình độ văn hóa cấp II, 40,3% lao động có trình độ văn hóa cấp III và 9,54% lao động trình độ trên cấp III. Thực trạng trên đã chứng minh rằng trình độ văn hóa của LĐKT nước ta ngày càng được cải thiện. Xu hướng chuyển dịch này hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục của Đảng ta. Có được điều đó là do truyền thống con người Việt Nam vốn rất hiếu học, ham hiểu biết, có khả năng sáng tạo, tiếp thu và làm chủ khoa học công nghệ hiện đại. Đây là một lợi thế lớn để Việt Nam tận dụng phát triển đội ngũ LĐKT chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trong môi trường thương mại quốc tế.