KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
5.2.4. Giải pháp đối với việc kiểm soát rủi ro tài chính của chủ đầu tư
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công trên cơ sở tổng hợp rút kinh nghiệm và sửa đổi một số những bất cập của các quy định hiện nay. Luật Đầu tư công mới xác định rõ quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan thẩm định kế hoạch, tổ chức cá nhân liên quan đến tư vấn thiết kế chương trình dự án. Đặc biệt luật mới quy định việc lập kế hoạch trung hạn cho các dự án đầu tư công với yêu cầu cân đối đủ vốn cho các dự án trong kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm phù hợp với tiến độ thực hiện. Về vấn đề thanh toán vốn đầu tư, luật quy định chủ đầu tư được phép giải ngân dự án kéo dài đến tháng 12 năm sau thay vì chỉ giải ngân đến hết tháng 01 của năm sau như trước đây. Đây là một bước tiến bộ trong quản lý tài chính công nhưng chưa triệt để. Chủ đầu tư chỉ được kéo dài thời gian thanh toán sang năm sau năm kế hoạch, còn nguồn vốn thực hiện dự án vẫn phụ thuộc vào kế hoạch vốn bố trí hàng năm. Quy định này chỉ giúp chủ đầu tư có nguồn vốn thanh toán cho khối lượng hoàn thành năm trước - khi không kịp thanh toán trong năm và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư quản lý dự án chậm tiến độ. Trường hợp các chủ đầu tư muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thì khối lượng thực hiện vượt kế hoạch nguồn vốn bố trí trong năm sẽ không có nguồn thanh toán. Đây là một dạng rủi ro tài chính của chủ đầu tư mà Luật Đầu tư công chưa khắc phục được.
Đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định chủ đầu tư được toàn quyền bố trí kế hoạch nguồn vốn hàng năm theo tiến độ thực hiện dự án trong giới hạn của kế hoạch ngân sách trung hạn. Cùng với quy định này là quy định chế tài các chủ đầu tư khi để xảy ra chậm tiến độ và vượt dự toán, quy định trách nhiệm giải trình, trách nhiệm về sự minh bạch, công khai và trách nhiệm đối với hiệu quả đầu tư dự án.
Ngoài ra, trong xu thế hội nhập, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý đầu tư công tiệm cận với các chuẩn mực của Hiệp hội kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC) đã được các tổ chức tài chính đa phương (WB, ADB…) áp dụng và phát huy hiệu quả. Điều này cũng giảm áp lực khó khăn cho chủ đầu tư trong công tác quản lý dự án sử dụng nguồn vốn ODA khi vừa phải thực hiện theo Hiệp định tài trợ vừa phải thực hiện theo pháp luật Việt Nam.
Một điểm mới để hạn chế rủi ro về tài chính của chủ đầu tư là biện pháp bảo đảm thanh toán hợp đồng xây dựng. Điều 17 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng nêu: “Bảo đảm thanh toán hợp đồng xây dựng là việc bên giao thầu thực hiện các biện pháp nhằm chứng minh khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng đã ký kết với bên nhận thầu thông qua các hình thức như kế hoạch bố trí vốn được phê duyệt, bảo đảm của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, hợp đồng cung cấp tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay vốn với các định chế tài chính. Trước khi ký kết hợp đồng xây dựng, bên giao thầu phải có bảo đảm thanh toán phù hợp với tiến độ thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nghiêm cấm bên giao thầu ký kết hợp đồng xây dựng khi chưa có kế hoạch vốn để thanh toán theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng, trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp”. Đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách, việc chứng minh với bên nhận thầu bằng kế hoạch bố trí vốn được phê duyệt chưa đủ để đảm bảo nguồn vốn thanh toán trong năm cho phần khối lượng vượt tiến độ. Đây là hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung nhằm bảo đảm chủ đầu tư có đủ vốn thanh toán cho khối lượng vượt tiến độ, khuyến khích nhà thầu thi công vượt tiến độ.