ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1.5.2 Tình hình cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch
Tính đến cuối năm 2006 thành phố Huế có 130 cơ sở lưu trú với 4.126 phòng. Toàn thành phố hiện có 34 khách sạn được xếp sao với tổng số 2.280 phòng và 4.168 giường. Hầu hết các khách sạn đều có nhà hàng, ngoài ra còn có các cơ sở chuyên kinh doanh ăn uống, tuy nhiên quy mô còn nhỏ, trang thiết bị phục vụ giản đơn, chất lượng dịch vụ chưa đạt yêu cầu nhất là vấn đề vệ sinh. Trong năm 2006 đã có 1 khách sạn 5 sao đưa vào hoạt động là khách sạn Hoàng Cung và một khách sạn 5 sao khác đang xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2007 là khách sạn Hùng Vương. Các khách sạn đã được đầu tư nâng cấp là khách sạn Xanh, Khách sạn Bến Thành- Phú Xuân (trước đây là khách sạn Ngô Quyền), khách sạn Hương Giang đã đầu tư mở rộng...Bên cạnh đó còn có các nhà nghỉ tư nhân và nhà dân đã đưa vào khai thác trong các kỳ Festival trước đây, nay số lượng này đã tăng thêm và đóng góp rất lớn vào năng lực phục vụ khách lưu trú của thành phố Huế.
Số lượng công ty lữ hành trên địa bàn thành phố Huế còn quá ít và chỉ có một vài đơn vị có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế như: Công ty lữ hành Hương Giang, Công ty Du lịch Huế, Công ty TNHH Đông Kinh, Công ty Huế Cosevco, và các chi nhánh của các công ty lữ hành quốc tế khác: Công ty Du lịch Việt nam tại Hà nội, Chi nhánh OSC- SMI, chi nhánh Vidotour, chi
nhánh Mai Linh, chi nhánh An Phú. Số còn lại là các đơn vị có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chủ yếu làm chức năng lữ hành nội địa.
Để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, nhiều đơn vị đã chủ động sáng tạo, tổ chức thêm những tour du lịch mới lạ có tính hấp dẫn cao được du khách tham gia như: tour du lịch xe ngựa, du lịch nhà vườn Phú Mộng- Kim long, du lịch Ấn tượng Huế Xanh và làng nghề truyền thống, du lịch thăm làng cổ Phước Tích...Hiện nay đã có thêm những địa danh được đưa vào khai thác như di tích Cách mạng Chín Hầm, Khu di tích Huyền Trân Công Chúa, du lịch trên sông Ngự Hà.
Đối với dịch vụ du lịch tham quan mua sắm và vui chơi giải trí, ngành du lịch đã xây dựng xong cụm kiốt bán hàng lưu niệm tại Chùa Linh Mụ, đã đưa vào khai thác khu giải trí Thiên An, đã khởi công khu thương mại giải trí Phong Phú -Plaza tại đường Hùng Vương-Bà Triệu. Tuy nhiên loại dịch vụ này nhìn chung vẫn còn nghèo nàn và chưa thu hút được du khách.
Các dịch vụ văn hoá phục vụ du lịch như ca Huế, múa Cung đình đã được các đơn vị mạnh dạn đầu tư đổi mới về điều kiện biểu diễn, về nội dung, chương trình đã tạo thêm tính mới lạ, hấp dẫn nên đã thu hút được khá đông khách du lịch đến với loại hình dịch vụ này. Các doanh nghiệp và các hộ tư nhân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm thêm phương tiện vận chuyển mới, hiện đại đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách và nhân dân trên địa bàn. Riêng đối với thuyền du lịch đã có bước chuyển biến đáng ghi nhận thông qua việc tổ chức sắp xếp lại các bến thuyền. Ngoài ra việc tổ chức sắp xếp lại các tổ xích lô du lịch tự quản đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách và hạn chế đến mức thấp nhất những hiện tượng đeo bám, tranh giành, ép giá đối với khách để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thời gian vừa qua.