a. ODA là nguồn vốn hợp tác phát triển
Từ khái niệm về ODA chúng ta đã thấy: ODA là hình thức hợp tác phát triển của Chính phủ các nước phát triển, các tổ chức quốc tế với các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại và/hoặc các khoản cho vay với điều kiện ưu đãi.
Ngoài ra, bên viện trợ thông qua các khoản cho vay ưu đãi/các khoản viện trợ không hoàn lại sẽ cung cấp cho bên được viện trợ hàng hóa, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp dịch vụ …
Ngược lại, bên được viện trợ thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển có điều kiện bổ sung nguồn vốn còn thiếu, sử dụng vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống… tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển và nâng cao đời sống nhân dân.
b. ODA là nguồn vốn có nhiều ưu đãi
Với mục tiêu hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển, ODA mang tính ưu đãi hơn bất kỳ hình thức tài trợ nào khác. Tính chất ưu đãi của nguồn vốn này được thể hiện qua những ưu điểm sau:
+Lãi suất thấp:
Các khoản vay ODA thường có mức lãi suất rất thấp, ví dụ như lãi suất các khoản vay ODA của Nhật Bản dao động từ 0,75 – 2,3% năm; của Ngân hàng Thế giới (WB) là 0%/năm nhưng phải trả phí dịch vụ là 0,75%/năm; mức lãi suất của Ngân hàng Phát triển Châu Á thường từ 1-1,5%/năm…
+ Thời hạn vay dài:
Gắn với mức lãi suất tín dụng thấp, ODA có thời gian vay dài, như các khoản vay của Nhật Bản thường có thời hạn là 30 năm; Ngân hàng Thế giới là 40 năm; Ngân hàng Phát triển Châu Á là 32 năm.
+ Thời gian ân hạn:
Đối với ODA vay: thời gian từ khi vay đến khi phải trả vốn gốc đầu tiên tương đối dài, 10 năm đối với các khoản vay từ Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới; và 8 năm đối với Ngân hàng Phát triển Châu Á.
c. Nguồn vốn ODA thường đi kèm theo các điều kiện ràng buộc
Nhìn chung, các nước viện trợ ODA đều có chính sách riêng và những qui định ràng buộc khác nhau đối với các nước tiếp nhận. Họ vừa muốn đạt được ảnh hưởng về chính trị, vừa muốn đem lại lợi nhuận thông qua việc bán hàng hoá và dịch vụ của nước họ cho nước nhận viện trợ.
ODA luôn bị ràng buộc trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, đi kèm theo với ODA bao giờ cũng có những ràng buộc nhất định về chính trị, kinh tế hoặc khu vực địa lý.
d. Nguồn vốn ODA có tính nhạy cảm
Vì ODA là một phần GDP của nước tài trợ nên ODA rất nhạy cảm với dư luận xã hội ở nước tài trợ. Những nước tài trợ lớn trên Thế giới có luật về ODA, như tại Nhật Bản, quốc hội kiểm soát chặt chẽ Chính phủ trong việc cung cấp tài trợ ODA mang tính nhân đạo.