II. Đánh giá các nhân tố tác động tới sự phát triển của lao động kỹ thuật: 1 Tác động của công tác đào tạo nghề:
4. Tác động của toàn cầu hóa thương mại:
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), điều đó một mặt đem lại những cơ hội, mặt khác cũng đưa lại những thách thức và khó khăn cho người lao động Việt Nam, nhất là khi nền kinh tế nước ta bắt đầu hội nhập đầy đủ và sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Về tổng thể, cơ hội việc làm sẽ được mở ra nhiều hơn do sự gia tăng thương mại, cạnh tranh, áp dụng công nghệ mới, đầu tư trực tiếp nước ngoài... Số việc làm mới sẽ được mở ra nhiều hơn ở khu vực xuất khẩu, khu vực đầu tư nước ngoài, ở các ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Gia nhập WTO giúp thay đổi các cách thức sản xuất sản phẩm xã hội, thay đổi cách thức tổ chức các nhân tố sản xuất theo hướng đầu tư có chiều sâu về công nghệ và lao động để đạt hiệu quả. Ngoài ra, khi gia nhập WTO, chứng kiến cách thức sản xuất, các quy tắc trong lao động mang tính toàn cầu sẽ làm thay đổi một cách tích cực suy nghĩ, hành vi và thúc đẩy người lao động tăng khả năng của bản thân họ.
Trên thị trường lao động, việc mở rộng thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài sẽ làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, dẫn đến thay đổi cơ cấu việc làm và cơ cấu lao động. Khu vực công nghiệp chứng kiến việc làm được tạo ra ở nhiều ngành nhưng đồng thời cũng có nhiều lĩnh vực bị mất đi việc làm. Trước hết, rất nhiều việc làm mới được tạo ra ở những ngành sử dụng nhiều lao động và không đòi hỏi tay nghề cao mà những nước đang phát triển như Việt Nam có lợi thế do sự phân công lao động quốc tế. Đó là những ngành công nghiệp nhệ như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, xây dựng hoặc những ngành xuất khẩu nguyên liệu thô, khai khoáng… Nhưng đồng thời những ngành không còn nhận được sự cấp của Chính phủ sau khi thực hiện cam kết WTO hay những doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ là những ngành bị mất nhiều việc làm. Theo xu thế của điều kiện hội nhập, lao động giản đơn đang mất dần ưu thế cạnh tranh khi thị trường đòi hỏi phát triển các ngành nghề hiện đại nhưng nhìn chung tổng việc làm ở khu vực công nghiệp tăng lên.
Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, số cầu nhân lực đã tăng lên 67%, đặc biệt cao nhất là những ngành sản xuất, trong khi đó chỉ số cung nhân lực mới chỉ tăng 22%. Đây là những số liệu tổng hợp được trên trang web việc làm lớn nhất Việt Nam- vietnamworks.com. Điều đó cho thấy rất nhiều việc làm mới được tạo ra trong những năm qua nhưng nguồn nhân lực hiện tại không đáp ứng đủ. Ngoài ra, nhu cầu về lao động có tay nghề cũng đang tăng rất mạnh và xảy ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng đối với nhóm lao động có tay nghề. Thực tế trong ngành công nghiệp, số lao
động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tuyển đầu vào chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đa số chưa qua đào tạo nghề. Hội nhập kinh tế thế giới tạo điều kiện hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện có và thúc đẩy tạo ra nhiều ngành nghề mới với hàm lượng công nghệ cao sẽ tạo ra nhu cầu LĐKT có chất lượng ngày càng cao, thúc đẩy các giải pháp đào tạo để nâng cao trình độ lao động trong nước.