III. Kiến nghị các giải pháp cơ bản phát triển lao động kỹ thuật trong ngành Công nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập:
1. Nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nghề trong nước:
Đây là một trong các biện pháp thiết thực nhất để phát triển đội ngũ LĐKT chất lượng cao. Công tác đào tạo nghề bên cạnh việc trang bị cho học viên vốn kiến thức chuyên ngành cơ bản và khả năng thực hành kỹ thuật tốt, còn có thể giáo dục cho các học viên thói quen lao động cũng như ý thức chấp hành kỷ luật tổ chức. Hiện nay, hệ thống đào tạo nghề nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về quy hoạch, cơ sở vật chất, giáo viên, quy chế hoạt động... Để khắc phục các hạn chế đó, cần thực hiện đồng bộ các công tác sau:
1.1. Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề hợp lý:
Hiện nay hệ thống đào tạo nghề ở nước ta có nhiều loại hình cùng tham gia, cả khối công lập và ngoài công lập, do vậy việc quy hoạch tổng thể mạng lưới các trường dạy nghề sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, có phân công, phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo.
Trong giai đoạn 2002- 2010, theo quyết định số 48/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, việc quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề phải đảm bảo mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH đất nước dựa trên chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, của từng ngành, từng vùng kinh tế và từng địa phương. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ của quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề là từng bước xây dựng và hoàn thiện những trường hiện có theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa để tăng năng lực, chất lượng và hiệu quả đào tạo; tập trung đầu tư để nâng cấp và phát triển các trường dạy nghề chất lượng cao, các trường đào tạo nghề trình độ cao ở các vùng kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp tập trung cho một số ngành kinh tế mũi nhọn; điều chỉnh mạng lưới trường dạy nghề phù hợp với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động từng theo từng ngành nghề và theo vùng miền; phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập, các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và hình thành trường mới ở những vùng kém phát triển. Đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2010, mỗi tỉnh thành có ít nhất một trường dạy nghề; một số quận, huyện có trường dạy nghề.
Hạn chế của các định hướng quy hoạch trên là còn mang tính chất chung chung, không có chỉ tiêu cụ thể cho cơ cấu từng ngành nghề và từng vùng miền. Sang giai đoạn mới, nhiệm vụ của công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề đòi hỏi phải gắn với số lượng cụ thể (có chỉ tiêu cụ thể theo từng ngành nghề, từng địa phương), phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề chất lượng cao, đào tạo nghề mũi nhọn, đồng thời chú trọng công tác phát triển các cơ sở đào tạo nghề cho nông dân, người lao động ở thành thị;
chú ý đến các nhóm đối tượng đặc thù như bộ đội xuất ngũ, bộ đội làm kinh tế; các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, phải xây dựng một số cơ sở dạy nghề chất lượng cao, một số trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề có khả năng tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới. Việc mở rộng quy mô phải gắn với nâng cao chất lượng và điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Nhằm đạt được mục tiêu cụ thể là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 26% vào năm 2010 và đạt tối thiểu 40% vào năm 2020. Như vậy việc quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề trong giai đoạn mới bên cạnh việc phát triển về chiều rộng còn phải chú trọng đến chiều sâu, bao hàm nhiều đối tượng dạy nghề và hình thức dạy nghề hơn.
1.2. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo:
Nhìn chung thực trạng cơ sở vật chất kỹ thuật trong các trường dạy nghề nước ta hiện nay còn lạc hậu, cũ kỹ, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và thực hành nghề. Trong cơ cấu chương trình giảng dạy nghề, số giờ thực hành chiếm 70% tổng số tiết trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên thực tế số giờ thực hành của các cơ sở đào tạo nghề, nhất là các cơ sở công lập hiện nay chưa đáp ứng được mục tiêu trên. Phòng thực hành chật hẹp, trang thiết bị sơ sài, không đầy đủ đáp ứng nhu cầu thực hành cho các học viên, nhiều máy móc thiết bị được thu thập từ các nguồn như thanh lý của các nhà máy xí nghiệp. Do những hạn chế trên, trong thời gian tới, định hướng đầu tư cải thiện cơ sở vật chất trang thiết bị ngoài tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn cần thực hiện theo các hướng như:
• Tiếp tục đẩy mạnh và lồng ghép các chương trình, dự án, đặc biệt là các dự án nước ngoài nhằm huy động thêm các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở đào tạo nghề.
• Huy động mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường dạy nghề hiện có và thành lập các trường mới. Từng bước chuẩn hóa diện tích xây dựng, diện tích phòng học; chuẩn hóa và hiện đại hóa trang thiết bị dạy nghề. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường chất lượng cao và một số trường của các Bộ, ngành, địa phương.
• Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp để học viên trong các trường dạy nghề có cơ hội tiếp cận với các máy móc kỹ thuật hiện đại.
Mục tiêu cải thiện cơ sở vật chất trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa, đảm bảo phân khu chức năng các hạng mục công trình đáp ứng cho hoạt động dạy, học và giáo dục toàn diện.
1.3. Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề và chuẩn hóa các chương trình giảng dạy: trình giảng dạy:
Từ thực trạng đội ngũ giảng viên trong các trường dạy nghề nước ta hiện nay còn yếu về kiến thức sư phạm và khả năng thực hành giảng dạy, trong thời gian tới để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, chúng ta phải có những biện pháp thiết thực dựa trên các mục tiêu đề ra. Mục tiêu phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề trong giai đoạn 2010- 2020 ở nước ta là:
• Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo dức và lương tâm nghề nghiệp; đạt chuẩn trình độ đào tạo về lý thuyết, thực hành, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; có trình độ tin học, ngoại ngữ để áp dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học
• Thực hiện chế độ định kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.
