Đội ngũ giảng viên các cơ sở ĐTBD đang còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là đối với đội ngũ giảng viên hành chính và quản lý nhà nước. Số liệu thực tế trên cho thấy giảng viên về hành chính và quản lý nhà nước chỉ bằng khoảng 1/3 giảng viên lý luận chính trị. Sự thiếu hụt giảng viên quản lý nhà nước không chỉ ở số lượng tuyệt đối mà còn là số lượng giảng viên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu giảng dạy theo nhu cầu ĐTBD phục vụ việc tiêu chuẩn hoá và nâng cao trình độ năng lực cho CBCC. Theo đánh giá của Trường Chính trị tỉnh, chỉ có khoảng 75% giảng viên hành chính và quản lý nhà nước hiện nay có năng lực hoàn thành các chương trình ĐTBD đảm bảo chất lượng, 25% chưa đạt trình độ so với yêu cầu đặt ra.
Hành chính và quản lý nhà nước là những bộ môn mới được đưa vào nghiên cứu và giảng dạy. Chính vì vậy, việc đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên ngành này chưa có bề dày như nhiều bộ môn, chuyên ngành khác trong các cơ sở ĐTBD CBCC. Hiện tượng phổ biến của các cơ sở ĐTBD trên địa bàn tỉnh là phần lớn giảng viên quản lý nhà nước lại có chuyên môn cơ sở từ các chuyên ngành khác tương đối gần với quản lý nhà nước để có thể giảng dạy được các kiến thức quản lý nhà nước. Chuyên môn cơ bản mà giảng viên quản lý nhà nước được đào tạo là luật và chính trị. Bên cạnh đó, số giảng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước theo các chương trình bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước còn hạn chế. Trong thực tế hiện nay còn rất nhiều giảng viên trên địa bàn tỉnh chưa được ĐTBD kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành, bài bản mà vẫn đang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy môn này.
Về phương pháp sư phạm hành chính, cũng theo số liệu khảo sát, hiện nay mới có một phần nhỏ giảng viên quản lý nhà nước đã được bồi dưỡng về
phương pháp sư phạm và phương pháp sư phạm hành chính (chủ yếu là số giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ). Có một thực tế là phần lớn giảng viên hiện đang trực tiếp giảng dạy được đào tạo trong thời kỳ bao cấp nên rất khó khăn cho việc thích ứng các yêu cầu đổi mới mặc dù đã được bồi dưỡng phương pháp sư phạm song phương pháp giảng dạy vẫn nặng tính thuyết trình, lý thuyết, ít kiến thức thực tiễn, việc vận dụng các phương pháp giảng dạy mới và sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ bài giảng còn rất hạn chế.
Về ngoại ngữ và tin học, số giảng viên thông thạo, sử dụng được ngoại ngữ và tin học vào chuyên môn rất ít. Đây là những khó khăn rất lớn cho giảng viên trong quá trình tự học, tham khảo, bổ sung kiến thức chuyên môn mới vào trong bài giảng. Về tin học, phần lớn các giảng viên ở thế hệ trước ít khả năng ứng dụng kiến thức tin học vào giảng dạy, khả năng này tập trung phần lớn ở giảng viên trẻ.
Như vậy điều đáng lo ngại nhất về trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên quản lý nhà nước là phần lớn họ đang làm cái nghề mà họ không được đào tạo một cách bài bản. Việc bồi dưỡng cho giảng viên quản lý nhà nước các chương trình kiến thức quản lý nhà nước theo các khoá ngắn hạn hoặc dài hạn ở trong hoặc ngoài nước cũng không thể là để cho giảng viên hành nghề giảng viên quản lý nhà nước.