MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu đào tạo cán bộ công chức trên địa bàn chính quyền địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh (Trang 98 - 103)

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, công tác ĐTBD CBCC, viên chức của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đã có những kết quả khả quan. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác ĐTBD, đề nghị Bộ Nội vụ, các ban, ngành, các học viện trung ương quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Về chương trình, tài liệu học tập, đề nghị các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ sớm ban hành chương trình, giáo trình mới. Khi thiết kế chương trình cần đảm bảo tính liên thông giữa các bậc học. Nội dung chương trình phải đáp ứng việc học tập nâng cao trình độ cho CBCC, viên chức trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

- Về đội ngũ giảng viên, các cơ sở đào tạo cần tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy và bổ sung, cập nhật kiến thức mới; tăng cường giảng viên thỉnh giảng đang công tác ở cấp bộ, ngành trung ương về địa phương để học viên có cơ hội tiếp cận với thông tin mới và bổ sung kỹ năng tác nghiệp, xử lý tình huống trong quá trình thực thi công vụ.

- Tiếp tục hỗ trợ tỉnh về kinh phí, hỗ trợ các khoá ĐTBD theo các dự án của bộ, ngành, của các tổ chức quốc tế.

Về phía Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh cần:

- Cụ thể hóa chủ trương tăng cường ĐTBD nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC trong tỉnh bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở ĐTBD, tăng định mức hỗ trợ kinh phí trong việc thu hút nhân tài về tỉnh công tác cũng như mức kinh phí hỗ trợ CBCC của tỉnh đào tạo sau đại học, hỗ trợ sinh hoạt phí cho CBCC tham gia các khóa ĐTBD nhằm động viên CBCC tích cực tham gia và khi đã tham gia thì họ có thể yên tâm theo học, nâng cao chất lượng tiếp thu kiến thức trong các khóa ĐTBD.

- Có giải pháp quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, bao gồm từ việc thu hút đến quy hoạch trong ĐTBD nâng cao trình độ cả về chuyên môn cũng như phương pháp sư phạm hiện đại; chính sách hỗ trợ công tác phí, nhà ở công vụ. Khuyến khích việc thiết lập và mở rộng đội ngũ giảng viên kiêm chức. Ngoài việc trả thù lao thỏa đáng, cần có các biện pháp khen thưởng, tôn vinh kịp thời để họ tích cực tham gia ĐTBD.

- Xây dựng cơ chế thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế vào công tác ĐTBD, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó, chú trọng đến các cơ chế, chính sách ưu đãi về thủ tục đầu tư, ưu đãi trong việc giao mặt bằng đến các ưu đãi về thuế.

- Sớm thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho CBCC, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn, nhiệt huyết trong công việc giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

KẾT LUẬN

ĐTBD CBCC hành chính là một yêu cầu cấp thiết đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII đã xác định: “Xây dựng đội ngũ CBCC có phẩm chất và năng lực là yếu tố quyết định chất lượng của bộ máy nhà nước”. Đối với công tác ĐTBD, Nghị quyết đã xác định rõ: CBCC nhà nước “cần phải được ĐTBD kiến thức toàn diện, trước hết về đường lối chính trị, về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội”. Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng xác định tiếp tục đổi mới công tác cán bộ: “Xây dựng đội ngũ CBCC, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân”. Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CBCC được Đại hội xác định là: “Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước” [14]. Vai trò đặc biệt quan trong trong thực hiện nhiệm vụ nêu trên thuộc về công tác ĐTBD CBCC.

Quảng Ninh là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc nước ta, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội đại biểu lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực, một trong những cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, một khu vực phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, phát triển bền vững, đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện nhiệm vụ to lớn đó, đòi hỏi nỗ lực cao nhất của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó, vai trò đặc biệt quan trọng thuộc về đội ngũ CBCC trong việc xây dựng và hoạch định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; CCHC, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Có thể nói, phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ tận

tụy của đội ngũ CBCC có vai trò quyết định đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đội ngũ CBCC của tỉnh Quảng Ninh cũng như của cả nước nói chung được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, một bộ phận được đào tạo cơ bản qua trường lớp, nhưng chủ yếu là trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp. Còn khá nhiều CBCC được trưởng thành từ phong trào cách mạng trong sản xuất và chiến đấu, có kinh nghiệm, nhiệt tình công tác, nhưng những tri thức và sự hiểu biết về khoa học công nghệ, về kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế.

Một trong những giải pháp nâng cao năng lực, trình độ của CBCC là ĐTBD. Dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nội vụ, của các học viện và các ban, ngành trung ương, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ ĐTBD; tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất cũng như cán bộ cho công tác này. Nhìn chung, số lượng các lớp, các chương trình ĐTBD cũng như số lượng CBCC được tham gia ĐTBD đạt mức kế hoạch đề ra. Kết quả tích cực của công tác ĐTBD CBCC góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCC, đóng góp nỗ lực quan trọng cùng toàn Đảng, toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Song, nhìn chung công tác ĐTBD CBCC của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Chất lượng ĐTBD còn nhiều bất cập. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những năm trước mắt đối với công tác ĐTBD là phải nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ CBCC đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh việc ĐTBD đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với từng ngạch, chức danh CBCC, cần thực hiện việc ĐTBD dựa trên năng lực thực hiện công việc nhằm tăng cường nâng cao năng lực làm việc thực tế và ĐTBD

cán bộ nguồn để hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực quản lý nhà nước, có trình độ và năng lực tham gia hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều kiện kinh tế thị trường bài toán hiệu quả luôn được coi trọng. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của tỉnh cho công tác ĐTBD CBCC có hạn, trước yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC thì nâng cao chất lượng công tác ĐTBD cán bộ công chức là một yêu cầu khách quan.

Luận văn “ĐTBD CBCC chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Ninh” đã nghiên cứu về hoạt động đào tạo CBCC chính quyền ở tỉnh Quảng Ninh và đưa ra những phương hướng, giải pháp hoàn thiện quản lý, nâng cao chất lượng công tác này. Từ phân tích cơ sở lý luận của công tác ĐTBD CBCC, Luận văn đánh giá thực trạng công tác ĐTBD CBCC của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2005-2010, chỉ ra những thành tựu, hạn chế cũng như nguyên nhân của những hạn chế để đề xuất các phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng công tác ĐTBD CBCC. Phương hướng đề ra là ĐTBD phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của địa phương; chú trọng ĐTBD nâng cao năng lực thực hiện công việc của CBCC và kết hợp ĐTBD với các hình thức huấn luyện, kèm cặp. Các giải pháp bao gồm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở ĐTBD; đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trong ĐTBD./.

Một phần của tài liệu đào tạo cán bộ công chức trên địa bàn chính quyền địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh (Trang 98 - 103)