II. Đánh giá các nhân tố tác động tới sự phát triển của lao động kỹ thuật: 1 Tác động của công tác đào tạo nghề:
1.1. Mạng lưới phân bố các cơ sở đào tạo nghề:
Hiện nay, do nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ LĐKT với tăng trưởng phát triển kinh tế cũng như tác động của công tác đào tạo nghề tới phát triển đội ngũ LĐKT, Đảng và nhà nước ta đã có những định hướng cụ thể về mạng lưới quy hoạch các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục. Trong đó, định hướng quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002- 2010 của Thủ tướng Chính phủ (quyết định số 48/2002/QĐ-TTg ban hành ngày 11-4-2002)là một điển hình.
Định hướng đó bao gồm: phát triển mạng lưới các trường thuộc các Bộ, ngành, địa phương phù hợp với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động theo ngành nghề và theo vùng miền, thành lập các trường mới ở các tỉnh chưa có
trường, ở các vùng kinh tế động lực, các ngành, các địa phương có nhu cầu lớn về lao động được đào tạo nghề. Hình thành các trường đa ngành nghề ở các vùng Đông bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải Trung bộ. Phát triển các cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp, ngoài công lập, các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và các chương trình dạy nghề trong các trung tâm giáo dục cộng đồng. Đạt chỉ tiêu đến năm 2005 mỗi tỉnh (thành phố) có ít nhất một trường dạy nghề, mối quận huyện có một trung tâm dạy nghề ngắn hạn và đến năm 2010 một số quận, huyện có trường dạy nghề. Cụ thể trong giai đoạn 2006-2010, xây dựng mới một số trường và đầu tư xây dựng thêm 15 trường chất lượng cao để đến năm 2010 có 40 trường chất lượng cao; tiếp tục đầu tư nâng cấp để tăng quy mô, nâng cao chất lượng dạy nghề của các trường; phát triển thêm các cơ sở dạy nghề ngoài công lập và cơ sở thuộc doanh nghiệp để đến năm 2010 đảm bảo tiếp nhận được khoảng 30% học sinh dài hạn và 88% học sinh ngắn hạn.
Sau 8 năm thực hiện quyết định trên, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: số lượng cở sở liên tục tăng lên, quy mô đào tạo các cơ sở tiếp tục được mở rộng. Đến nay cả nước đã có 102 trường cao đẳng nghề, 240 trường trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và hàng ngàn các cơ sở giáo dục khác có tổ chức dạy nghề. Năm 2009, số lượng tuyển sinh đạt 1.707.000 người, đạt 104% so với kế hoạch, tăng 11,2% so với thực hiện năm 2008. Trong đó, Cao đẳng nghề đạt 89.000 người, Trung cấp nghề được hơn 198.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng tuyển sinh 1,42 triệu người.
Nguồn : Bộ giáo dục và đào tạo
Các kết quả trên đã chứng minh định hướng và chú trọng phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nước ta. Số lượng các trường dạy nghề không ngừng tăng lên qua các năm thu hút số lượng học viên ngày càng nhiều. Nhưng nhìn chung, mức tăng ở các vùng và sự phân bố các cơ sở đào tạo nghề ở các vùng còn có nhiều sự chênh lệch. Thực tế các cơ sở đào tạo nghề nước ta mới chỉ phát triển nhiều nhất ở 2 vùng là Đồng bằng sông Hồng (chiếm trên 30% tổng số trương dạy nghề của cả nước) và vùng Đông Nam Bộ (23%). Vùng có số các trường dạy nghề ít nhất là Tây Bắc (2,2%) và Tây Nguyên (2,6%). Sở dĩ có sự chênh lệch như trên vì các cơ sở đào tạo nghề nước ta phân bố chủ yếu ở các khu đông dân, có trình độ phát triển kinh tế- xã hội cao và tập trung nhiều khu công nghiệp. LĐKT hiện nay ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và từng vùng nói riêng. Do đó, sự mất cân đối về phân bố các trường dạy nghề ở các vùng cũng đã phản ánh về tình trạng phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng.
Bên cạnh đó, cơ cấu học viên trong các trường đào tạo nghề theo từng ngành nghề là khác nhau, trong đó tỷ lệ đào tạo LĐKT cho ngành công nghiệp vẫn là cao nhất:
- Ngành giao thông vận tải: 21,02% - Nông, lâm, ngư nghiệp: 10,19% - Kinh tế dịch vụ: 9, 55%
- Xây dựng: 17,83%
- Văn hóa thông tin bưu điện: 5,73%
Kết quả trên là phù hợp với định hướng CNH- HĐH ở nước ta cùng các công tác chú trọng phát triển ngành công nghiệp ngày càng hiện đại. Vì lao động trong các doanh nghiệp thuộc khối công nghiệp đa số phải được qua đào tạo nghề nên chất lượng LĐKT cũng được đánh giá qua thực trạng thực hiện công tác đào tạo nghề.
Thực hiện kiếm soát chất lượng dạy nghề, Tổng cục dạy nghề đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho 114 trường, trong đó có 87 trường cao đẳng nghề và 27 trường đại học, cao đẳng có tham gia dạy nghề. Tổng số nghề được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề là 145 nghề, trong đó có 80 nghề trình độ cao đẳng, 113 nghề trình độ trung cấp. Hiện nay ở nước ta, tất cả các ngành của nền kinh tế quốc dân cần sử dụng tới trên 300 nghề khác nhau nhưng thực trạng các cơ sở đào tạo nghề mới đào tạo 145 nghề đạt tiêu chuẩn chất lượng được tổng cục dạy nghề cho phép. Như vậy chúng ta mới chỉ thực hiện được một nửa yêu cầu phát triển của nền kinh tế và bài toán đặt ra là phải quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giữa các vùng, miền trên cả nước với cơ cấu các ngành nghề đa dạng hơn.