CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
3.1.6. Đa dạng sinh học
Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới và là một trong các quốc gia được ưu tiên cho công tác bảo tồn trên phạm vi toàn cầu. Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở thuận lợi để tạo nên tính đa dạng về hệ sinh thái, về loài và về nguồn gen của Việt Nam. Đa dạng sinh học đem lại các giá trị về kinh tế, văn hóa và xã hội cho quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu và dược liệu cho các hoạt động kinh tế.
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang có những biến đổi quan trọng. Độ che phủ của rừng liên tục tăng từ năm 1990 trở lại đây nhờ những nỗ lực ngăn chặn suy giảm và phục hồi diện tích rừng. Tính đến cuối năm 2006, độ che phủ của rừng, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, chiếm khoảng 38,2% diện tích đất tự nhiên, tăng 10% so với năm 1990. Các khu bảo tồn rừng, đất ngập nước và bảo tồn biển đã được hình thành và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên cũng đang bị tác động mạnh bởi sự can thiệp của con người. Diện tích rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao đang bị thu hẹp; phần lớn diện tích rừng hiện nay thuộc nhóm rừng nghèo, rừng trồng, trong đó rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 0,57 triệu
ha; tốc độ mất rừng ngập mặn rất cao, khoảng 4,400 ha/năm (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, 2009). Các nguồn tài nguyên sinh học phong phú ở Việt Nam đang ngày càng bị khai thác vì mục đích thương mại và phục vụ dân số ngày càng gia tăng. Sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên, gia tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã. Áp lực lên các hệ sinh thái biển và ven bờ đang ngày càng lớn hơn khi các hoạt động của con người, đặc biệt là các hoạt động kinh tế diễn ra ngày càng nhiều ở các vùng ven biển. Hệ sinh thái nước ngọt nội địa bị suy thoái do sự phát triển của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Hệ sinh thái biển bị suy thoái nghiêm trọng do bị khai thác quá mức và ô nhiễm từ các loại chất thải. Số lượng các loài động vật và thực vật bị đe dọa được đưa vào Sách Đỏ tính đến cuối năm 2007 là 882 loài.
Trong thời gian tới, với sự gia tăng các hoạt động kinh tế xã hội, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tính đa dạng sinh học. Thoái hóa đất, chặt phá rừng trái phép, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề cấp bách cần giải quyết bên cạnh việc thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen và sinh học.