CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
3.1.3. Môi trường không khí
Môi trường không khí chịu tác động chủ yếu của hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và sinh hoạt của cộng đồng, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thông đô thị là hai nguồn gây ô nhiễm chính, đặc biệt ở hai đô thị
lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, khoảng 70% lượng ô nhiễm không khí ở đô thị là do hoạt động giao thông vận tải gây ra.
Ở khu vực nội thành, chất lượng môi trường không khí có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là ở các khu vực tập trung đông dân cư. Hầu hết các đô thị đều bị ô nhiễm bụi. Nồng độ bụi trong không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng ... đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2-3 lần; ở các nút giao thông thì nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2-5 lần và ở các khu vực đang xây dựng thì nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10-20 lần. Khoảng 95% tổng lượng phát thải khí SO2ở đô thị hiện nay là do hoạt động công nghiệp và thủ công nghiệp tạo ra nhưng nồng độ khí SO2 trung bình ở các đô thị và khu công nghiệp hiện còn thấp hơn trị số tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ khí CO và NO2 trung bình một ngày ở các thành phố lớn đều nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép nên các đô thị và khu công nghiệp nói chung chưa có hiện tượng ô nhiễm khí CO và NO2. Tuy nhiên, ở một số nút giao thông lớn trong đô thị thì nồng độ khí CO và NO2 lại vượt tiêu chuẩn cho phép (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2006). Từ tháng 7 năm 2001, Chính phủ Việt Nam ra quyết định cấm sử dụng xăng pha chì nên không khí ở các khu đô thị ở Việt Nam không còn bị ô nhiễm chì.
Về tiếng ồn, phần lớn các đô thị ở Việt Nam có mức ồn vào buổi đêm đều dưới hoặc xấp xỉ mức 70dBA, tức là thấp hơn tiêu chuẩn cho phép, nhưng vào ban ngày thì mức ồn giao thông ở nhiều đô thị dao động từ 70-75 dBA, thậm chí một số đường phố lớn có mức ồn từ 80 đến 85 dBA (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2006).