Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã xác định: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và là khâu then chốt trong xây dựng Đảng. Đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những nhiệm vụ chính trị vô cùng nặng nề, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải xây dựng một đội ngũ CBCC trung thành với sự nghiệp của Đảng, tận tuỵ với công việc, thành thạo chuyên môn, chuyên nghiệp, ngang tầm với nhiệm vụ ngày càng có yêu cầu cao để hội nhập với nền kinh tế quốc tế và khu vực.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” [14]. Đại hội xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong sự phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Đội ngũ CBCC là lực lượng tinh túy của nguồn nhân lực quốc gia. Trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển nhanh hay chậm, bền vững hay không bền vững của đất nước. Như vậy, Đảng và Nhà nước đặt công tác ĐTBD CBCC vào vị trí có tầm quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong
sự thành công của sự nghiệp đổi mới, của công cuộc cải cách hành chính nhà nước. Mục tiêu của ĐTBD CBCC là nhằm tăng cường, củng cố kiến thức và năng lực công tác cho đội ngũ CBCC có đủ trình độ, phẩm chất để thực hiện nghĩa vụ và bổn phận của CBCC. Chú trọng đến yếu tố con người, đầu tư vào giáo dục - đào tạo có vai trò quan trọng, là con đường dẫn đến thành công đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Con người là yếu tố cách mạng nhất, năng động và quyết định nhất trong lực lượng sản xuất. Con người không phải là con người trừu tượng, mà phải là con người có tri thức khoa học, có kinh nghiệm sản xuất và kỹ năng lao động. Con người như thế không thể tự nhiên sinh ra, mà phải qua quá trình ĐTBD, rèn luyện lâu dài mới có được.
Nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ CBCC đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế là mục tiêu phấn đấu của các bộ, ngành, địa phương. Hội nhập kinh tế quốc tế đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội phát triển lớn, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Quảng Ninh không phải là ngoại lệ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 đề ra mục tiêu: “Xây dựng Quảng Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định quan điểm phát triển:
- Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực, một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với khu vực và quốc tế, một khu vực phát triển năng động của kinh tế ven biển và biển, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; có thế và lực ngày càng lớn thúc đẩy sự phát triển và khả năng cạnh tranh.
- Phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu. Nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp và dich vụ, đặc biệt là các ngành kinh tế giữ vai trò chủ đạo của tỉnh. Phát huy tối đa thế mạnh về du lịch, giải quyết hài
hoà giữa phát triển du lịch với các lĩnh vực khác; trong đó, ưu tiên phát triển du lịch, phải giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Coi trọng hàng đầu việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tích cực chuẩn bị tốt tiền đề để phát triển nhanh và bền vững.
- Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá xã hội, xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội đặc biệt chú ý đến vùng núi hải đảo và vùng đồng bào dân tộc ít người, chú trọng nâng cao dân trí và mức sống vật chất tinh thần của nhân dân.
- Điều chỉnh và cải thiện việc tổ chức kinh tế theo lãnh thổ. Kết hợp giữa phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ dải ven biển Hạ Long ở tiểu vùng phía Tây của Tỉnh với phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ của tiểu vùng phía Đông của Tỉnh và khu vực miền núi; giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn tạo điều kiện cho các vùng phát triển, hạn chế chênh lệch khá xa về nhịp độ tăng trưởng giữa các vùng.
- Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên môi trường bảo đảm phát triển bền vững. Phát triển kinh tế phải bảo đảm tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh; đặc biệt chú trọng giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa về quyền lợi kinh tế, giữ vững chủ quyên quốc gia.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả để thực hiện công nghiệp hoá trước năm 2020. Tốc độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2011-2020 đạt khoảng 14,2%; GDP bình quân đầu người vào năm 2020 đạt trên 3.120 USD.
Trong năm 2011, Quảng Ninh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2010 gắn với tập trung chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trên cơ sở huy động tốt các nguồn lực phát triển, tăng cường kiểm soát tốc độ tăng giá; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và
trật tự an toàn xã hội. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Riêng đối với năm 2011, tỉnh phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP, giá so sánh 1994) tăng trên 13% so với năm 2010. GDP bình quân theo đầu người khoảng 1.587 USD.
- Giá trị tăng thêm (GTTT) theo giá so sánh năm 1994: ngành nông, lâm và thuỷ sản tăng 3,4%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 13,5%; ngành dịch vụ tăng 14,4% và 18% theo giá hiện hành.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tăng 10%. - Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 10%.
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (dự kiến): 22.789 tỷ đồng, trong đó thu nội địa (phần cân đối ngân sách) 9.945 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2010; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 12.700 tỷ đồng, bằng 103% so với đánh giá ước thực hiện năm 2010; các khoản thu được để lại chi quản lý qua ngân sách 144 tỷ đồng, bằng 61% so với ước đánh giá năm 2010.
- Tổng chi ngân sách địa phương 8.608 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2.542,7 tỷ đồng, chi thường xuyên 5.379,7 tỷ đồng; các khoản chi được để lại quản lý qua ngân sách 144 tỷ đồng.
- Chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 10%. Trong lĩnh vực xã hội:
- Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,02%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,8%, trong đó đào tạo nghề 40,3%. - Tuyển mới vào học cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,1% so với năm 2010.
- Tạo việc làm mới cho 2,6 vạn lao động. - Giảm tỷ lệ hộ nghèo: 1,5% theo tiêu chí mới.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn 17,3%. - Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 41,5 giường.
- Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người: 21m2.
Đây là những mục tiêu rất quan trọng để đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Để đạt được những mục tiêu đó, đòi hỏi nỗ lực của các ngành, các cấp, của toàn thể cán bộ, nhân dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để phát triển năng động, ổn định, rõ ràng tỉnh cần chú trọng: Thứ nhất, xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện cho tất cả các cá nhân, các doanh nghiệp và các tổ chức khác hoạt động thuận lợi; Thứ hai, phát triển cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, thuận tiện các hoạt động đầu tư cũng như đời sống của nhân dân; Thứ ba, xây dựng bộ máy hành chính có năng lực cạnh tranh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển năng động của tỉnh. Thực hiện các nhiệm vụ nêu trên phụ thuộc phần lớn váo năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ CBCC.
Công cuộc cải cách hành chính của Quảng Ninh thời gian qua nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính với mục tiêu trọng tâm cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, đội ngũ công chức đã thể hiện sự bất cập, yếu kém, chưa ngang tầm với yêu cầu của công vụ, yêu cầu phát triển năng động của tỉnh. Những yếu kém này là rào cản công cuộc cải cách hành chính. Sự thành công của cải cách hành chính phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ CBCC. Và chất lượng đội ngũ CBCC bên cạnh những yếu tố như tuyển dụng còn phụ thuộc rất nhiều vào công tác ĐTBD.
Công tác ĐTBD thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, công tác này vấn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách hành chính, yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế. Chương trình, nội dung ĐTBD trong nhiều năm qua còn quá tập trung vào ĐTBD những cái chung chung, ít tập trung vào
ĐTBD những kiến thức, kỹ năng công chức cần có để làm việc. Nghĩa là chưa chú trọng ĐTBD tăng cường năng lực làm việc cho công chức, vì vậy công tác ĐTBD có hiệu quả thấp, gây lãng phí lớn. Vì vậy, nâng cao chất lượng công tác ĐTBD CBCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.