1. KẾT LUẬN
Từ kết quả nghiên cứu ta thấy nâng cao khả năng thu hút khách đến với khách sạn luôn là một vấn đề cấp thiết đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú. Các hoạt động nhằm nâng cao tính hấp dẫn của khách sạn đối với du khách, góp phần nâng cao công suất sử dụng phòng và đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh càng làm chúng ta thấy rõ vai trò của việc thu hút khách du lịch.
Đánh giá quá trình nghiên cứu tại các khách sạn 2 sao, chúng tôi thấy có một số vấn đề như sau:
- Các khách sạn nghiên cứu chưa thấy rõ tầm quan trọng của các nhân tố ảnh hưởng đến việc thu hút khách của cơ sở của mình mà chỉ chú tâm đến tìm nguồn khách từ các công ty lữ hành.
- Hầu hết khách sạn đã có đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm công tác bảo trì nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Nhiều cán bộ còn kiêm nhiệm thêm những công việc khác nên tay nghề chưa được trau dồi nâng cao thường xuyên. Đây là một trở ngại làm cho chất lượng của công tác duy tu bảo dưỡng tại đa số những khách sạn này chưa tốt, gây ra tình trạng xuống cấp nhanh chóng của trang thiết bị, chưa làm cho trang thiết bị của khách sạn ở trong tình trạng “sẵn sàng phục vụ”.
- Cơ sở vật chất của hầu hết khách sạn 2 sao nghiên cứu còn khiêm tốn, chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của du khách chứ chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi, đi du lịch của du khách. Thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại chỗ như: Massages, bể bơi...
- Đội ngũ nhân viên phục vụ có tay nghề chưa cao, do đó chất lượng dịch vụ mang lại cho du khách chỉ ở mức trung bình, có nơi còn chưa đạt yêu
cầu. Trong số đó, việc hạn chế về mặt ngoại ngữ giao tiếp đã làm giảm đi sự hài lòng của khách du lịch khi không được giải thích rõ ràng cũng như chưa làm du khách vừa ý khi phải giải thích hay trình bày vấn đề gì đó.
- Việc tuyên truyền quảng bá của khách sạn chưa mang tính chuyên nghiệp mà chỉ đơn thuần là những quảng bá mang cảm tính, và thường là các phương thức quảng bá “cổ điển” của khách sạn. Các khách sạn chưa tiếp cận được nhiều phương thức quảng bá hiện đại hơn, chưa quan tâm đến vấn đề công nghệ thông tin trong doanh nghiệp cũng như trong quảng bá hình ảnh của khách sạn.
- Hầu hết khách sạn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề đánh giá của du khách như thế nào. Chưa có khách sạn nào làm điều tra đánh giá của du khách thường xuyên để làm cơ sở điều chỉnh chất lượng dịch vụ phục vụ khách. Từ đó dẫn đến nhìn nhận các yếu tố quyết định đến việc lưu lại khách sạn của du khách không theo quy luật cung cầu làm giảm tính hiệu quả của các tài sản, dịch vụ đầu tư để phục vụ khách của khách sạn, nhất là đối với khách hàng mục tiêu.
2. KIẾN NGHỊ
2.1 Đối với chính phủ
-Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy khách du lịch nước ngoài đến Việt nam nhiều hơn. Có thể xét miễn giảm các thủ tục cấp visa để thúc đẩy vấn đề này ở một số thị trường như: Mỹ, một số nước Tây Âu.
-Chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về ngành du lịch của nước nhà. Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy kinh doanh du lịch phát triển.
2.2 Đối với ngành du lịch
- Cần đưa ra những chính sách để thắt chặt quản lý về chất lượng đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú. Sớm ban hành các văn bản để các sở Du lịch, Sở thương mại- Du lịch ở các địa phương đưa các cơ sở kinh doanh lưu trú chưa được xếp hạng vào danh sách xét duyệt xếp hạng sao nhằm khẳng định đúng chất lượng của cơ sở lưu trú trên địa bàn quản lý.
- Thường xuyên lập các đoàn thanh tra để đánh giá chất lượng của các đơn vị kinh doanh du lịch nói chung và kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng để củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ tại những cơ sở đã được xếp hạng sao.
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đào tạo bồi dưỡng, các hội thi nâng cao tay nghề góp phần vào việc nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngủ cán bộ phục vụ trong ngành.
2.3 Đối với địa phương
- Nhanh chóng có những tính toán hợp lý để sớm ban hành quy hoạch chi tiết ngành du lịch, đặc biệt chú trọng đến quy hoạch phát triển du lịch chi tiết của thành phố Huế. Đây là tiền đề trong phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực kinh tế trong xã hội tham gia.
- Kiện toàn và nâng cao vai trò chỉ đạo và hoạt động của ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ công tác tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng chuyên môn hoá.
- Cần ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào cơ sở lưu trú, hướng các đơn vị kinh doanh lưu trú trên địa bàn bổ sung điều kiện về xếp hạng sao của ngành du lịch để tăng số lượng cơ sở được xếp hạng sao nhất là các cơ sở có quy mô đầu tư lớn góp phần làm tăng số lượng khách sạn 2 sao hiện nay tại Thừa Thiên Huế.
- Tăng cường hỗ trợ ngân sách dành cho công tác tuyên truyền quảng bá- xúc tiến du lịch. Đồng thời cho chủ trương để huy động quỹ về tuyên truyền quảng bá từ các doanh nghiệp để thực hiện chính sách này tốt hơn.
- Cần chỉ đạo quyết liệt để làm môi trường du lịch của tỉnh nhà đẹp hơn nhằm góp phần tạo tiền đề cho phát triển du lịch, thu hút khách du lịch đến với vùng đất Cố đô giàu tiềm năng du lịch này.
2.4 Đối với các khách sạn 2 sao trên địa bàn
- Cần thực hiện đánh giá của khách du lịch về cơ sở vật chất, dịch vụ, giá cả tại cơ sở của mình thường xuyên hơn. Có thể tiến hành in ấn các bảng đánh giá để tại phòng ngủ của khách để có thể có thông tin kịp thời phục vụ công tác điều hành trong khách sạn.
- Trích lập kế hoạch tài chính cho việc quảng bá sản phẩm khách sạn và đưa phần chi phí này vào chi phí kinh doanh hằng năm của khách sạn, làm cơ sở tính giá thành sản phẩm dịch vụ của khách sạn.
- Thường xuyên du tu bảo dưỡng cơ sở vật chất của khách sạn để có thể phục vụ khách một cách tốt nhất.
- Thường xuyên tìm hiểu về các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề. Có kế hoạch để giao lưu học hỏi với các khách sạn khác trên địa bàn để trao đổi kinh nghiệm. Đây là cách làm cần được các khách sạn quan tâm để nâng cao tay nghề cho nhân viên phục vụ.