Trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Kế hoạch số 2596/KH-UBND ngày 28/7/2006 về ĐTBD CBCC của tỉnh giai đoạn 2006-2010 với các nội dung ĐTBD phù hợp với từng vùng miền và từng nhóm đối tượng CBCC,VC của tỉnh.
- Đối với các lớp Lý luận chính trị, để thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCC,VC tỉnh Quảng Ninh có phẩm chất chính trị vững vàng, đội ngũ
lãnh đạo quản lý vừa hồng vừa chuyên, tỉnh chủ trương phối hợp với các cơ sở đào tạo trung ương và địa phương để đào tạo trình độ lý luận chính trị cho CBCC,VC toàn tỉnh, đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm chính trị cấp huyện để làm địa điểm mở lớp đào tạo nguồn cán bộ cho cấp huyện, cấp xã.
Từ năm 2006 đến nay, số lượng CBCC,VC của tỉnh được đào tạo về Lý luận chính trị ở các trình độ Đại học, Cao cấp, Trung cấp là 2095 lượt người. So với chỉ tiêu kế hoạch vượt 0,03 %.
- Đối với các lớp QLNN, mục tiêu đề ra là 100% CBCC hành chính được chuẩn hoá ngạch bậc, được trang bị kiến thức QLNN để đáp ứng yêu cầu công việc. Ngay từ năm 2007, tỉnh đã quan tâm và chỉ đạo các bộ phận chức năng phối hợp với Học viện Hành chính để mở các lớp chuyên viên chính tại địa phương để tạo điều kiện có nhiều nhất CBCC được tham gia học tập; đến năm 2010 tỉnh cũng đã phối hợp với Học viện để mở 01 lớp chuyên viên cao cấp tại tỉnh tạo điều kiện cho 58 cán bộ cốt cán của tỉnh tham gia học tập; các lớp chuyên viên, do trường Chính trị tỉnh đảm nhiệm, từ năm 2008, tỉnh cũng chủ trương tăng cường mở lớp tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để tạo điều kiện nâng dần tỷ lệ CBCC cấp huyện, cấp xã theo học.
Tính đến nay số CBCC được cử đi học các lớp bồi dưỡng về QLNN là 3021 lượt người. So với chỉ tiêu kế hoạch vượt 32%.
- Thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCC có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; phấn đấu đến năm 2010 có 100% công chức xã được ĐTBD trình độ chuyên môn.... trong những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đào tạo nhóm đối tượng này. Số lượng CBCC,VC được cử đi đào tạo và đào tạo lại tăng nhiều, đặc biệt một số lớp tỉnh quan tâm cấp kinh phí đào tạo như: Đào tạo Bác sỹ tuyến xã, Y tế thôn bản, Cao đẳng lao động - xã hội cho tuyến xã, Trung cấp ngành Quân sự, Trung cấp ngành Phụ nữ, ngành Luật, Trung cấp Văn hoá Dân tộc Miền núi... Tỷ lệ CBCC được cử đi đào tạo trình độ Sau đại học tăng nhiều so với giai đoạn 2001-2005, tập trung
nhiều ở các ngành y tế, giáo dục và kinh tế. Hiện nay, tính chung toàn tỉnh có 87% số CBCC xã được đào tạo chuyên môn từ trình độ trung cấp trở lên.
- Đối với các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, với mục tiêu 100 % CBCC hành chính được trang bị, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, có khả năng hoàn thành tốt công việc được giao; 100% công chức lãnh đạo cấp sở, huyện được trang bị kỹ năng lãnh đạo, quản lý; thực hiện đầy đủ quy trình ĐTBD để chuẩn hoá trước khi bổ nhiệm, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực trong việc phối hợp với các cơ sở đào tạo trung ương, các giảng viên thỉnh giảng đang công tác tại các bộ, ngành, các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực tham gia giảng dạy. Qua các lớp học này các học viên được nâng cao kiến thức, được cập nhật thông tin mới và bổ sung kinh nghiệm trong quản lý và thực thi công vụ.
- Đối với các lớp tin học và ngoại ngữ, với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới của đất nước và thời kỳ hội nhập quốc tế, được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các lớp tin học và ngoại ngữ đã được mở rộng xuống các địa phương thuộc tỉnh, đáp ứng nhu cầu tin học hoá và nhu cầu giao dịch quốc tế. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu 100% số CBCC xã được phủ kín trình độ Tin học Văn phòng.
Tính đến nay đến nay số CBCC được đào tạo về ngoại ngữ là 1.112 lượt người, so với chỉ tiêu kế hoạch vượt 33%. Số CBCC được đào tạo về tin học là 9.128 lượt người, so với chỉ tiêu kế hoạch vượt 226%.
Ngoài việc triển khai các lớp theo kế hoạch hàng năm, tỉnh Quảng Ninh còn tranh thủ được các nguồn vốn kinh phí từ các chương trình, dự án cấp bộ, ngành mở được nhiều lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin, kỹ năng quản lý đào tạo, kỹ năng quản lý và điều hành cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã và kỹ năng giao tiếp trong thực thi công vụ ...
Bên cạnh những kết quả ĐTBD nêu trên, Quảng Ninh còn có nhiều biện pháp khuyến khích CBCC tự tham gia học tập, tự ĐTBD bằng các nguồn kinh
phí của bản thân hoặc các nguồn xã hội hóa. Riêng Trung tâm Giáo dục thường xuyên và đào tạo cán bộ tỉnh Quảng Ninh hàng năm có trên 60 lớp đại học tại chức với lưu lượng khoảng gần 4.000 sinh viên theo học các chuyên ngành khác nhau. Số lượt CBCC theo học các lớp ngoại ngữ ngắn hạn trình độ A,B,C là khoảng 3.000 người. Về tin học, hàng năm, Trung tâm phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, thị xã mở nhiều lớp tin học QLNN dành cho công chức, viên chức với khoảng 800 lượt người.
Từ năm 2003, tỉnh Quảng Ninh còn được Công ty Dầu thực vật Cái Lân, đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tài trợ nhiều xuất học bổng cho sinh viên của tỉnh đang theo học tại các trường đại học trong nước với số tiền hàng trăm triệu đồng/năm.
(Chi tiết số liệu ĐTBD xem phụ lục)
Kết quả thực hiện các mục tiêu ĐTBD của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006 - 2010
Với mục tiêu trang bị và nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho đội ngũ công chức hành chính và CBCC các cấp, tiến tới xây dựng đội ngũ CBCC có tính chuyên nghiệp cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ năng lực thi hành công vụ, có tinh thần tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Đến năm 2010, về cơ bản tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu ĐTBD. Đối chiếu với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, các nội dung đạt được như sau:
- 82% CBCC được trang bị kiến thức theo tiêu chuẩn cho công chức lãnh đạo, quản lý, công chức các ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp;
- 93% công chức hành chính được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ;
- 100% công chức lãnh đạo cấp sở, cấp huyện được trang bị kỹ năng lãnh đạo quản lý;
- 100% cán bộ xã được trang bị kiến thức về chính trị, QLNN và trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định;
- 95% số cán bộ có chức danh chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND được ĐTBD chuẩn chức danh;
- 87% số CBCC xã được đào tạo chuyên môn từ trình độ trung cấp trở lên;
- 94% số cán bộ không chuyên trách ở các xã thôn và tổ dân khu phố được tập huấn nghiệp vụ.