III. Kết quả của các chính sách phát triển lao động kỹ thuật ở Việt Nam thời gian qua:
1. Chính sách đào tạo nghề:
1.1. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước tham gia lập cơ sở đào tạo:
Nhằm thực hiện định hướng xã hội hóa giáo dục đã đề ra, huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục và phát triển đào tạo, Đảng và nhà nước ta đã có những chính sách khuyến khích, phát triển rộng rãi các cơ sở đào tạo công lập lẫn dân lập. Chính sách này khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong nước đầu tư tham gia lập cơ sở đào tạo hoạt động theo mục đích thương mại nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội đúng định hướng đề ra. Theo mục tiêu trên, trong những năm qua, hệ thống giáo dục đào tạo nghề nước ta đã thực hiện chính sách đa dạng hóa các loại hình đào tạo và bồi đưỡng (dài hạn, ngằn hạn, chính quy, phi chính quy…) và mở rộng quy mô hệ thống đào tạo nghề trên toàn quốc. Theo nghị định số 02/2001/NĐ-CP ban hành ngày 9/1/2001 của Chính phủ, các cơ sở dạy nghề của nước ta bao gồm những loại hình sau: Công lập; bán công; cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp; tư thục; cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với các cơ sở dạy nghề công lập, kinh phí hoạt động 100% được cấp từ ngân sách nhà nước, hiệu quả giảng dạy không cao do tâm lý phụ thuộc, ỷ lại của các nhà quản lý. Các hình thức cơ sở tư thục, cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp, hoạt động dạy nghề hiệu quả và mang tính thực hành hơn do họ quan tâm hơn đến lợi ích thu được và chi phí bỏ ra. Đặc biệt là các cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp, tính hiệu quả được coi là quan trọng nhất. Theo ý kiến khảo sát thực tế cho thấy, nếu học viên đi học tại các cơ sở đào tạo nghề thuộc hệ thống công lập hoặc bán công, học phí trung bình ở mức 6 triệu đồng/người/năm, trong khi để đào tạo lại công nhân có 2 tuần, các doanh nghiệp phải bỏ ra đến 8 triệu. Tuy nhiên, sau 2 tuần đào tạo, công nhân có thể thực hành nghề tốt và làm được ngay việc cho công ty. Như vậy hình
thức cơ sở đào tạo của doanh nghiệp hiện nay được coi là hiệu quả nhất trong các hình thức đào tạo nghề nước ta.
Thực tế, ở nước ta hình thức doanh nghiệp đào tạo này rất phổ biến. Thực hiện định hướng xã hội hóa giáo dục, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư, thành lập các trường dạy nghề. Năm 2007, cả nước có 7 trường cao đẳng, 26 trường trung cấp, 36 trường dạy nghề và 239 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Năm 2006 số người vào học tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập đạt 445.000 người, trong đó học dài hạn 13.000 người; năm 2007 đạt 514.443 người, dài hạn 16.803 người. Cơ sở vật chất của các cơ sở này được đầu tư mới hiện đại và khang trang.
Mặt khác, theo quyết định số 48/2002/QĐ-TTg ban hành ngày 11-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002- 2010, nhà nước ta đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2005 mỗi tỉnh (thành phố) có ít nhất một trường dạy nghề, mối quận huyện có một trung tâm dạy nghế ngắn hạn và đến năm 2010 một số quận, huyện có trường dạy nghề. Thực hiện quyết định trên, các địa phương trên cả nước ta đã đầu tư xây dựng được nhiều cơ sở đào tạo phục vụ công tác đào tạo lao động cho chính địa phương mình. Đến cuối năm 2004, cả nước có 226 trường dạy nghề phân bố trên 8 vùng miền của cả nước. Nhưng do đặc điểm phân bố dân cư, mức độ đô thị hóa và điều kiện từng vùng, mật độ phân bố các cơ sở giữa các vùng, miền không đồng đều. Số đông trường dạy nghề phần lớn tập trung ở 2 vùng là Đồng bằng sông Hồng (69/226 cơ sở) và Đông Nam Bộ (52/226 cơ sở).
Đối với các hình thức đào tạo khác ngoài công lập, hoạt động của các cơ sở này dựa trên nguồn vốn chính của chủ quản, tự lập, tự quản lý và chịu trách nhiệm với kết quả đạt được. Sự phát triển của loại hình này là hoàn toàn tự phát, chưa có sự quản lý một cách thống nhất của Nhà nước và do đó cũng chưa có chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước cho hình thức đào tạo này.
Nhìn chung, hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam nhất là các hình thức đào tạo công lập, vẫn ở trong tình trạng là phát triển thiếu đồng bộ, hiệu quả đào tạo chưa cao. Chất lượng lao động qua đào tạo, bao gồm cả LĐKT còn yếu kém. Khả năng đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu và xu hướng thay đổi của thị trường chưa tốt. Mà nguyên dẫn tới các thực trạng trên một phần do tính lỏng lẻo, thiếu cụ thể của chính sách. Các chính sách đào tạo nghề của nước ta chưa bao hàm hết các hình thức phát triển, công tác dự báo cầu lao động chưa được đề cấp đến trong định hướng đào tạo. Mặc dù có nhiều hình thức cơ sở đào tạo nghề được triển khai cả công lập lẫn ngoài
công lập, hay các hình thức doanh nghiệp tự đào tạo nhưng thực tế, các hình thức này phát triển mang tính độc lập, chưa có sự liên kết với nhau.