Đào tạo và sử dụng công chức ở Ốt-xtrây-li-a [27]

Một phần của tài liệu đào tạo cán bộ công chức trên địa bàn chính quyền địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh (Trang 39 - 41)

Coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo công chức.

Ốt-xtrây-li-a rất coi trọng công tác tuyển chọn và đào tạo công chức; trong đó, tuyển chọn là khâu đầu tiên nhằm lựa chọn những công dân có đủ điều kiện và tiêu chuẩn vào đội ngũ công chức. Sau tuyển chọn là quá trình đào tạo, sử dụng và quản lý công chức. Cả ba khâu này có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ và tạo tiền đề cho nhau; trong đó, đào tạo là khâu quan trọng nhất để nâng cao trình độ, năng lực của công chức. Chương trình đào tạo công chức là sự kết hợp hài hoà giữa đào tạo cơ bản và phổ cập kiến thức chung với trang bị những kiến thức tiên tiến, hiện đại, nhằm giúp người công chức có đủ trình độ và khả năng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được uỷ thác, đồng thời, có điều kiện và khả năng phát triển nghề nghiệp ở mức độ cao hơn, tạo nên sự khác biệt về trình độ và khả năng nông sâu, rộng hẹp, cùng với tính linh hoạt, độc lập, sáng tạo của mỗi công chức trong tác nghiệp và thực thi công vụ khi gặp phải những tình huống hoặc những công việc có yêu cầu cao vượt ra ngoài trình độ chung. Để phát huy tính độc lập, sáng tạo của mỗi cá nhân, đồng thời, kiểm nghiệm kết quả của chương trình và nội dung đào tạo thông qua thực tiễn, một trong những nội dung quan trọng là thực hiện việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức theo khả năng, chức trách, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau và định kì tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và kết quả công việc đã hoàn thành.

Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với mỗi công chức ở Ốt-xtrây-li-a là phải có trình độ tin học tốt và khả năng sử dụng thành thạo máy vi tính để thực thi công vụ. Để đạt được trình độ theo yêu cầu, không có con đường nào khác là phải tổ chức đào tạo bài bản ngay từ đầu, khi còn ở thời kì tiền công vụ. Trong chương trình đào tạo tin học, có chương trình tin học hành chính và quản lý, bao gồm lý thuyết và thực hành; trong đó, yêu cầu thực hành thành thạo từ chương trình tin học văn phòng đến các chương trình về nối mạng internet, lập trình, khai thác và xử lý thông tin, sử dụng báo điện tử,...

Công chức được khuyến khích thực hiện chương trình tự đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ. Việc thường xuyên học tập vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là quyền lợi của bản thân mỗi công chức. Nhà nước - chủ thể của nền công vụ phải có chương trình, kế hoạch giúp công chức tự bổ sung, cập nhật kiến thức và tự ĐTBD, từng bước nâng cao trình độ đáp ứng đòi hỏi của nền hành chính phát triển.

Để thực hiện chương trình đào tạo, trước hết, người ta tiến hành nghiên cứu, khảo sát năng lực, sở trường của từng công chức, từ đó xác định nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, cách dạy và cách học phù hợp. Các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại nhất được khuyến khích áp dụng, như công nghệ mô phỏng hiện tượng, sự vật bằng hình ảnh và tình huống cụ thể diễn ra trong thực tế.

Kinh nghiệm ở Ốt-xtrây-li-a cho thấy, ĐTBD chỉ mang lại kết quả hữu ích, thiết thực trên cơ sở nhu cầu và đòi hỏi của cơ quan, đơn vị về những kiến thức cần thiết để đáp ứng nhiệm vụ. Công chức có thể vừa học, vừa làm, học trong thời gian 2 tuần, lại trở về cơ quan thực hành 1 tuần, sau đó trở lại lớp học kiểm nghiệm để rút kinh nghiệm. Như vậy, mỗi khóa học của công chức kéo dài từ vài tháng đến một năm, người giảng viên và học viên đều phải xây dựng những tình huống cụ thể và cùng nhau giải quyết, những ý tưởng hay được dùng làm cơ sở cho việc vận dụng vào công tác thực tế của mỗi cá nhân sau này.

Sau mỗi khoá học, công chức được cử đi học phải viết lại những kiến thức đã tiếp thu được, bảo vệ trước Hội đồng nhà trường và thủ trưởng cơ quan. Thực tế cho thấy, phương pháp đào tạo như vậy mang lại hiệu quả thiết thực, vừa phát huy được tính độc lập, chủ động và ý thức trách nhiệm của người học, vừa đáp ứng nhu cầu của cơ quan, khắc phục lối ĐTBD theo kiểu kinh điển, lý thuyết, sách vở, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa, xa rời thực tiễn cuộc sống. Phương pháp học tập nêu trên buộc người học và người dạy phải chủ động, độc lập suy nghĩ, sáng tạo để tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ và khả năng tác nghiệp trong hoạt động thực tiễn, không lệ thuộc vào sách vở, tài liệu.

Một phần của tài liệu đào tạo cán bộ công chức trên địa bàn chính quyền địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh (Trang 39 - 41)