Thực hiện chế độ, chính sách ĐTBD

Một phần của tài liệu đào tạo cán bộ công chức trên địa bàn chính quyền địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh (Trang 28 - 30)

1.2.4.1. Hỗ trợ về thời gian

Các chương trình ĐT, BD hiện nay được thiết kế khá đa dạng về thời gian, hình thức tổ chức. Có chương trình học tập trung trong khoảng thời gian 2-3 tháng học tập trung như chương trình bồi dưỡng kiến thức QLNN cho chuyên viên, chuyên viên chính, có chương trình lại kéo dài tới 2 năm, mỗi tháng học 1 tuần như chương trình lý luận chính trị cao cấp. Vì vậy, bố trí, sắp xếp công việc để CBCC có đủ thời gian để theo học các khóa bồi dưỡng là một yêu cầu quan trọng. Điều này phụ thuộc rất lớn vào lãnh đạo cơ quan, thủ trưởng đơn vị trong việc phân công công việc, bố trí sắp xếp cán bộ làm thay công việc của những người đi học. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần ý thức rằng việc cử CBCC đi bồi dưỡng là nhằm nâng cao năng lực của họ để phục vụ cho công việc tương lai của cơ quan, vì vậy, dành đủ thời gian để họ toàn tâm toàn ý với việc học tập là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng ĐTBD

của CBCC; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng điều động CBCC trong thời gian đi học về giải quyết công việc cơ quan, đơn vị.

1.2.4.2. Hỗ trợ về tài chính

Kinh phí cho công tác ĐTBD CBCC do Nhà nước cấp, được phân bổ từ ngân sách nhà nước cho các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương và tiếp tục được phân bổ đến các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. CBCC được cử đi ĐTBD được hưởng nguyên lương. Như vậy, Nhà nước bao cấp toàn bộ kinh phí cho công tác ĐTBD CBCC. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với công tác ĐTBD, xây dựng đội ngũ CBCC. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều CBCC vẫn ngại khi được cử đi ĐTBD, nhất là với những người được cử đi ĐTBD tập trung, xa cơ quan, gia đình. Rõ ràng trong những tình huống như vậy, công việc bị xáo trộn, tổ chức cuộc sống gia đình cũng phải có những điều chỉnh nhất định, gây nên tâm lý ngại ngần đối với người được cử đi ĐTBD. Hơn nữa, việc học tập xa nhà cũng phát sinh thêm những chi phí nhất định cho việc học tập, đi lại. Vì vậy, để động viên CBCC tích cực tham gia và toàn tâm, toàn ý vào nhiệm vụ ĐTBD, bên cạnh chế độ, chính sách chung của Nhà nước, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và trong khuôn khổ cho phép có các hình thức hỗ trợ tài chính cho CBCC đi ĐTBD nhằm khuyến khích, động viên CBCC trong ĐTBD, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐTBD.

1.2.4.3. Sử dụng sau khi ĐTBD

Mục tiêu của ĐTBD là để nâng cao năng lực làm việc cho CBCC. Phát huy năng lực làm việc của mỗi CBCC bên cạnh các yếu tố chủ quan, còn phụ thuộc rất lớn vào việc bố trí, sử dụng. Rõ ràng, nếu CBCC được ĐTBD về một nghiệp vụ này lại được giao công việc có yêu cầu những nghiệp vụ khác theo kiểu “học một đằng, làm một nẻo” hay ĐTBD theo tiêu chuẩn chức trách, ngạch bậc cao nhưng lại được giao một vị trí công việc thấp hơn,… thì CBCC

rất khó có thể phát huy năng lực của mình. Hơn nữa, điều này còn gây tác động tâm lý không tốt đến những CBCC khác trong cơ quan, họ sẽ coi đó là những tấm gương và sẽ không có động lực tham gia các khóa ĐTBD tiếp theo. Như thế, có thể nói công tác bố trí, sử dụng CBCC sau khi ĐTBD của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tác động quan trọng đến công tác ĐTBD. Vai trò đó thể hiện từ khâu quy hoạch cán bộ; sắp xếp, lựa chọn, bố trí cử cán bộ tham gia ĐTBD; sử dụng cán bộ sau khi ĐTBD một cách “đúng người, đúng việc” đến việc coi kết quả ĐTBD là một trong những yếu tố quan trọng để xem xét đề bạt, bổ nhiệm, sắp xếp vào vị trí công việc cao hơn. Có như vậy mới tạo động lực để CBCC tích cực tham gia ĐTBD và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ĐTBD với kết quả cao nhất.

Một phần của tài liệu đào tạo cán bộ công chức trên địa bàn chính quyền địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh (Trang 28 - 30)