• Đến năm 2010: đảm bảo tỷ lệ giáo viên/ học sinh đtạ khoảng 1/20, có 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo; 10% giáo viên trong các trờng trung cấp nghề và các trường cao đẳng nghề có trình độ sau đại học.
• Đến năm 2020: 30% giáo viên trong các trường trung cấp nghề và các trường cao đẳng nghề có trình độ sau đại học.
Để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp mà chúng ta cần phải thực hiện ngay là phát triển thêm hệ thống các trường sư phạm kỹ thuật để đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên trường nghề. Trong các trường sư phạm kỹ thuật, tiến hành tổ chức cho sinh viên sư phạm thực tập cơ bản tại xưởng trường và thực tập nâng cao tại các cơ sở sản xuất. Các trường cần liên kết với các cơ sở sản xuất nhằm tạo ra môi trường, điều kiện để sinh viên được tiếp cận với các thiết bị máy móc, các quy trình công nghệ tiên tiến mà trường chưa có. Tăng cường bồi dưỡng nghề cho đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm kỹ thuật thông qua việc gửi giáo viên tới các cơ sở sản xuát để họ cập nhật công nghệ mới. Ưu tiên đào tạo giáo viên dạy nghề cho các vùng miền còn phát triển chậm, vùng sâu, vùng xa bằng các chính sách khuyến khích đào tạo cho học viên sư phạm kỹ thuật ở miền núi, vùng sâu, vùng xa để họ có đủ kỹ năng về giảng dạy cho các cơ sở đào tạo của vùng mình.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, việc chuẩn hóa các chương trình giảng dạy cho từng ngành nghề đào tạo cũng là biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nghề nước ta trong thời gian tới. Luật dạy nghề nước ta đã ban hành quyết định chuẩn hóa các chương trình đào tạo cho từng ngành nghề khác nhau thông qua chương trình khung. Hiện nay hệ thống đào tạo nghề nước ta mới chỉ có 50 trên tổng số gần 300 ngành nghề đang đào tạo có chương trình khung. Trong giai đoạn 2010- 2020, mục tiêu là hoàn thiện chương trình khung cho tất cả các ngành nghề trong hệ thống giáo dục đào tạo nghề. Các giải pháp nhằm chuẩn hóa chương trình giảng dạy dựa trên các chương trình khung cần:
- Xây dựng và đổi mới nội dung chương trình, giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề, phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, đảm bảo liên thông giữa các trình độ đào tạo.
- Xây dựng chương trình dạy nghề phải dựa trên phương pháp phân tích nghề, từng bước chuyển sang mô hình dạy nghề theo môđun. Đảm bảo kết thúc năm 2010, các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề có giáo trình giảng dạy nghề phù hợp với chương trình khung và đến năm 2020 có chương trình, giáo trình dạy nghề được xây dựng theo phương pháp tiên tiến.
1.4. Nâng cao khả năng liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong nước với các cơ sở đào tạo nước ngoài: đào tạo nước ngoài:
Lợi thế của một nước đi sau như Việt Nam là cơ hội học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước. Một trong những cách thức hiệu quả nhất để tiếp thu kinh nghiệm là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề của chúng ta, nâng cao khả năng liên kết đào tạo với hệ thống giáo dục đào tạo nghề nước ngoài. Các hình thức cần thực hiện để nâng cao khả năng liên kết là:
- Có các chính sách huyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đầu tư vào Việt Nam đầu tư trực tiếp hoặc tham gia liên kết lập các cơ sở đào tạo nghề, dạy nghề tại chỗ để tận dụng được ngay nguồn lao động tại chỗ, giảm thiểu chi phí thuê nhân công các vùng và các quốc gia lân cận, đảm bảo hiệu quả hợp tác, đôi bên cùng có lợi.
- Thu hút chuyển giao công nghệ đào tạo từ các quốc gia phát triển, ứng dụng vào hệ thống đào tạo trong nước nhằm nâng cấp hoạt động đào tạo nghề nước ta.
- Khuyến khích hợp tác đào tạo giữa hai bên, đưa lao động kỹ thuật trong nước sang tập huấn ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm
1.5. Thiết lập mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp:
Mục tiêu của đào tạo nghề trong điều kiện hiện nay là cung cấp cho xã hội một nguồn lực lao động đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Muốn thực hiện tốt mục tiêu trên, các chỉ tiêu đặt ra cho đào tạo không thể tách rời với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Để đảm bảo yêu cầu ấy, các cơ sở đào tạo cần nắm bắt tổng thể nhu cầu lao động của các doanh nghiệp bằng cách:
- Hợp tác với các doanh nghiệp trong vùng và các doanh nghiệp theo nhóm ngành nghề đang đào tạo, doanh nghiệp đưa ra chỉ tiêu về nhu cầu lao động trong từng thời kỳ để cơ sở đào tạo thực hiện đáp ứng yêu cầu cụ thể đó.
- Tích cực huy động đội ngũ huấn luyện nhân công mới vào trong các doanh nghiệp tham gia giảng dạy cho các cơ sở đào tạo nghề để tận dụng khả năng thực hành nghề và kinh nghiệm làm việc của họ.
- Mở rộng, nâng cấp quy mô các lớp đào tạo nhân công mới của các doanh nghiệp trở thành cơ sở đào tạo, dạy nghề nhằm tăng cường tính thực tế và hiệu quả trong công tác giáo dục đào tạo nghề nước ta.