Khái niệm ODA

Một phần của tài liệu Tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng (Trang 28 - 29)

Thuật ngữ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) xuất hiện từ sau chiến tranh Thế giới II và gắn liền với yếu tố chính trị. Sau đại chiến Thế giới lần thứ II, cả Châu Âu và Châu Á đều đứng trước cảnh đổ nát, hoang tàn, chỉ có Châu Mỹ nói chung và nước Mỹ nói riêng là không bị ảnh hưởng mà ngược lại, nước Mỹ nhờ chiến tranh trở nên giàu có. Trước tình hình đó, Mỹ thực hiện viện trợ ồ ạt cho Tây Âu nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch viện trợ này được gọi là "Hỗ trợ phát triển chính thức" thông qua Ngân hàng Thế giới.

Đến nay, thuật ngữ ODA được sử dụng khá phổ biến. Tùy theo từng cách tiếp cận, có nhiều cách hiểu khác nhau về ODA, cụ thể như sau:

Theo tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) thì ”Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức là những nguồn tài chính do các Chính phủ hoặc các Tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia viện trợ cho một quốc gia nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phúc lợi của quốc gia đó”.

Theo Ngân hàng thế giới thì “nguồn hỗ trợ phát triển chính thức là một bộ phận của tài chính phát triển chính thức, trong đó các khoản vay cần đạt ít nhất 25% yếu tố cho không”.

Theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ Việt Nam, thay thế cho Nghị định 17/2001/NĐ- CP ngày 14/05/2001 của Chính Phủ, thì ”Hỗ trợ phát triển chính thức được hiểu là hoạt động hợp tác phát triển giữa Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhà tài trợ là chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ”.

Như vậy, ODA được hiểu là các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước (thường là các nước phát triển) dành cho Chính phủ một nước (thường là nước đang phát triển) nhằm giúp chính phủ nước đó phát triển kinh tế xã hội.

ODA phản ánh mối quan hệ giữa hai bên: Bên tài trợ gồm các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, Chính phủ các nước phát triển và bên nhận tài trợ là Chính phủ một nước (thường là nước đang phát triển). Bộ phận chính của nguồn vốn ODA là vốn vay ưu đãi, Chính phủ nước nhận tài trợ (vay nợ) phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nợ trong tương lai.

Một phần của tài liệu Tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng (Trang 28 - 29)