IV. Nhận định chung về tình hình phát triển lao động kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay:
3. Nguyên nhân của những tồn tại:
3.1. Chất lượng đào tạo nghề trong nước còn nhiều hạn chế: Chất lượng đào tạo chưa cao thể hiện ở các điểm sau: Chất lượng đào tạo chưa cao thể hiện ở các điểm sau:
• Mạng lưới quy hoạch các trường dạy nghề còn bất hợp lý giữa các vùng và các ngành nghề đào tạo. Số lượng các trường nghề mới chỉ tập trung lớn ở những vùng đông dân cư, các thành phố lớn, các khu công nghiệp phát triển. Ngoài ra, hệ thống các trương công lập vẫn chiếm đa số. Các cơ sở đào tạo nghề của doanh nghiệp
hay các cơ sở tư thục, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài còn ít, đào tạo riêng lẻ và chưa được hưởng các chế độ ưu đãi như các cơ sở công lập.
• Cơ sở vật chất trang thiết bị trong các cơ sở đào tạo còn sơ sài, yếu kém, lạc hậu. Số máy móc phục vụ thực hành chưa đáp ứng được chỉ tiêu của chương trình đào tạo (số giờ thực hành theo quy định chiếm 50-75% tổng thời lượng đào tạo). Hàng năm nguồn vốn đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, nhất là hệ thống các trường công lập có tăng nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu trang bị các máy móc phù hợp với kỹ thuật hiện có.
• Năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên trường nghề còn chưa cao. giáo viên giảng dạy vừa thiếu năng lực sư phạm, vừa yếu khả năng thực hành nghề. Hiện nay hệ thống các trường sư phạm dạy nghề của nước ta chưa phát triển mạnh, còn nhỏ lẻ và manh mún.
• Chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo nghề chưa được chuẩn hóa. Hiện mới chỉ có 50/300 ngành nghề đang được triển khai đào tạo có chương trình khung. Nhu cầu chương trình khung cụ thể cho các ngành nghề còn lại vẫn chưa được giải quyết, mặc dù luật dạy nghề quy định phải có chương trình khung cụ thể cho từng ngành nghề đào tạo đã được ban hành từ năm 2006.
3.2. Hoạt động quản lý lao động trong sản xuất còn yếu kém:
Phương thức quản lý hiệu quả lao động hiện nay vẫn là các hình thức chấm công mà chưa quan tâm đến hiệu quả thực tế trong giờ lao động, ngày lao động. Các chính sách lương thưởng, trợ cấp nhằm khuyến khích lao động làm việc tích cực còn được triển khai chưa hiệu quả. Mức trợ cấp, lương thưởng còn thấp, chưa trở thành động lực thôi thúc lao động làm việc thêm giờ hoặc vượt chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, các hình thức kỷ luật thực hiện còn lỏng lẻo, khâu giám sát, quản lý lao động khi làm việc còn nhiều kẽ hở. Điều đó dẫn đến thực trạng lao động làm việc lơ là, mất tập trung, hiệu quả công việc không cao. Thực trạng này xảy ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp quốc doanh, các công ty TNHH một thành viên do nhà nước quản lý.
3.3. Hệ thống chính sách, luật pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực còn nhiều điểm bất cập: nhiều điểm bất cập:
Cụ thể nhiều chủ trương, chính sách chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể ở cấp vi mô, cấp ngành phù hợp với nền kinh tế chuyển đổi. Chưa có hệ thống chính sách, cơ chế đầy đủ, đồng bộ và giải pháp khả thi gắn kết
giữa đào tạo với phân bổ và sử dụng nguồn nhân lực. Nguồn cung lao động vẫn lớn hơn cầu lao động nhưng chưa đáp ứng được hết nhu cầu do cơ cấu lao động đầu vào bất hợp lý. Số lao động chưa qua đào tạo chiếm đa số, trong khi cơ cấu lao động qua đào tạo lại bất hợp lý, tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn còn phổ biến.
