Chính sách thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài:

Một phần của tài liệu Kiến nghị các giải pháp cơ bản phát triển lao động kỹ thuật trong ngành Công nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập (Trang 58 - 59)

III. Kết quả của các chính sách phát triển lao động kỹ thuật ở Việt Nam thời gian qua:

2.Chính sách thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài:

Thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nước ngoài là hình thức gián tiếp có tác động tích cực tới vấn đề phát triển đội ngũ LĐKT chất lượng cao cho Việt Nam. Các chính sách thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ nhằm hướng tới phát triển các ngành nghề mới hoặc nâng cao hàm lượng công nghệ trong các ngành nghề hiện có, thông qua hình thức liên kết, hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Do thực trạng nguồn LĐKT của chúng ta

hiện còn đang phát triển ở trình độ thấp, nên các hình thức trên sẽ trở thành động lực thúc đẩy đào tạo LĐKT đáp ứng nhu cầu.

Trong quyết định số 48/2002/QĐ-TTg về việc quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002- 2010, đã định hướng về việc tích cực thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ như sau: phát triển mạnh các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài; tập trung đào tạo các ngành nghề công nghệ cao cho các khu công nghiệp, khu chế xuất; ưu tiên đào tạo cho một số ngành công nghiệp mũi nhọn chứa hàm lượng công nghệ cao như cơ khí chính xác, cơ- điện tử, điện- điện tử, hóa dầu, vật liệu mới; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Ngoài ra quyết định còn định hướng mở rộng hình thức liên kết đầu tư với nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài cho phát triển dạy nghề, tập trung vào các trường chất lượng cao.

Những năm qua, các mô hình đào tạo dạy nghề của các cơ sở liên kết nước ngoài hoặc vốn 100% của nước ngoài đã dần hình thành ở nước ta với đầu ra được đào tạo bài bản và tính thực hành tốt. Tuy nhiên số lượng các loại cơ sở này không nhiều, học phí thường cao và chiếm số đông vẫn là các cơ sở thuộc hình thức công lập. Hoạt động của các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài thiên về đào tạo các LĐKT cho các ngành công nghiệp phụ trợ. Vì thực tế khi các doanh ngiệp nước ngoài sang Việt Nam hoạt động, họ vẫn phải nhập các sản phẩm phụ trợ từ nước ngoài vào trong nước do thị trường Việt Nam chưa có hoặc sản xuất các mặt hàng này còn ít, chất lượng chưa cao. Hình thức đào tạo LĐKT trong các ngành nghề phụ trợ sẽ giúp thị trường trong nước cải thiện thực trạng còn nhiều yếu kém của ngành nghề này.

Nhìn chung chính sách thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài để đẩy mạnh giáo dục đào nghề ở nước ta vẫn chưa phát triển. Các chế định còn lỏng lẻo và chưa có hướng mục đích, quy định cụ thể. Các hình thức đào tạo do nước ngoài hỗ trợ hoặc vốn đầu tư nước ngoài còn ít và phát triển riêng lẻ. Do vậy, trong thời gian tới, để đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ thực sự trở thành động lực mạnh, tác động tới hoạt động nâng cao năng lực lao động, đặc biệt các LĐKT ở nước ta thì các chính sách ban hành cần phải có định hướng cụ thể hơn và mục tiêu rõ ràng hơn nữa.

Một phần của tài liệu Kiến nghị các giải pháp cơ bản phát triển lao động kỹ thuật trong ngành Công nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập (Trang 58 - 59)