TẠI THÀNH PHỐ HUẾ NHẰM GÓP PHẦN THÚC ĐẨY DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN
4.2.2 Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ
Tại các khách sạn này, các nhà quản lý điều hành cần nhanh chóng ban hành và quán triệt các chuẩn mực về chất lượng các loại hình dịch vụ hiện có của khách sạn đến nhân viên phục vụ khách, khắc phục ngay những nhược điểm trong chất lượng dịch vụ tại khách sạn. Quy định đánh giá chất lượng từng loại dịch vụ nên được chi tiết hoá các chỉ tiêu, chẳng hạn như phòng ngủ được chi tiết hoá đến: trang thiết bị phòng ngủ, vệ sinh phòng ngủ, khả năng cách âm, ánh sáng trong phòng, chất lượng khăn tắm, khăn mặt, kỹ thuật sắp đặt, dọn phòng...Phải thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những hành vi, việc làm chưa đạt yêu cầu đề ra để tạo nên dịch vụ hoàn hảo theo tiêu chuẩn ban hành. Việc chi tiết hoá như vậy còn có tác dụng nhắc nhở nhân viên luôn quan tâm đến từng yếu tố trong các sản phẩm dịch vụ của khách sạn.
Bên cạnh đó, cần lập các phiếu đánh giá về sản phẩm dịch vụ của khách sạn dành cho khách du lịch. Các phiếu này cũng được gởi đến các bộ phận phục vụ từng dịch vụ để lấy ý kiến khách hàng đến sử dụng dịch vụ này. Không ai đánh giá chính xác dịch vụ của khách sạn bằng chính khách hàng trực tiếp sử dụng dịch vụ đó, nên các nhận xét của khách hàng về chất lượng các loại dịch vụ của khách sạn phải được đón nhận tích cực, tránh tình trạng bao che khuyết điểm, làm khách hàng nản lòng khi góp ý, nhận xét. Việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách sạn và làm giảm những phàn nàn không đáng có của khách hàng khi có cơ hội để giải bày về chất lượng của khách sạn và được khách sạn đón nhận một cách trân trọng. Ban giám đốc khách sạn phải thường xuyên triệu tập các cuộc họp nội bộ để thông báo các đánh giá của khách hàng và tìm cách chấn chỉnh ngay.
Để chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, các nhà quản lý, điều hành cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân viên để nâng cao tay nghề phục vụ tại đơn vị. Song song với việc đào tạo, cần tiến hành đề xuất lên cơ quan chủ quản các cuộc thi nâng cao tay nghề cho đội ngũ phục vụ trong ngành. Việc đào tạo thường xuyên sẽ làm nhân viên tăng thêm nhận thức về ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng. Với hình thức này, chất lượng dịch vụ tại các khách sạn 2 sao sẽ được cải thiện đáng kể và sẽ góp phần vào chất lượng phục vụ nói chung của ngành du lịch tỉnh nhà. Trong cơ quan, các nhà quản lý cần tiến hành trích lập quỹ đào tạo bồi dưỡng thường niên trong đơn vị khi lập kế hoạch tài chính hàng năm.