Ngoài ra, trong cơ chế chính sách nước ta lại thiếu hẳn một chiến lược phát triển dài hạn nguồn nhân lực, nhất là các LĐKT. Chúng ta mới chỉ có các chính sách tình thế, giải quyết cấp bách các đòi hỏi trước mắt của nền kinh tế nhằm toàn dụng lao động, giải quyết đầy đủ việc làm cho người lao động. Vấn đề đặt ra ở đây là phải xây dựng chiến lược phát triển nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật, có khả năng thích nghi công nghệ và tác phong công nghiệp; đồng thời phát triển chiến lược an sinh xã hội để giảm thiểu rủi ro cho người lao động trong nền kinh tế thị trường.
3.4. Hoạt động y tế chăm sóc sức khỏe người lao động chưa được quan tâm đúng mức: mức:
Một trong những nguyên nhân khách quan chính dẫn tới thực trạng thể lực lao động Việt Nam còn yếu kếm là do công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Nhìn chung chiều cao, cân nặng của lao động Việt Nam còn hạn chế, thêm vào đó là tình trạng sức khỏe kém, hay ốm đau, bệnh tật. Trong khi đó, chế độ bảo hiểm lao động mới chỉ được triển khai trong các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn có tổ chức Công đoàn phát triển. Đa số trong các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, hình thức bảo hiểm lao động dường như mới chỉ được triển khai và ở phạm vi nhỏ.
3.5.Hoạt động của thị trường lao động chưa hiệu quả:
Thị trường lao động phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ việc làm chưa phát triển đồng bộ, thiếu hiệu quả nên chưa trở thành cầu nối liên kết giữa đào tạo nguồn nhân lực đầu ra với nhu cầu lao động của thị trường. Quy mô cung lớn hơn cầu và chưa phù hợp với cơ cấu cầu lao động. Do đó xảy ra thực trạng là lao động trong một số ngành công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thủ công, chế biến thực phẩm…thừa nhưng các ngành công nghiệp đòi hỏi chất lượng cung cao hơn lại thiếu trầm trọng nhân sự. Mức lương cơ bản và phụ cấp xã hội còn thấp. Ngoài ra công tác dự báo cầu lao động yếu kém, chưa được chú trọng triển khai công tác dự báo gắn với quy mô đào tạo lao động. Do đó cơ cấu lao động qua đào tạo trong hệ thống giáo dục đào tạo nước ta còn lệch nhiều với cơ cấu nhu cầu. Lao động qua đào tạo nhiều nhưng vẫn bị thất nghiệp, trong khi lượng LĐKT
cần thiết cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp cũng như các ngành khác lại chưa được đáp ứng đầy đủ.
Tóm lại, những hạn chế về chất lượng nguồn lao động đang trở thành vấn đề chính cản trở đối với sự phát triển kinh tế xã hội nước ta trong điều kiện công nghệ kỹ thuật ngày càng hiện đại. Nếu không khắc phục được hạn chế này, kinh tế Việt Nam sẽ không bao giờ đạt được kỳ vọng phát triển bền vững. Những phát triển rầm rộ của thị trường kinh tế Việt Nam khi mới gia nhập WTO sẽ lắng xuống nhanh chóng nếu nguồn nhân lực Việt Nam không đủ năng lực để tiếp nhận hay vận hành không hiệu quả những công nghệ mới của các nước đầu tư.
Do vậy việc đưa ra các giải pháp cấp bách cũng như các chiến lược lâu dài để phát triển đội ngũ LĐKT chất lượng cao trong điều kiện thực trạng và đòi hỏi hiện nay là vô cùng cần thiết. Trong đề tài nghiên cứu này, tôi xin trình bày một số kiến nghị giải pháp của cá nhân dựa trên các hạn chế và nguyên nhân gây nên hạn chế đã phân tích ở trên. Các giải pháp này sẽ được trình bày trong nội dung chương III.